Tết nghèo, Tết giàu…
Tết của nội bắt đầu từ hồi mình còn nhỏ xíu, mỗi lần nghe má kêu: “Ra tiếp nội chút coi con!” là mình rề rà bước tới cái lò bằng đất nung, chỗ mà nội đang nồi niêu rộn ràng để sửa soạn nấu bánh tét đậu, tét chuối.
Nội vắt cái khăn xanh ngang vai áo, tóc búi cao, cái bóng nội lung linh bên ánh lửa. Mà không phải chỉ có Tết mới thấy nội như vầy, chỉ là ngày Tết, nội thêm cười nhiều, nói nhiều hơn thường ngày, dù những chuyện nội kể nghe qua thấy buồn buồn.
“Ngày trước, cái thời hồi xửa hồi xưa, người ta đâu có Tết nhất như giờ. Gạo lúa làm ra phải nộp địa tô lum la, còn dư nhiêu ăn nhiêu. Có năm Tết, mỗi người được tía má phát một khúc mía, một trái ổi chín cây. Vậy mà vui dữ thần!” Nội kể, miệng cười nhẹ như vớt cái nỗi buồn qua vai, nhưng đôi mắt già của nội thì buồn tận đâu đâu.
Ngày Tết của ông bà hồi đó, cái nghèo không giấu vô đâu được. Đồ tết là bộ đồ cũ giặt sạch, đem lên phơi từ sáng hăm tám, mùi nắng hắt vô vải mới thấy được cái mộc mạc của làng xóm. Mâm cơm cúng đơn giản, chỉ một con cá lóc đặt được hồi sáng ngoài mé ruộng đem nướng trui, một chén canh rau tập tàng với thịt kho mà nước nhiều hơn thịt với hột vịt, vậy là đủ lễ. Nội hay kể, hồi đó có mấy người không có tiền mua vàng mã, người ta bẻ tàu lá chuối, cắt thành hình tiền đồng, tiền giấy, để vô đĩa cúng ông bà. Cúng xong, đem đốt, khói nghi ngút như gửi hết lòng dạ chân thành.
Mình hỏi, “Nội ơi, hồi đó làm gì có pháo mà đốt Tết hả nội?” Nội cười khà khà: “Có chớ, nhưng đâu phải ai cũng mua nổi…”.
Mà đâu chỉ có vậy, Tết của ông bà còn là cái nợ tình làng nghĩa xóm. Nội kể, ngày xưa nội có cái xuồng ba lá, ngày hăm chín, nội chèo xuồng qua từng nhà người quen tuốt mị mị trong miệt, đem theo vài trái dừa, Tết mỗi nhà một hai trái. “Nghèo vậy chớ ai cũng san sẻ. Qua lại miết, thành thử ra cái bụng thấy no ấm hơn.”
Nội nói: “Tết mà, nhiều bận không cần đủ đầy, chỉ cần lòng dạ con người mình không trống.”
Mà mỗi lần nhớ chuyện Tết cũ, mình thấy bồi hồi kì khôi lắm. Ông bà không để lại nhiều của cải, nhưng để lại một cái gì đó lớn hơn, thứ mà mình nghĩ, người ta kêu là cái hồn quê. Nó nằm trong mùi vỏ dừa khô cháy, trong hơi nóng của cái lò, trong tiếng chổi ráng quét sân rào rạt hăm chín ba mươi, và trong câu chuyện của nội, cái câu chuyện mà mình cứ nghe miết mà không thấy chán: “Ngày đó, Tết là dịp để nghèo mà không thấy mình mắc cỡ…”.
Có những cái Tết người ta kêu là nghèo, mà ngó ra thấy giàu quá chừng!
Tống Duệ Uyên