Chùa Bối Khê được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Đại diện Cục Di sản (Bộ VHTT&DL) nhận định, chùa Bối Khê xứng đáng là di tích tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển kiến trúc Việt Nam, xứng đáng là di tích quốc gia đặc biệt.

Ngoài chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội), Quyết định số 152/QĐ-TTg về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký ban hành còn 4 di tích khác.

Theo đó, 4 di tích đó là di tích kiến trúc nghệ thuật đền Xám (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định); cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng); cụm di tích Từ Lương Xâm – căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 (quận Hải An, TP Hải Phòng) và di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Pô Nagar (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Chùa cổ Bối Khê là một điển hình của dạng chùa cụm Đồng bằng Bắc Bộ với kiến trúc gỗ kéo dài theo trục dọc, mở rộng theo tuyến ngang, một nét mới của kiến trúc Phật giáo Việt Nam xuất hiện từ thời Trần.

Được biết, chùa Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như ngành văn hóa Hà Nội trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị nâng cấp xếp hạng.

Chùa Bối Khê có tên chữ là “Đại Bi tự”, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng trong vùng với không gian, cảnh quan rộng, thông thoáng, là ngôi già lam cổ tự được khởi dựng từ thời Trần trên bờ Đỗ Động giang.

Chùa tọa lạc theo thế “Phượng chủy”, nghĩa là ngôi chùa nằm gọn trên đầu con phượng như đang tung cánh: phía trước là cánh đồng và bãi đất trống cùng những cây cổ thụ và dòng Đỗ Động giang. Từ ngũ môn quan tới tam quan là cây cầu nhỏ vắt ngang trông tựa như mỏ phượng. Hai bên sườn Tam bảo là 2 giếng đá cổ trông tựa như đôi mắt; phần đất hình tam giác vắt sang làng Hưng Giáo (xã Tam Hưng) tựa đuôi cong.

Chùa Bối Khê có kết cấu “tiền phật, hậu thánh”, “nội công, ngoại quốc”, hướng Tây, bao gồm các hạng mục: đền Đức Ông, vườn tháp, ngũ môn quan, cầu gạch, tam quan, nhà bia – sắp lễ, chùa Phật (tiền đường, thiêu hương, thượng điện, tả – hữu hành lang); điện Thánh (đại bái, ống muống, hậu cung), nhà Tổ – nhà Mẫu và nhà khách.

Tháp chuông chùa Bối Khê.

Ngôi chùa còn giữ được khá nhiều dấu tích từ ngày khởi dựng. Đặc biệt, chùa còn bảo lưu được bệ đá hoa sen thời Trần, chim thần Garuda tạc bằng gỗ ở đầu đao thượng điện, chân đèn đá, tượng và gạch thời Mạc, tượng thời Lê có giá trị nghệ thuật rất cao. Đặc biệt, ở phần điện Thánh kết cấu theo kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái đao cong được đón đỡ bởi hệ thống đấu cũng là một tuyệt tác của nghệ thuật tạo hình.

Chùa Bối Khê đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1979. Ở chùa, hàng năm diễn ra lễ hội vào đầu mùa Xuân, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Giêng (âm lịch). Ngoài ra, tại chùa còn có lễ hội cầu mưa và tục kết chạ giữa hai làng Bối Khê và Tiên Lữ.

Hậu cung kiểu kiến trúc hai tầng tám mái bằng gỗ, lưu giữ nhiều giá trị trong nghệ thuật chế tác, xây dựng kiến trúc cổ của Việt Nam.
Những mảng chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ mang họa tiết hoa sen, hoa cúc, rồng, mây…
Bậc thềm phía trước thượng điện còn lưu giữ vết tích của gạch thời Mạc và thời Lê, với những hoa văn và linh vật trang trí chạm nổi còn gần như nguyên vẹn.
Thềm gạch với nhiều lớp văn hóa chồng lên nhau.
Từ chùa Phật đến cung Thánh được bao bằng vòng tường xây tạo thành dạng kiến trúc nội (nhị) công ngoại quốc. Ngoài vòng tường chữ “quốc” còn có một số kiến trúc khác ở phía Nam và ao, giếng, vườn cây.

Chánh Hạnh