Cầu sanh Tịnh độ là Tiểu thừa hay Đại thừa?
Có người nói, người cầu sanh Tịnh Độ là người mong giải thoát cho riêng mình, chỉ cầu chính mình hưởng vui, chẳng phải là Bồ Tát hạnh…
Hỏi:
Có người nói, người cầu sanh Tịnh Độ là người mong giải thoát cho riêng mình, chỉ cầu chính mình hưởng vui, chẳng phải là Bồ Tát hạnh! Thế nhưng trong kinh có nói “chúng sanh sanh vào cõi nước Cực Lạc đều là A Bệ Bạt Trí”. Đã là Bất Thoái Chuyển Bồ Tát, đương nhiên là Đại Thừa, (vậy thì tu Tịnh Độ) rốt cuộc là Tiểu Thừa hay Đại Thừa?
Pháp môn Tịnh độ cho ta thành Phật ngay trong đời này
Đáp:
Như đạo sư Ấn Thuận đã nói: “Cần phải biết pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn Đại Thừa. Tiểu Thừa không có mười phương Tịnh Độ; vì thế, cầu vãng sanh Tịnh Độ là điều đặc sắc của Đại Thừa. Nhưng nghĩa lý trọng yếu trong Đại Thừa là ‘trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh’. Nếu niệm Phật mà chẳng lìa tâm cảnh Đại Thừa ấy, sẽ phù hợp với ý nghĩa sanh về Cực Lạc. Nếu chỉ vì chính mình lìa khổ, được vui, thì là căn tánh Tiểu Thừa. Nhưng đã phát tâm Đại Thừa (Bồ Đề tâm), vì lẽ nào mà cầu sanh Cực Lạc? Vì uế độ chẳng đủ nhân duyên, chẳng dễ học Phật, tuy phát Bồ Đề tâm, chướng ngại đặc biệt nhiều. Sanh, lão, bệnh, tử, chẳng hề nắm chắc mảy may. Vì thế, cần phải vãng sanh Cực Lạc, [là nơi] các vị thượng thiện nhân cùng tụ hội một chỗ, quyết chẳng đến nỗi lui sụt tâm Đại Thừa. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát có nói: ‘Như Lai có phương tiện thù thắng để nhiếp thủ, gìn giữ tín tâm, khiến cho [hành nhân] chẳng bị thoái chuyển (lui sụt Bồ Đề tâm)’ chính là nói về ý này vậy”.
Do điều này có thể thấy: Vãng sanh Tịnh Độ không chỉ là Đại Thừa Bồ Tát đạo, mà còn có thể bảo vệ, gìn giữ Đại Thừa Bồ Đề tâm mãi cho đến khi thành Phật.
Kinh A Di Đà có nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể do ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà sanh về cõi ấy được), tức là nói chẳng thể thiếu sót thiện căn “phát Đại Thừa Bồ Đề tâm” mà hòng vãng sanh cõi Cực Lạc.
Bởi lẽ, Đại Thừa Bồ Đề tâm chính là chánh nhân vãng sanh, là chủng tử thành Phật, hết thảy cảnh, hạnh, và quả Đại Thừa đều sanh khởi từ đấy, nó chính là thiện căn nhiều nhất, lớn nhất. Đã hành Đại Thừa, đã nguyện vãng sanh, lẽ đâu chẳng phát Đại Thừa Bồ Đề tâm ư?
Do đó, ba bậc chín phẩm vãng sanh Cực Lạc đều ắt cần phải phát Bồ Đề tâm, ba kinh một luận Tịnh Độ đều cùng nói điều này. Đã phát Bồ Đề tâm thì chính là tu hành Đại Thừa.
Dân Quốc Tịnh Luật Tự sa-môn Tánh Phạm.
Việt dịch: Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa