Tản mạn chuyện sắc không

Trong Bát-nhã Tâm kinh có câu, “Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Đây là cái nhìn của Phật giáo về tính duyên sinh vô ngã của các pháp. Tính này thể hiện cùng khắp, trong mọi khía cạnh của thế gian.

 

“Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc” nghĩa là: “Sắc không khác với Không và Không cũng không khác với Sắc. Sắc chính là Không và Không cũng chính là Sắc”. Sự vật, sự việc vừa là nó mà cũng vừa không phải là nó. Sắc ở đây là chỉ cho một sự vật hay sự việc, còn Không là chỉ cho tính duyên sinh vô ngã của sự vật, sự việc đó. Ví dụ một bông hoa vừa là chính nó nhưng cũng vừa không phải là nó, vì nó được tạo ra từ những cái khác như đất, nước, ánh sáng, bàn tay người chăm sóc… Đồng thời, những cái không phải là bông hoa nhưng cũng hàm chứa bông hoa ở trong đó. Ví dụ như trong đất, nước, ánh sáng, bàn tay… cũng có yếu tố bông hoa trong đó, vì chúng góp phần tạo nên một bông hoa.

Y học cổ truyền cho rằng cơ thể chúng ta có nhiều huyệt trên da và mỗi một huyệt có liên hệ với một hay nhiều bộ phận khác bên trong lục phủ ngũ tạng. Từ đó mà hình thành nên những phương pháp trị bịnh như châm cứu, bấm huyệt, diện chẩn, cách tác động vào một điểm nào đó bên ngoài cơ thể để trị các bịnh bên trong cơ thể. Ví dụ như bấm huyệt Dũng tuyền dưới lòng bàn chân có tác dụng làm mạnh thận, trị chứng mất ngủ, đau đầu, cao huyết áp… Cho nên ta có thể nói ở đây là, “Huyệt Dũng tuyền không khác với thận và thận cũng không khác với huyệt Dũng tuyền. Huyệt Dũng tuyền tức là thận và thận cũng tức là huyệt Dũng tuyền”.

Xem những tiểu thuyết của Kim Dung, chúng ta dễ dàng nhận ra tinh thần Sắc-Không trong các nhân vật của ông. Những nhân vật trong tác phẩm của Kim Dung, rất hiếm có nhân vật nào là thuần thiện hoặc thuần ác. Một nhân vật tưởng chừng như cực kỳ ác nhưng ẩn sâu bên trong sự ác độc đó là một trái tim cay đắng đến tận cùng. Họ độc ác không phải vì bản chất họ như vậy mà do hoàn cảnh tạo nên. Ví dụ như hai nhân vật Tạ Tốn và Thành Côn trong phim Cô gái Đồ Long. Tạ Tốn một mình đi trong cõi giang hồ, đi đến đâu ông giết người hàng loạt đến đó, nhất là các nhân vật chính yếu trong võ lâm, trong đó có Không Kiến Hòa thượng, một trong “Tứ đại thần tăng” đương thời của chùa Thiếu Lâm.

Nhìn sơ qua thì ta thấy Tạ Tốn là một kẻ khát máu, nhưng đằng sau sự điên cuồng đó là một câu chuyện bi thương không nói nên lời. Trước khi là một trong “Tứ đại pháp vương” của Minh Giáo, Tạ Tốn là đệ tử của Hỗn Nguyên Phích Lịch Thành Côn. Tình sư đồ gắn bó đến nỗi ông coi Thành Côn như cha của mình. Nhưng đến một hôm, lúc Tạ Tốn vắng nhà, Thành Côn say rượu hãm hiếp vợ ông và giết hại cả gia đình ông. Tạ Tốn biết chuyện rất tức giận và đau khổ, mới quyết tâm trả thù Thành Côn. Tạ Tốn liền mạo danh Thành Côn đi giết hại khắp nơi với hy vọng Thành Côn sẽ ra mặt để minh oan cho mình. Nhưng Thành Côn không ra mặt làm cho Tạ Tốn càng say máu và lún sâu vào vòng tội lỗi.

Vậy người có tội không phải Tạ Tốn mà chính là Thành Côn. Thành Côn đã giết hại cả nhà Tạ Tốn, làm cho Tạ Tốn trở thành kẻ thù của toàn thể võ lâm chính phái với mưu đồ mượn tay võ lâm để tiêu diệt Minh Giáo, trả thù riêng cho mình. Ấy vậy mà Thành Côn cũng đâu phải là một người hạnh phúc và hoàn toàn ác. Ông đã từng có một mối tình tuyệt đẹp nhưng không thành. Dương Đính Thiên là giáo chủ Minh Giáo đời thứ 33. Dương phu nhân là vợ của Dương Đính Thiên, cũng là người yêu thuở trước của Thành Côn. Tuy nhiên Dương phu nhân và Thành Côn không đến được với nhau vì cha mẹ Dương phu nhân gả bà cho Dương Đính Thiên. Tuy Dương phu nhân và Dương Đính Thiên là vợ chồng nhưng Dương phu nhân ngày đêm vẫn hằng tơ tưởng đến người yêu cũ là Thành Côn. Trên Quang Minh đỉnh có một đường hầm bí mật chỉ có giáo chủ Minh Giáo mới được vào, Dương phu nhân biết đường hầm này, lén cho Thành Côn biết, cả hai cùng vào đường hầm bí mật tình tự, không ngờ rằng đây cũng là nơi Dương Đính Thiên thường hay lui tới để luyện tập võ công.

Trong một lần Dương Đính Thiên đang luyện công đến bước quan trọng thì Dương phu nhân lại dẫn Thành Côn đến, Dương Đính Thiên phát hiện ra hai người nên khí huyết trào ngược, tẩu hỏa nhập ma mà chết. Dương phu nhân thấy tình cảnh ấy, vì hối hận nên tự sát theo. Thành Côn từ đó thù hận Minh Giáo và lập lời thề tiêu diệt toàn bộ Minh Giáo. Thành Côn nhận Tạ Tốn làm đồ đệ, y khởi đầu âm mưu tiêu diệt Minh giáo bằng cách lợi dụng Tạ Tốn để làm cho Minh giáo bất hòa với võ lâm. Y giả vờ uống rượu say rồi hãm hiếp vợ của Tạ Tốn, sau lại giết chết cả nhà của đồ đệ mình rồi trốn biệt tích. Qua câu chuyện của hai nhân vật trên, ta thấy đâu là thiện, đâu là ác? Trong cái thiện có cái ác cũng như cái ác có thể là bắt nguồn từ cái thiện. “Sắc không chung ở một nhà/ Không chẳng khác sắc sắc nào khác không” là vậy.

Tinh thần Sắc-Không của kinh Bát-nhã còn được thể hiện trong tác phẩm Kim Dung ở chỗ không rạch ròi giữa chánh phái và tà phái. Có những người tự xưng là danh môn chánh phái nhưng tâm lại tà dại, mưu mô xảo huyệt, tàn bạo ác độc và đầy tham vọng quyền lực; trong khi đó có những người tuy bị cho là thuộc tà giáo nhưng lại sống hết sức chân tình và nghĩa khí. Cho nên không thể dựa vào tên gọi mà cho đó là quân tử hay tiểu nhân. Trong chánh có tà, trong quân tử có tiểu nhân và ngược lại.

Trong Bát-nhã Tâm kinh có câu, “Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Đây là cái nhìn của Phật giáo về tính duyên sinh vô ngã của các pháp. Tính này thể hiện cùng khắp, trong mọi khía cạnh của thế gian.

Trong Bát-nhã Tâm kinh có câu, “Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Đây là cái nhìn của Phật giáo về tính duyên sinh vô ngã của các pháp. Tính này thể hiện cùng khắp, trong mọi khía cạnh của thế gian.

Sắc sắc không không nghĩa là gì?

Tinh thần Sắc-Không có lẽ được thể hiện cô động qua bản đàn Tiếu ngạo giang hồ do Lưu Chính Phong và Khúc Dương kết hợp sáng tác. Lưu Chính Phong thuộc phái Hành Sơn trong khi Khúc Dương thuộc Nhật Nguyệt Thần Giáo. Hai người kết bạn với nhau vì cùng niềm đam mê âm nhạc, bất chấp một người là cao thủ kiếm thuật của võ lâm chánh phái và người kia là trưởng lão của ma giáo. Khúc Tiếu ngạo giang hồ vô cùng bi tráng, là bản nhạc cầm tiêu hợp tấu tuyệt đỉnh, vừa mô tả những đâm chém đau thương trên giang hồ, nhưng cũng lại mang tấm lòng khoáng đạt của những con người yêu tự do và mong ước hòa bình cho giang hồ.

Theo phiên bản cũ trước khi Kim Dung sửa đổi, Khúc Dương và Lưu Chính Phong đã đi đào các ngôi mộ cổ để tìm khúc Quảng lăng của Kê Khang đã bị thất truyền, sau đó dựa trên khúc phổ này để sáng tác nên khúc Tiếu ngạo giang hồ. Kê Khang là một trong Trúc lâm thất hiền đầu thời nhà Tấn. Nhóm này gồm 7 học giả chán thói đời gian trá và quan trường hèn hạ trong triều đình mà chủ trương sống ẩn dật, tiêu dao tự tại, đàn hát uống rượu vui vẻ. Khúc Quảng lăng do Kê Khang sáng tác, khi đánh lên nghe lưu loát, thanh thoát như nước chảy (lưu thủy), mây bay (hành vân).

Trong Đoạn trường tân thanh của thi hào Nguyễn Du, đoạn tả tiếng đàn của Thúy Kiều khi nàng gảy cho Kim Trọng nghe buổi sơ ngộ cũng có câu: “Kê Khang này khúc Quảng Lăng/ Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân”. Vậy đó, muốn tìm ra chân tướng của sự vật đâu phải dễ. Dân gian ta có câu nói tuy bình dị nhưng rất hay là, “Thấy vậy chứ không phải vậy”. Những gì biểu hiện ra ngoài chưa hẳn là bản chất thật của sự vật, sự việc. Muốn hiểu thấu chân lý thì cần phải có cái nhìn vượt qua vẻ bề ngoài của chúng, vượt lên nguyên lý nhị nguyên của thiện ác, chánh tà. Khúc Tiếu ngạo giang hồ phải chăng là kết tinh của khát vọng tự do phiêu bồng ấy. Khúc nhạc ấy có khác gì với lời Đức Phật dạy trong kinh Kim cang:

Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhơn hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai.

Tinh thần Sắc-Không cũng giúp ta có cái nhìn thông thoáng, uyển chuyển, tránh được sự cứng nhắc và cố chấp trong khi đối nhân tiếp vật và cách xử lý các vấn đề trong cuộc sống. Trong Nam hoa kinh có kể câu chuyện như sau. Một hôm Huệ Thi tìm đến Trang Tử bảo: Ngụy vương cho tôi một hạt bầu của giống lớn, tôi bèn trồng nó, đến khi ra hoa kết trái, kết ra một quả bầu rất to, đầy đặn, lớn đến năm thạch (1 thạch = 100 lít). Vì quả bầu lớn quá nên chẳng có ích gì. Nếu bổ đôi nó làm gáo múc nước thì vỏ bầu quá mỏng, múc nước vào nhấc lên sẽ vỡ. Dùng nó để đựng thức gì cũng không được. Nghĩ đi nghĩ lại, quả bầu này tuy to nhưng vô dụng, nên tôi đã đập nát nó.

Trang Tử nói: Thầy đúng là không biết cách dùng đồ vật lớn! Sao thầy lại cho là nó chỉ có thể bổ ra làm gáo? Nếu nó là một quả bầu lớn hoàn chỉnh, sao thầy không dùng dây buộc lên thân nó mà du ngoạn khắp giang hồ? Chẳng lẽ mỗi một đồ vật cứ phải được gia công thành một sản phẩm theo quy định nào đó thì mới là hữu dụng?

Câu chuyện đã minh họa rất đúng tinh thần sắc bất dị không của kinh Bát-nhã. Huệ Thi là người chấp sắc là sắc, không là không, cho nên ông đã không biết uyển chuyển theo hoàn cảnh. Ông hiểu một cách cứng nhắc rằng hễ là quả bầu thì phải làm gáo múc nước. Nhưng Trang Tử thì khác. Trang Tử không bảo thủ như vậy mà vận dụng một cách linh hoạt. Bầu không nhất thiết phải làm gáo múc nước mà có thể làm bất cứ cái gì tùy theo chất lượng của quả bầu và nhu cầu của con người. Đó chính là tinh thần sắc tức thị không, không tức thị sắc vậy.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mạnh Tử có câu nói rất hay rằng: “Tận tín thư bất như vô thư”. Quá tin vào sách không bằng không biết tới sách. Vì người quá tin vào sách thì lúc nào cũng lấy sách ra làm tiêu chuẩn, như vậy sẽ làm mất đi sự sáng tạo của bản thân. Đọc sách là để tham khảo kinh nghiệm của người khác để ứng dụng vào hoàn cảnh thực tế của mình ở hiện tại. Nếu như sách nói cái gì ta làm y như vậy thì chi bằng không đọc sách, cứ để cho tâm hồn thông thoáng, dùng “trí vô sư” để tiếp nhân ứng vật còn hiệu quả hơn nhiều. Cùng ý này, văn hào Goethe người Đức có câu: “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi”.

Bà-la-môn giáo chia xã hội Ấn Độ ra làm bốn giai cấp. Mỗi giai cấp giữ một nghề khác nhau. Giai cấp này không được làm nghề của giai cấp khác. Đó là vì họ chưa học kinh Bát-nhã. Nếu họ đã học kinh Bát-nhã rồi thì họ sẽ không phân biệt như vậy. Bởi vì khi họ đã biết “Sắc bất dị Không” thì họ cũng sẽ hiểu rằng “giai cấp này không khác với giai cấp kia”. Ví dụ chúng ta cho nghề nhà giáo là cao sang còn nghề công nhân là thấp kém. Nhưng muốn hành được nghề nhà giáo thì người đó phải cần đến phấn, bảng, tập, viết… do những người công nhân làm ra. Nhiều thứ và nhiều thứ khác nữa. Bồ-tát Quán Thế Âm (Quán Tự Tại) do hiểu được Bát-nhã, hiểu được nguyên lý Sắc và Không cho nên ngài mới có thể ứng hiện 32 tướng để giáo hóa chúng sinh tùy theo hoàn cảnh của họ.

Người nào cần cao sang để hóa độ thì Ngài hiện cao sang, người nào cần hạ tiện để hóa độ thì Ngài hiện hạ tiện đề dìu dắt. Cao sang hay hạ tiện không hề cố định mà chỉ là những biểu hiện khác nhau của tâm từ bi mà thôi. Cao sang tức là hạ tiện, hạ tiện cũng tức là cao sang. Bởi vì cùng hướng về một mục đích vậy. Nguyễn Công Trứ đã nói về cách sống của ông rằng: Lúc làm Đại tướng tôi không lấy làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vì nào, có nghĩa vụ đối với địa vị ấy. Ông quả thật đã hiểu được lẽ sắc-không ở đời rồi vậy.

Nhờ ứng dụng tinh thần Sắc-Không này mà các nhà sư Phật giáo đã đi vào đời, sống và phục vụ đời một cách hiệu quả. Những nhà Nho mà câu nệ vào giáo điều quá thì người ta gọi họ là hủ nho, tức nhà Nho cố chấp, hẹp hòi, không thức thời, và sẽ bị thời đại đào thải. Cho nên họ không chỉ không có đóng góp thiết thực cho xã hội mà còn kìm hãm bước tiến của thời đại. Nhưng các nhà sư Phật giáo thì khác. Họ có cái nhìn khoáng đạt và thiết thực hơn. Họ không câu nệ vào giáo điều mà chỉ cần có lợi ích cho xã hội, cho số đông là họ làm. Cho nên các nhà sư Phật không có quan niệm phải trung thành với một vị vua hay triều đại nào đó như các nhà Nho (hủ Nho).

Sự ứng dụng của tinh thần“Sắc tức thị Không”là bao la vô hạn.

Sự ứng dụng của tinh thần“Sắc tức thị Không”là bao la vô hạn.

Tinh thần phục vụ của Phật giáo có lẽ giống như cách làm của Nguyễn Trãi, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Mà cũng chính nhờ tinh thần vô chấp như vậy mà các vị Thiền sư nước ta trong giai đoạn dựng nước và giữ nước mới có những đóng góp cho nền độc lập và phát triển rực rỡ của dân tộc. Những Thiền sư như Khuông Việt, Vạn Hạnh, Đỗ Thuận… đều là những Thiền sư như thế. Nếu họ chỉ trung thành với “vua của mình” thì làm sao họ có thể phục vụ dân tộc một cách trọn vẹn cho được.

Những dẫn chững trên đây chỉ là vài ví dụ ít ỏi. Sự ứng dụng của tinh thần“Sắc tức thị Không”là bao la vô hạn. Chỉ có thể nói rằng,“Xanh xanh trúc biếc thảy là Pháp thân/ Rỡ rỡ hoa vàng đều là Bát-nhã”. Xin khép lại bài viết.

Thích Trung Hữu