Trong kiếp luân hồi, đâu là nơi bắt đầu?

Câu hỏi: Kính bạch Thầy, con có một câu hỏi muốn hỏi Thầy: Đối với Phật giáo, chết không phải là hết, chết rồi còn đi tái sinh, chuyển kiếp nữa. Vậy, trong kiếp luân hồi ấy, đâu là nơi bắt đầu?

 

Liệu rằng có kết thúc hay không? Theo con nghĩ, nếu ta làm quá nhiều điều ác nghiệp, trả không thể nào hết được thì đó là kết thúc phải không ạ? Con rất mong đợi câu trả lời của quý Thầy ạ!

Khi nào chúng ta đắc quả giải thoát, giác ngộ là chấm dứt vòng luân hồi.

Khi nào chúng ta đắc quả giải thoát, giác ngộ là chấm dứt vòng luân hồi.

Thầy Thích Trúc Thái Minh trả lời:

Kính thưa đại chúng!

Vòng luân hồi là gì?

Vòng luân hồi là vòng luẩn quẩn, đi đi, lại lại. Khi chúng ta sinh làm người, ở kiếp người sống thiện hoặc ác, đến khi chết hoặc đọa làm súc sinh, hoặc làm ngạ quỷ, hoặc xuống địa ngục,… Hết nghiệp ở địa ngục thì tái sinh đi lên, có trường hợp thì lên thẳng làm người; có khi tái sinh lại làm ngạ quỷ, hết kiếp ngạ quỷ lại lên làm súc sinh, hết kiếp súc sinh lại tái sinh lên làm người; khi làm người lại gặp Phật Pháp mà tu tập thì được lên làm thần A Tu La, hoặc lên cõi trời; lên cõi trời ăn chơi, nhảy múa một thời gian theo nghiệp lực lại rơi xuống các cảnh giới khác. Và chúng ta cứ đi luân hồi lên lên, xuống xuống cho nên người ta ví sự tái sinh ấy giống như bánh xe luân hồi.

Chúng ta bắt đầu luân hồi từ đâu?

Vòng luân hồi này không có bắt đầu, không có khởi thủy. Chúng ta đã luân hồi từ vô thủy (tức là không có đầu). Không một ai có thể tìm được điểm ban đầu chúng ta đi luân hồi từ bao giờ, kể cả Đức Phật. Hỏi Phật trăm ngàn vạn ức tỷ kiếp trước, điều gì Phật cũng biết, nhưng chúng sinh có mặt trong luân hồi bắt đầu từ kiếp nào thì Phật cũng không biết.

Khi nào chúng ta chấm dứt vòng luân hồi?

Vòng luân hồi có kết thúc. Khi nào chúng ta đắc quả giải thoát, giác ngộ là chấm dứt vòng luân hồi. Cũng giống như vòng tròn, tuy nó không có điểm bắt đầu nhưng nếu ta muốn “cắt nó ra” thì ta sẽ cắt đứt được; còn nếu để nó liền như vậy mà hỏi điểm bắt đầu ở đâu thì không tìm được. Ví dụ như mấy con kiến bò trên miệng chén, nó cứ mải miết bò, nó nghĩ là nó sẽ đi đến đích nhưng mà bò mãi không hết con đường, mặc dù cái miệng chén không to. Cho nên có con đường nào đi mãi không hết? Đó là đường tròn.

Vậy ở đây, riêng với luân hồi, khởi đầu không có nhưng kết thúc thì có. Chúng ta đang tu học Phật Pháp chính là đang tính đến chuyện kết thúc vòng luân hồi này.