Ý nghĩa của công việc
Đời người là quá trình làm việc. Cống hiến hết mình trong công việc chính là tinh thần bồ tát.
Người ta thường nói: “Mở mắt đã thấy cần đến tiền”, nếu không có tiền con người chẳng làm gì được, tiền thù lao là điều kiện tối thiểu để trang trải cuộc sống hằng ngày, cũng nhờ thế mà bản thân công việc trở nên có ý nghĩa. Thử nghĩ kĩ, sự biếng nhác không phải là vấn đề ở công việc mà là sự quấy nhiễu sinh ra trong quá trình làm việc và tiếp xúc với mọi người. Trước đây, môi trường sống ở nông thôn khá đơn giản: sáng ra đồng làm việc, tối tắt mặt trời về nhà; đối tượng tiếp xúc của họ trên đồng chỉ có trời xanh mây trắng, mặt đất cỏ cây, hoa màu lúa mạ và những con vật nuôi của mình chứ không phải là con người với thiên hình vạn trạng, thiên biến vạn hóa. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, bất luận chúng ta làm nghề gì đều có một khung sẵn: trên có cấp trên quản lí, dưới có nhân viên, trái có bạn bè đồng nghiệp, trước mặt có đối tác làm ăn… Chúng ta phải tiếp xúc với đủ hạng người trên đời, dù không có ông chủ cấp cao của mình thì cũng phải tới lui, giao tiếp với đối tác, khách hàng hoặc các ban ngành quản lí của cơ quan nhà nước. Chính vì suốt ngày phải ứng xử với các mối quan hệ cực kì phức tạp đó mà con người hiện nay thường cảm thấy cuộc sống là một nỗi khổ, vì thế họ bỗng trở về mến mộ, thèm khát cuộc sống của người xưa, họ chỉ mong sao mỗi ngày chỉ tiếp xúc với ruộng đồng cây cỏ chứ chẳng cần phải tiếp xúc với những vấn đề đau đầu, nhức óc, phức tạp như hiện nay.
Sở dĩ sự giao tiếp giữa con người nảy sinh mâu thuẫn là vì mỗi người đều có cách nghĩ, lập trường khác nhau, trình độ văn hóa cũng khác nhau nên xung đột là điều khó tránh. Có lẽ bạn từng nghĩ rằng, trong lúc người khác mang lại phiền phức cho bạn thì đồng thời bạn cũng mang lại phiền phức cho họ, khi đó bạn cảm thấy bất lực và người khác cũng có cảm giác giống hệt bạn! Đấy không phải là một chuyện rất công bằng và tất yếu sao?
Bất luận theo đuổi một ngành nghề nào đều có nghĩa là bạn đang góp chút sức nhỏ bé của mình cho sự vận hành của xã hội, thực ra nó không chỉ mang ý nghĩa làm để lấy lương nuôi sống bản thân mà nó còn có ý nghĩa lớn lao khác, mọi người đang làm cho cuộc sống có ý nghĩa, góp một phần nhỏ của mình cho cuộc sống vẹn toàn. Chỉ cần chúng ta quan sát kĩ sẽ dễ dàng phát hiện ra từ việc ăn cơm, mặc áo, ngủ nghỉ, đi đường và tất cả suối nguồn của cuộc sống con người đều đang dệt thành một mạng lưới, mỗi người có một công việc được xã hội phân công, xét trên mặt hiện tượng chúng có vẻ riêng lẻ nhưng thực ra đó là những mắt xích liên quan mật thiết với nhau, nhờ thế mà sự luân chuyển trong quan hệ cung cầu mới hài hòa, đồng đều. Cũng chính nhờ sự chăm chỉ chuyên cần lao động đó của từng người mà chúng ta mới có môi trường và điều kiện sống như hiện nay.
Chính vì thế, trong một xã hội phân công lao động, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau như hiện nay, không một ai có thể sống mà chỉ nhờ vào sức lao động của cá nhân mình. Bất luận có nhận lương trợ cấp hay không, chỉ cần một người không tham gia lao động sản xuất thì bản thân họ đã trở thành gánh nặng cho xã hội. Trong mối quan hệ hợp tác làm việc của xã hội loài người, chúng ta là một nhân tố tạo thành mạng lưới của xã hội đó, đóng góp một phần nhỏ vào mắt xích đó, thế nên nếu một người không làm việc, suốt ngày chỉ biết ăn chơi nhàn rỗi, tức đồng nghĩa với việc người đó đang trốn tránh trách nhiệm xã hội của mình.
Cân bằng cảm xúc trong công việc
Trong quá trình làm việc tập thể, có người có khả năng, trí tuệ, tay nghề vượt trội nhưng vẫn nhận tiền lương ngang bằng với những người kém hơn mình. Xét trên hiện tượng thì người đó làm nhiều nhưng hưởng ít, dường như mọi người đều cho đó là sự bất công, nhưng nếu chúng ta nghĩ ở một khía cạnh khác thì đó là việc làm gieo phúc cho mình, tạo phúc cho người, xem đó là thuận lợi để mình kết duyên với mọi người. Người có năng lực kết duyên với người kém hơn mình, cống hiến sức mình cho mọi người, đó chẳng phải là tinh thần và việc làm của một vị Bồ-tát sao?
Thế nên, chúng ta hãy thay đổi cách nhìn nhận đánh giá vấn đề thì lòng chúng ta thấy nhẹ nhàng, thư thái, không còn so đo tính toán hơn thua với mọi người nữa! Giả sử bản thân người đó không muốn làm công hạnh của một vị Bồ-tát, nhưng làm thêm một chút tức là cống hiến thêm một chút, như thế nghĩa là bạn đã gieo phúc, thêm vào ngân hàng của cõi trời, cõi người, cõi Phật, cõi Bồ-tát nhiều hơn so với người khác một chút. Khi bạn gửi vào ngân hàng công đức đó càng nhiều thì phúc đức, phúc báo của bạn càng lớn, đấy cũng chính là một gặt hái ở quá trình làm việc của bạn!
Vì thế, con người sống trong xã hội cần không ngừng hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực của mình, dốc hết sức lực và trí lực để phục vụ, cống hiến cho xã hội, đấy chính là chân ý nghĩa của công việc. Chỉ cần có cơ hội cho chúng ta cống hiến, đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình thì chúng ta nên vui vẻ làm, đồng thời phải thấy đó là niềm hạnh phúc. Xây dựng cho mình tinh thần làm việc phục vụ và dâng hiến giúp chúng ta xua tan cảm giác chán nản đối với công việc và chức vụ. Nhờ thế, chúng ta thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Từ đó, chúng ta mới thấy làm việc chính là niềm hạnh phúc, là ý nghĩa của sự sống.
Cho nhiều hơn nhận nghĩa là bạn đang tạo phúc cho chính mình và mọi người, là phương pháp gieo duyên lành để gắn kết mình với mọi người. Một người có năng lực, kết duyên với mọi người, đóng góp chút sức mọn của mình cho xã hội chính là công hạnh của một vị Bồ-tát.