Thời kỳ Phật giáo bị loại khỏi chính trường nước ta

Theo luật vô thường, phàm có thạnh thì phải có suy, Phật giáo cũng không thoát khỏi cái luật chung ấy.

Ðời Vua Lý Nhân Tôn, vì muốn văn hóa Việt Nam càng dồi dào phong phú, nhà vua cho mở khoa thi Tam giáo để chọn nhân tài. Khoa đầu tiên đượcmở năm thứ sáu niên hiệu Hội Phong (1097 T.L.), người chiếm thủ khoa là Thiền sư Viên Thông, sau được phong Quốc sư.

Như thế, Nho giáo, Lão giáo đã có cơ tiến bộ và tư tưởng Tam giáo đồng nguyên dần dần phát đạt, mãi đến đời Trần mới cực thịnh. Cuối đời Trần, cái học khoa học cử đã thành hình; những người giỏi Nho được bổ dụng làm quan. Thế là trong chính trường, giới nho sĩ dần dần chiếm ưu thế. Giới nho sĩ cho Phật giáo là tư tưởng yếm thế, không đủ điều kiện xây dựng xã hội hùng mạnh, do đó các vị Thiền sư bị loại dần ra khỏi chính trường. Hoặc giả, những người lãnh đạo Phật giáo lúc bấy giờ kém tài, thiếu đức không giữ nổi địa vị quan trọng của mình, nên phải rút lui về thôn dã. Nhất là từ đời Hậu Lê (1428) về sau, giới nho sĩ hoàn toàn nắm quyền lãnh đạo quốc gia.

Phật giáo lúc này hoàn toàn bị bạc đãi, Chánh quyền muốn hạn chế giới tu hành nên mở những kỳ thi tuyển để loại bớt. Ông Ðào Duy Anh đã viết: “Nửa triều Trần, từ đời Chu Văn An đã bắt đầu thắng Phật học mới chiếm địa vị độc tôn. Hai triều ấy đều có pháp luật nghiêm khắc đối với các nhà tu hành Phật giáo và Ðạo giáo. Tuy triều Lê có các khoa thi kinh điển riêng cho những nhà tu hành, nhưng đó chính làmột cách hạn chế. Ðối với Nho học thì các đời vua Lê và Nguyễn đều hết sức tôn trọng”. (Việt Nam văn hoá, trang 237 của Ðào Duy Anh).

Chúng ta thấy rõ, lúc Phật giáo thịnh, đối với Nho, Lão vẫn được quí trọng. Ngược lại, khi Nho học cực thịnh thì Phật giáo bị kỳ thị hắt hủi. Nhưng nhờ đó Phật giáo có cơ hội sống gần gũi với đồng bào trong thôn dã và gieo rắc một tiềm lực hùng hậu trong toàn dân. Cũng nhờ đó, Phật giáo mới thành đạo của dân tộc Việt Nam và sau nầy không mang tội phản dân tộc. Những vị sư lui về thôn dã, gần gũi thân mật với những người nông dân mộc mạc ởnhững thôn xóm hẻo lánh xa xôi.

Ðể thích ứng với tính tình chất phác của họ và hòa nhịp theo tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc, Phật giáo dần dần mất tính cách bác học, trở thành tín ngưỡng bình dân. Những vị sư phải biết chẩn mạch, bốc thuốc, xem ngày kiết hung, thậm chí phải rành bùa chú để trừ tà, ếm quỉ. Hết Lê tới Nguyễn, đất nước lắm phen điêu linh vì nạn ngoại xâm, nội loạn, cho đến phải chia đôi Trịnh, Nguyễn. Sự tủi nhục, đau buồn của đất nước cũng là cái tủi nhục đau buồn của Phật giáo Việt Nam. Gia Long thống nhất sơn hà (1802) không bao lâu lọt vào tay người Pháp. Nước Việt Nam lại bị lệ thuộc Tây phương.

Ðến thời Pháp thuộc, chữ Hán phải thoái vị, nhường chỗ cho chữ Pháp thịnh hành. Phái Nho học bị loại khỏi chính trường, phái Âu học mang râu đội mũ bước ra, các ông Nho sĩ trở về vườn dạy học, chẩn mạch bốc thuốc, coi ngày cưới gả. Những khi nhàn rỗi, cụ đồ sang chùa cùng nhắp những hớp trà sen thơm ngọt, nói chuyện thân mật với các ông sư.

Tuy Tổ quốc đã trải qua bao phen thăng trầm vinh nhục, nhưng tinh thần dân tộc không bao giờ mất. Phật giáo Việt Nam đã bị loại khỏi chính trường, nhưng sức sống của đạo pháp vẫn còn tàng ẩn trong lòng dân tộc, chỉ chờ cơ hội thuận tiện là tinh thần dân tộc bùng khởi, đạo pháp sống động tràn trề.

(Trích: Phật giáo trong mạch sống dân tộc).

HT Thích Thanh Từ