Hoa sen: Biểu tượng của vô nhiễm

Đặc tính vô nhiễm của hoa sen được đề cập trong kinh điển Phật giáo một cách phong phú. Không chỉ có thế, hình ảnh hoa sen còn dùng để minh họa cho những trạng thái tu chứng của hành giả.

Rig-veda là tài liệu sớm nhất về tôn giáo, phong tục, hiến pháp và xã hội Ấn Độ. Hầu hết các tụng ca trong đây đều là những vần thơ ca ngợi các thiên thần với mục đích làm vui lòng các đấng siêu nhiên này với màu sắc siêu hình bàng bạc trong những câu thơ như là sợi chỉ xuyên suốt các giai đoạn phát triển của Veda. Atharva-veda thì ưu tiên trình bày các yếu tố phép thuật và tín ngưỡng trong khi các tác phẩm như Yajur-veda, Brahmanas và Aranyakas thì đề cập đến khía cạnh nghi thức tế lễ trong tôn giáo. Và đến giai đoạn Upaniṣad thì đóa hoa triết học Ấn Độ đã thật sự mãn khai với chủ đề chính là các vấn đề về sự bất tử và tự do của con người trong cái vòng tái sinh khổ lụy. Liên quan đến sự phát triển về khái niệm hoa sen trong văn học Veda thì ta thấy Rig-veda và Atharva-veda là hai tác phẩm sớm nhất nói đến hoa sen trong mối liên hệ với các khái niệm thần thánh và siêu hình như thần lửa Agni, thiên đường và mặt trời, nhà tiên tri, bánh xe vũ trụ, tử cung, sự bất tử, và tính công bằng.

Rig-veda là tài liệu sớm nhất về tôn giáo, phong tục, hiến pháp và xã hội Ấn Độ. Hầu hết các tụng ca trong đây đều là những vần thơ ca ngợi các thiên thần với mục đích làm vui lòng các đấng siêu nhiên này với màu sắc siêu hình bàng bạc trong những câu thơ

Rig-veda là tài liệu sớm nhất về tôn giáo, phong tục, hiến pháp và xã hội Ấn Độ. Hầu hết các tụng ca trong đây đều là những vần thơ ca ngợi các thiên thần với mục đích làm vui lòng các đấng siêu nhiên này với màu sắc siêu hình bàng bạc trong những câu thơ

Atharva-veda cũng đề cập đến hiện tượng hoa sen được dùng làm bảo tọa của Phạm thiên. Đến thời kỳ Upaniṣad thì các triết gia Bà-la-môn bắt đầu chú ý đến tính chất không thấm nước của sen, gồm lá sen và hoa sen, và lấy sen làm biểu tượng cho sự không đắm nhiễm và an nhiên của hành giả đối với thế giới vật chất. Vai trò quan trọng nhất của hoa sen trong văn học Veda là nó là biểu trưng cho sự tiến hóa của vũ trụ, điều mà Đức Phật không hề đề cập trong các văn điển Pāli. Đức Phật khuyên hàng đệ tử của Ngài không nên suy tìm những vấn đề siêu hình hay quá bí hiểm. Bản thân Ngài cũng từ chối nói về những vấn đề như thế vì chúng không giúp gì trong việc giác ngộ chân lý tối hậu là Niết-bàn. Trong văn điển Pāli ta thấy các nhà Phật học chỉ tiếp thu hai khái niệm ra đời muộn nhất của Veda là tính vô nhiễm của hoa sen và tiêu chuẩn về vẻ đẹp của con người của loài hoa sinh trưởng trong nước này. Các vị thần, nhất là nữ thần trong Veda thường trang sức bằng các vòng làm bằng hoa sen.

Từ khái niệm hoa sen là tiêu chuẩn của vẻ đẹp cũng như hồ sen là biểu tượng cho niềm vui đã làm phát sinh một hiện tượng mới, đó là sinh trong hoa sen như là dấu hiệu của một người đã gieo trồng nhiều công đức và thiện phước từ kiếp trước. Một trong những câu chuyện trong Tiểu bộ kinh chép rằng trong một tiền thân, Trưởng lão Ni Uppalavanna được sinh ra trong một hoa sen do kiếp trước bà đã cúng dường bắp khô gói trong lá sen cho một vị Bích Chi Phật. Học giả người Pháp A.Foucher nói rằng hiện tượng sinh từ hoa sen đã có từ trước thời Đức Phật và được thể hiện rất phong phú trong các loại hình nghệ thuật Phật giáo. Điểm khác nhau là ở chỗ nếu như văn học Veda cho rằng hiện tượng hoa sen hóa sinh mang ý nghĩa triết học siêu hình, tượng trưng cho sự bất tử thì văn học Pāli chỉ coi đó như là một hình thức của tín ngưỡng dân gian nhằm để minh họa cho kết quả tốt đẹp của việc làm thiện nguyện. Các đạo sư Veda coi hoa sen như một hình tượng siêu nhiên. Ngược lại, Phật giáo coi hoa sen là những gì rất thực tế và gần gũi với cuộc sống con người. Đức Phật và các đệ tử của Ngài đã chọn hình ảnh hoa sen làm ví dụ để thông qua đó mà tất cả mọi người, nhất là những người bình dân không quen với triết lý cao siêu, đều có thể hiểu được giáo pháp, vì hoa sen có mặt khắp nơi và rất được người dân Ấn Độ yêu thích.

Đó cũng là lý do tại sao hoa sen xuất hiện rất nhiều trong văn điển Pāli vậy. Rõ ràng, hoa sen đã được các đạo sư Veda cũng như Đức Phật và mọi người rất yêu mến. Đó cũng bởi vì những đặc điểm tự nhiên của loài hoa sinh trưởng trong nước này đã khơi gợi nguồn cảm hứng phong phú nơi các nhà hiền triết phương Đông. Bằng cái nhìn sâu sắc, Đức Phật và các bậc đạo sư đã nhận ra những đặc tính đặc biệt của hoa sen và cũng đã đem đến cho hoa sen những ý nghĩa nhiệm mầu như sau: – Sen tuy mọc dưới bùn nhưng chúng ta không thấy bùn mà chỉ thấy sen từ mặt nước trở lên, làm cho ta có cảm giác sen mọc lên từ mặt nước vậy. Và tuy chỉ thấy sen trên mặt nước nhưng rễ sen vẫn ăn sâu trong bùn dưới đáy hồ. Điều này cũng giống như các vị Bồ-tát hay các nhà hiền triết. Họ tuy sống trong thế giới này nhưng không thuộc về thế giới này. Không thuộc về thế giới này nhưng vẫn không rời thế giới này. – Sen có thể giữ được trạng thái vững vàng trong dòng nước xao động cũng như các hiền nhân bất động trước sự lăng xăng của cuộc đời. – Mặc dù sinh ra trong bùn lầy nhưng hoa sen vẫn là biểu tượng của sự tinh khiết vì thế sen được gọi là “sự hoàn hảo của nước” (The essence of water). Sự hòa quyện giữa bùn và nước tạo ra phù sa đem đến sự màu mỡ cho những cánh đồng, đó cũng là lý do tại sao hoa sen cũng là biểu tượng của tính sáng tạo và phì nhiêu. – Sen mọc lên từ bùn và nước nhưng nó lại rất tự do với bùn và nước.

Những thứ này không thể bám vào và làm nhơ uế sen. Tương tự như thế, tham dục đi qua tâm trí các hiền nhân nhưng không làm cho tâm trí họ bị lu mờ. Đặc điểm này của hoa sen cũng tượng trưng cho tinh thần vô nhiễm trong triết học Phật giáo. – Hương thơm của sen là sự hòa quyện từ tất cả những gì thuộc về sen như cánh sen, nhụy sen… chứ không phải từ một bộ phận riêng lẻ nào. Đây là một ví dụ điển hình về tính chất vô ngã, bất phân của năm thủ uẩn mà một hành giả ý thức được trong khi tu thiền. – Hoa sen nở theo mùa nhất định trong năm cũng như những quy chế của Tăng đoàn (do Đức Phật chế) được các đệ tử Phật tuân thủ một cách nghiêm ngặt không dám vượt lề. Đặc điểm không bị ô nhiểm bởi bùn và không thấm nước của lá sen và hoa sen là điều được thảo luận rất nhiều trong văn học Phật giáo. Trong bốn bộ Veda thì đặc điểm này của hoa sen hầu như không được đề cập, ngoại trừ các Upaniṣad nhưng cũng rất sơ sài.1 Trong Chandogya Upaniṣad thì hình tượng lá sen không thấm nước được ví với trạng thái tinh thần của một người đã nhận thức được đại ngã: “Như nước không thể thấm vào lá sen, những cấu uế không thể bám vào người đã nhận thức được đại ngã”.

Hay trong Maitrayani Upaniṣad ví von rằng “linh hồn của người hấp hối [sẽ không còn an trú trong thân xác] như giọt nước trên lá sen”. Nói chung đặc tính vô nhiễm hay không dính mắc của hoa sen được đề cập rất ít trong Veda. Trong khi đó, vào thời Đức Phật thì đặc tính tự nhiên của sen lại được tìm thấy rất nhiều trong văn điển Pāli của Phật giáo. Nó trở thành biểu tượng điển hình để chỉ trạng thái siêu việt của một hành giả về mặt trí huệ và Niết-bàn, cũng như đã thoát ra khỏi sự trói buộc của vòng sinh tử luân hồi mà năm giác quan là những cánh cửa cần phải được phòng hộ: “Như lá sen mọc lên thẳng đứng, những giọt nước rơi xuống không thể dính vào. Cũng vậy này A Nan, khi những trạng thái như thích, không thích hay vô ký được điều phục làm cho yên tĩnh thì hành giả sẽ đạt được những năng lực vượt bậc trong giới luật của bậc Thánh”.2Những giai đoạn phát triển khác nhau của hoa sen từ khi mới nhú ra khỏi bùn cho đến khi nở cũng được ví cho các loại căn tánh khác nhau của chúng sinh: “Như trong hồ sen xanh, sen hồng hay sen trắng, có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, chưa vượt lên khỏi mặt nước; có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước; có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước làm đẫm ướt. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, nhìn quanh thế giới với Phật nhãn. Ngài thấy có hạng chúng sanh nhiễm ít bụi đời, nhiễm nhiều bụi đời, có hạng lợi căn độn căn, có hạng tánh thuận, tánh nghịch, có hạng dễ dạy, khó dạy, một số ít thấy sự nguy hiểm của những hành động lỗi lầm muốn sanh qua thế giới khác”.3

Rõ ràng là đặc tính vô nhiễm của hoa sen được đề cập trong kinh điển Phật giáo một cách phong phú. Không chỉ có thế, hình ảnh hoa sen còn dùng để minh họa cho những trạng thái tu chứng của hành giả. Một hành giả khi an trú sâu vào cảnh giới thiền định thì vị ấy cảm nhận được sự hỷ lạc bao trùm toàn thể cơ thể như hoa sen ngập chìm trong hồ nước mát. Quá trình lớn lên của hoa sen cũng là một hình ảnh sinh động mà kinh điển Phật giáo dùng để chỉ cho những cấp bậc tu chứng. Chính Đức Phật đã dùng ẩn dụ này để minh họa cho vị trí của Ngài trên cuộc đời: “Này Bà-la-môn, như hoa sen xanh, hoa sen trắng hay hoa sen hồng sinh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước và đứng thẳng không bị thấm nước. Cũng vậy, này Bà-la-môn, Như Lai sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, ta sống chinh phục đời, không bị đời làm ô nhiểm”.4Trong Tiểu bộ kinh cũng có nhiều câu chuyện nói về sự vô nhiễm của Bồ-tát, tiền thân của Đức Phật, đối với thế gian thông qua hình tượng hoa sen. Có một câu chuyện kể rằng trong một tiền kiếp Đức Phật là một vị Độc Giác. Một hôm ma vương đến phá Ngài bằng cách ngăn cản không cho Ngài đi khất thực. Ma vương đã tạo ra một đống than hồng ngang qua con đường Ngài đang đi. Tuy nhiên Ngài không hề sợ sệt mà can đảm bước lên đống lửa nóng đỏ đó. Thế nhưng khi chân Ngài vừa chạm vào than thì có hoa sen xuất hiện nâng bàn chân của Ngài. Trong kinh điển Phật giáo, hình tượng hoa sen dưới chân Phật hay Bồ-tát là rất phổ biến.

Ví dụ như khi Đức Phật mới Đản sinh thì Ngài bước bảy bước trên bảy đóa hoa sen, hàm ý rằng Ngài là bậc vô nhiễm đối với cuộc đời. Điểm đặc biệt của hoa sen là mặc dù nó được sinh ra trong nước nhưng vẫn không bị thấm nước. Nước không thể bám vào cả lá sen và cánh sen. Ma vương, một nhân vật xấu ác tượng trưng cho những thấp hèn của thế tục trong khi Bồ-tát (tiền thân Đức Phật) là thánh thiện vượt lên trên hiện tượng đó. Vật đỡ chân của Bồ-tát là hoa sen đến từ bùn lầy hàm ý rằng Bồ-tát cũng là một con người thuộc thế giới trần tục này nhưng đã vượt lên và không bị trần tục làm cho ô nhiễm. Tội lỗi và những điều không thanh khiết không thể bám víu vào Bồ-tát như nước trượt khỏi lá hay hoa sen. Trong văn học Phật giáo, hoa sen có ý nghĩa căn bản là không dính mắc đối với ngũ dục lạc thế gian và Đức Phật được cho là một người như thế. Các nhà điêu khắc cổ đại luôn luôn ghi nhớ điều này trong đầu và họ đã tạc hình hoa sen nở làm chỗ ngồi của Đức Phật. Việc đặt hoa sen làm tòa ngồi được cho là đã có truyền thống lâu đời ở Ấn Độ, dành cho các thiên thần. Tuy nhiên, do đặc tính “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” tự nhiên của loài hoa này mà nó được đưa vào trong Phật giáo trong suốt thời kỳ Đức Phật và tòa sen đã trở thành biểu tượng của Niết-bàn. Ở Sanath có nhiều bức tượng tạc Đức Phật ngồi trên hoa sen. Trong những sách cổ cũng có vẽ hình Đức Phật ngồi trên hoa sen với nhiều tư thế khác nhau, hoặc tròn hoặc hình oval. Tư thế ngồi kiết-già của Đức Phật với hai chân bắt chéo lên nhau cũng được gọi là thế hoa sen. Trong lần thuyết pháp đầu tiên ở vườn Lộc Uyển Ngài đã ngồi tư thế này để chuyển bánh xe pháp cho năm huynh đệ Kiều Trần Như.

Chú thích:

(1) Có bốn bộ Veda là: 1. Rig-veda (Lệ-câu-vệ-đà), Tri thức về các thánh ca tán tụng; 2. Sama-veda (Dạ-nhu-vệ-đà), Tri thức về các giai điệu; III. Yajur-veda, Tri thức về các lời khấn khi tế lễ; và IV. Atharva-veda, Tri thức về các thần chú. Mỗi trong bốn bộ thánh điển này chia ra làm bốn phần: 1. Mantra, tức Thánh ca; 2. Brahmana (Phạn Chí) gồm những bài cầu nguyện, thần chú, các nghi lễ cho các tu sĩ dùng; 3. Aranyaka gồm các bài để các nhà tu hành khổ hạnh dùng; 4. Upaniṣad gồm các bài thuyết pháp, giải thích cho các triết gia dùng.

(2) Majjhimakikaya 132 (III.300).

(3) DN. 14.3.6.

(4) AN. 4.36.3.

Thích Trung Hữu