Người không biết hổ thẹn sẽ rất khó tu

Tu tập là làm cho các tâm bất thiện suy yếu và dẫn đến đoạn tận, dứt trừ. Còn nếu không chuyển hóa được chúng thì sẽ rất khó tu.

“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong Đông viên, giảng đường Lộc Mẫu. Hắc Tỳ-kheo, con bà Lộc Mẫu, thường ưa tranh cãi, đi đến chỗ Phật. Thế Tôn thấy Hắc Tỳ-kheo từ xa đi lại, nhân vì có Hắc Tỳ-kheo nên Ngài nói với các Tỳ-kheo:

– Hoặc có người có sân triền, có phú kết, có bỏn sẻn, tật đố, có dua siểm, dối trá, có vô tàm, vô quý, không khen tàm quý. Nếu có người có sân triền, có phú kết, bỏn sẻn, tật đố, có dua siểm, dối trá, có vô tàm, vô quý, không khen tàm quý, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn…”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Uế, kinh Hắc Tỳ-kheo, số 94 [trích])

Sân triền là bị giận hờn trói buộc, chi phối. Người nào tánh ưa nóng nảy, hay giận dữ mất kiểm soát thì gọi là sân triền. Phú kết là tâm trí thường xuyên bị bị não phiền che phủ nên tăm tối mê mờ. Bỏn sẻn là keo kiệt, rít rắm, không dám chi tiêu cho nhu cầu bản thân nói chi đến hào phóng bố thí cúng dường.

Tật đố là thói ganh ghét trước thành công của người. Dua siểm là a dua, siểm nịnh; hùa theo nịnh nọt cốt để lợi mình. Tàm là tự hổ thẹn với tội lỗi của mình. Quý là xấu hổ với người cũng như sợ hãi với quả báo của những việc làm ác. Vô tàm, vô quý là không biết hổ thẹn, chẳng sợ tội lỗi, khác nào cầm thú sống với bản năng, chỉ có phần con mà thiếu vắng phần người.

Đức Phật khẳng định, người nào có những tâm bất thiện như đã nói ở trên thì rất khó tu. Trước mắt là không thể thành tựu “ái lạc, ái hỷ, ái niệm, kính trọng”. Yêu thương, vui vẻ, kính trọng là những chất liệu của đời sống an hòa, tương thân tương ái. Khi các tâm bất thiện xâm chiếm và chế ngự, chúng ta sẽ đánh mất dần các chất liệu an lạc, chỉ còn phiền não đau khổ và tranh đấu lợi mình hại người.

Tai hại nhất là không thể nhiếp tâm, hướng đến định tĩnh. Khi tâm bị cấu uế làm cho vẩn đục thì khó mà lắng đọng. Tâm không lắng đọng thì khó mà giữ chắc giới pháp đã thọ đồng thời cũng không thể phát huy tuệ giác trong sáng và chiếu soi. Bấy giờ, người ấy dù có nhân danh đầu tròn áo vuông, bao nhiêu tuổi đời, bấy nhiêu tuổi đạo cũng không xứng đáng là Sa-môn Thích tử, nói chi xa xôi là thú hướng Niết-bàn.

Chướng ngại nhiều nhất cho sự tu tập là vô tàm, vô quý và không khen ngợi tàm quý. Không biết xấu hổ, chẳng biết sợ hãi thì có điều ác nào mà không dám làm. Thấy hạnh lành tàm quý mà không khen ngợi, không học theo thì biết bao giờ mới tự giác phục thiện, bỏ tà quy chánh. Người ta hơn nhau ở chỗ có đức hạnh tàm quý. Con người khác với loài vật ở chỗ biết hổ thẹn, nhất là xấu hổ với chính mình, tự thẹn với lòng mình.

Thế nên, tu tập là làm cho các tâm bất thiện suy yếu và dẫn đến đoạn tận, dứt trừ. Còn nếu không chuyển hóa được chúng thì sẽ rất khó tu. Thiết lập một đời sống an bình đã khó, tu tập để đạt đến an lạc, giải thoát lại càng khó hơn. Vì thế, cần thanh lọc những cấu uế của tâm mới có thể tiến xa trên đường đạo.

Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ