Thế nào là quân tử và sao gọi là tiểu nhân?

Chúng ta thường nghe: “Đừng lấy dạ tiểu nhân đo lòng người quân tử”. Nhưng thế nào là quân tử, sao gọi là tiểu nhân? Người xưa đưa một số tiêu chuẩn để đánh giá như sau…

 

1. Xét tấm lòng

Tấm lòng rộng hay hẹp không phải tự nhiên mà có, phần nhiều do môi trường sống, sự tu dưỡng và nỗ lực tự thân mỗi cá nhân. Người quân tử thì tấm lòng luôn rộng mở, khoan dung với tất cả, không giữ niềm oán hận bất kỳ ai. Kẻ tiểu nhân trong lòng luôn toan tính, quen với thói so bì nên cứ sợ mình thua thiệt, buồn phiền.

2. Xét cách kết giao bạn hữu

Quân tử đoàn kết mà không cấu kết, tiểu nhân cấu kết nhưng vẫn bất hòa. Người quân tử bất luận qua lại với hạng người nào, cũng bằng tấm lòng ngay thẳng, chân thành đối xử, không kết bè lập phái. Kẻ tiểu nhân thích lập phe kết phái, và luôn cay nghiệt, bài trừ những người khác với mình, tất cả chỉ để phục vụ cho lợi ích cá nhân.

Lời Phật dạy cách đối mặt với kẻ tiểu nhân

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

3. Xét sự lựa chọn

Người quân tử luôn ưu tiên đại cục, thành tựu việc chung rồi mới tính chuyện riêng. Kẻ tiểu nhân chỉ quan tâm tư lợi bản thân, dù có hỏng việc lớn cũng mặc kệ. Khi đối diện với sự lựa chọn, người quân tử có thể hy sinh lợi ích cá nhân để thành tựu việc chung, kẻ tiêu nhân thì ngược lại.

4. Xét lời nói và việc làm

Người quân tử luôn có tấm lòng nhân ái cao thượng, những việc phù hợp với đạo nghĩa, họ chắc chắn sẽ trợ duyên để thành tựu. Những việc gây tổn hại cho người cho mình, họ nhất định sẽ không nói không làm, cũng không trợ giúp cho người khác làm. Kẻ tiểu nhân thì ngược lại, miễn có lợi cho mình thì bất chấp.

5. Xét khí chất

Người quân tử trầm tĩnh mà không kiêu ngạo, kẻ tiểu nhân kiêu ngạo mà không tự tại. Người quân tử dù rất thông minh cũng không thích thể hiện, dù thành công cũng không khoác lác, có quyền thế cũng chỉ dùng để giúp người mà không ỷ lại và phô trương thân thế. Kẻ tiểu nhân thì ngược lại, trống rỗng mà khoe khoang khắp nơi, nhưng vẫn sợ người khác không biết đến mình.

6. Xét chí hướng

Người quân tử luôn hướng đến sự tích cực, nỗ lực phấn đấu để không ngừng tiến lên. Kẻ tiểu nhân chỉ thích những điều dễ dãi và cuộc sống nhàn hạ mà không cần biết cuộc đời mình đang đi lên hay xuống.

7. Xét sự truy cầu

Người quân tử giữ gìn quy tắc, theo đuổi lý tưởng trong đạo nghĩa kỷ cương. Kẻ tiểu nhân trăn trở trăm phương nghìn kế để mưu lợi cho mình, suốt ngày bận rộn trong lo lắng.

8. Xét nhân phẩm

Người quân tử đề cao tố chất “phản quang tự kỷ”, không ngừng sửa mình để tiến bộ, tự lập tự cường để tự chủ trong tinh thần biết đủ. Kẻ tiểu nhân không quen kiểm thúc bản thân, cảm thấy mọi trách nhiệm và sai trái đều là lỗi từ người khác, từ chối mọi cơ hội rèn luyện nên mãi chẳng thể trưởng thành.

Bạn phù hợp bao nhiêu tiêu chí để thành người quân tử?

Sư cô Suối Thông biên dịch