Xuân về tĩnh tâm, lặng lẽ thoát khổ

Người tu tập đón năm mới với sự háo hức khác: háo hức được quay về nội tâm, thực hành chánh niệm, buông bỏ phiền não, và trau dồi trí tuệ. Họ chọn cách đón xuân bằng việc gìn giữ giới hạnh, thực hành thiền định, và hướng tâm đến sự giải thoát.

Ngày Tết, khi không gian đất trời như ngập tràn sắc xuân, người đời bận rộn trong cái ồn ào, náo nhiệt của phố phường, dòng người hối hả, những câu trò chuyện, những lời chúc tụng rộn ràng. Những cành đào, chậu quất khoe sắc nơi hiên nhà, bàn thờ rực rỡ nến, hoa, khói nhang phảng phất, mâm cỗ đầy ắp, nhưng phía sau vẻ ngoài lộng lẫy ấy, tâm trí nhiều người vẫn quẩn quanh trong muộn phiền, lo toan. Họ vất vả chuẩn bị cho một khởi đầu mới, mà đôi khi quên mất ý nghĩa thật sự của đổi thay. Đức Phật từng dạy trong Kinh Pháp Cú: “Thắng được ngàn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất” (kệ 103-105).

Thế nhưng, người đời lại thường say mê chiến thắng thế gian mà bỏ quên cuộc chiến lớn nhất – chính là với nội tâm mình. Trong vòng xoay đó, hạnh phúc trở nên mong manh, còn khổ đau thì chực chờ như bóng tối lấn át khi ánh đèn vụt tắt.

Ảnh minh hoạ.

Ngược lại, với người tu tập, tết không chỉ là dịp hội ngộ, mà còn là thời điểm nhìn lại chính mình, thực hành sự tỉnh thức để buông bỏ những tham cầu vô nghĩa. Giữa không gian yên tĩnh của thiền môn, người tu tập lắng nghe tiếng chuông ngân vang, thắp lên ngọn đèn trí tuệ để thấy rõ bản chất vô thường của kiếp người. Đức Phật đã dạy: “Như tảng đá kiên cố không lay động trước gió, người trí cũng không giao động trước lời khen, tiếng chê” (kệ 81). Họ sống giữa cuộc đời nhưng không để bản thân bị cuốn theo dòng chảy thế tục. Sự đổi mới đối với họ không nằm ở lớp vỏ bề ngoài, mà là ở sự thanh lọc sâu thẳm trong tâm hồn, nơi an lạc được vun bồi bằng thiền định và chánh niệm.

Trong không khí tết, khi đất trời giao hòa, bài học từ giáo lý Phật pháp như một ngọn đuốc soi đường. Với người đời, đó là cơ hội để tạm rời xa những lo toan, nhìn lại chính mình và nhận ra giá trị của sự buông bỏ. Với người tu tập, tết không phải thời khắc đặc biệt, bởi họ sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại. Như lời dạy trong Kinh Pháp Cú: “Hãy nhìn lại chính mình, đừng nhìn lỗi của người. Ai tỉnh giác nhìn mình, sống an lạc thảnh thơi” (kệ 50). Sự giác ngộ ấy, dù là của người đời hay người tu tập, đều mở ra một khởi đầu mới – không chỉ cho năm mới, mà cho cả một cuộc đời biết sống tỉnh thức, an nhiên.

Người tu tập đón năm mới với sự háo hức khác: háo hức được quay về nội tâm, thực hành chánh niệm, buông bỏ phiền não, và trau dồi trí tuệ. Họ chọn cách đón xuân bằng việc gìn giữ giới hạnh, thực hành thiền định, và hướng tâm đến sự giải thoát. Mỗi phút giây trong năm mới trở thành một cơ hội để họ bước sâu hơn vào con đường tỉnh thức, vượt qua những chướng ngại của lòng tham, sân, si, và tìm thấy an lạc chân thật.

Còn gì đẹp hơn khi ngày đầu năm, con người – dù là người đời hay người tu tập – đều hướng đến sự đổi mới không chỉ nơi cảnh vật, mà trong chính tâm hồn mình. Với sự háo hức ấy, năm mới không chỉ là một mốc thời gian, mà là cánh cửa mở ra một hành trình mới: hành trình của sự giác ngộ, của bình an trong từng hơi thở, và của niềm hạnh phúc không lay chuyển trước mọi biến động của cuộc đời.

Tuệ An