Bài học thấy ra chính mình trong cuộc sống mới thật sự là ý nghĩa của một kiếp người
Nên nhiều lúc làm cũng dễ bỏ qua khi thấy làm miết mà không thấy niềm vui. Trạng thái kiểu là có cũng được, mà không có cũng hoan hỉ. Không có mong cầu rồi áp lực phải nỗ lực đạt được. Con xin hỏi thầy giờ con cần phải làm gì ạ?
Câu hỏi:
Thưa thầy,
Cách đây 6 năm trước khi con mới bắt đầu khởi nghiệp, con làm việc rất nhiệt huyết, làm quên mình và rất năng lượng. Tuy nhiên khi đó con chưa biết về đạo nên những công việc làm còn phạm phải những điều không tốt và lúc đó động lực và khát khao lớn nhất làm là có tiền tài, danh vọng thật nhiều. Khi đó mong cầu của con rất lớn, muốn rất nhiều điều và rồi đau khổ cũng rất nhiều, càng làm càng thấy mệt mỏi và rồi có lúc bế tắc.
Sau khi trải qua những lần thất bại và có lúc bế tắc giữa những lựa chọn thì con biết tới thiền vipassna cách đây 3 năm. Khi đó con hiểu ra tại sao mình lại đau khổ như hiện tại là do mong cầu quá nhiều và không đạt được nên dẫn đến khổ. Từ đó con bắt đầu biết đến đạo, con có duyên được nghe pháp của thầy và các vị thầy khác. Từ khi biết tới đạo con hiểu là tất cả những vật chất bên ngoài, những gì mong muốn để trở thành trước đây đều không có thật. Khi chưa có thì khát khao để đạt được, lúc đạt rồi thấy cũng chỉ vui có chút xíu. Và rồi từ đó cuộc sống hiện tại của con cũng không có mục tiêu gì về những thứ đó. Nhưng phận cư sĩ tại gia đang sống ở đời nên cũng cần phải có sự nghiệp, có tài chính để lo cho chính mình, gia đình và có tài chính thì cũng mới có điều kiện để làm việc thiện. Con cũng hiểu là cần cân bằng giữa việc đời và đạo, cần trọn vẹn với công việc hiện tại và tu ngay chính trong công việc. Nhưng năng lượng và sự nhiệt huyết như xưa thì không còn như vậy, vì con làm chỉ để là làm chứ không có mục tiêu là cần đạt được bao nhiêu.
Con kính biết ơn thầy ạ!
Trả lời:
Con cứ sống làm việc theo nhu cầu sự sống, rồi qua đó con thấy ra được chính mình. Bài học thấy ra chính mình trong cuộc sống mới thật sự là ý nghĩa của một kiếp người.
Theo: Trung tâm Hộ tông
HT. Viên Minh