Nhìn lại sau một năm: Kiểm điểm khẩu

Trước đây, chúng ta từng nói những lời ác, lời lừa gạt, lời thô lỗ, lời ô uế, lời đâm thọc… gây phiền não, đau khổ và chia rẽ cho người, đồng thời tạo ra những khẩu nghiệp bất thiện cho mình.

Ngày nay, nhờ tu học Phật pháp, chúng ta biết được rằng, trước đây, do vô minh nên mình mới có những lời nói không được ái ngữ, lợi mình hại người, gây ra đau khổ như vậy. Và cũng biết được rằng do những lời nói đó tạo ra sẽ khiến chúng ta phải chịu quả báo là đời này bị mọi người không tin tưởng, đời sau bị câm, ngọng, hơi thở hôi thối…

Ý thức được lời nói có thể đem đến an lạc, hạnh phúc và những điều tốt đẹp cho mọi người, người học Phật chúng ta phải làm thế nào để những lời mình nói ra có nhiều lợi ích, góp phần xây dựng đời sống hạnh phúc của gia đình và cộng đồng xã hội. Ví dụ, trước đây lời nói của mình gây chia rẽ, đau khổ, đưa người vào chỗ sa đọa; ngày hôm nay, sau khi đã hiểu được Phật pháp, chúng ta nói những lời khiến người hòa hợp, thương yêu nhau, đưa họ đến an vui, hạnh phúc, khuyên họ làm lành lánh dữ và hướng đến con đường cao thượng, giác ngộ, giải thoát. Người học Phật phải nói ra những lời thơm như hương sen và mát như gió xuân, đem đến an lạc cho tất cả mọi người:

Miệng ta là cánh hoa sen, 

Một khi hé nở, một phen thơm lừng.

Tiếng ta là gió mùa xuân,

Một cơn thổi nhẹ, muôn dân mát lòng.

Mục đích đi chùa là để tu, mà tu chính là sửa. Nếu không sửa thói hư tật xấu thì chúng ta không phải người là tu.

Nếu thấy lời nói của mình có thể mang đến lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho tha nhân và xây dựng đời sống con người thêm phần tốt đẹp thì chúng ta nên nói nhiều hơn nữa. Nhưng nếu thấy lời nói của mình không đem lại những điều tốt đẹp thì chúng ta nên nói ít đi. Có khi nói tốt hơn im lặng, có khi im lặng tốt hơn nói. Tùy theo hoàn cảnh, trường hợp, đối tượng mà chúng ta nói hoặc là im lặng.

Mục đích đi chùa là để tu, mà tu chính là sửa. Nếu không sửa thói hư tật xấu thì chúng ta không phải người là tu. Sửa nghĩa là chúng ta làm sao cho cuộc đời của mình càng ngày càng tốt đẹp, tiến bộ, thăng hoa, cao thượng và giải thoát. Nếu chúng ta đi chùa mà những thói hư tật xấu mỗi ngày một tăng thì việc đi chùa của mình chưa đạt được mục đích. Riêng về khẩu nghiệp, trước đây chúng ta nói những lời xấu ác, thô lỗ, cộc cằn, bây giờ mình sửa lại, nói những lời nhẹ nhàng, dễ thương, đem lại lợi ích cho nhiều người. Đó chính là tu khẩu nghiệp.

Không chỉ có thế, trước đây do vô minh, chưa hiểu Phật pháp, chúng ta đưa vào miệng mình rất nhiều sinh mạng của chúng sinh. Ngày nay, nhờ Phật pháp, chúng ta biết được cái miệng của mình đã tạo ra biết bao nhiêu ác nghiệp, khiến cho đời này thân thể bệnh tật, tàn tạ, đời sau bị đọa vào ba đường ác. Từ đó, chúng ta quyết tâm giảm dần và từ bỏ hẳn việc ăn thịt chúng sinh. Khi xưa mình đưa vào bụng mỗi ngày mười con vật; năm nay giảm xuống sáu, bảy con; năm sau chỉ còn bốn, năm con; cứ mỗi năm mình giảm bớt đi một ít; và cuối cùng chuyển sang ăn chay trường. Như vậy là chúng ta tu đúng, tu có tiến bộ. Còn trước đây mỗi ngày ăn mười con vật, bây giờ đi chùa rồi lại tăng thêm mấy con nữa. Như vậy là chúng ta tu sai, tu lầm đường lạc lối. Cổ nhân có dạy: “Bệnh từ miệng mà vào”. Vì thế, chúng ta cần phải để ý tu khẩu nghiệp của mình để tránh những quả báo đau khổ ở hiện tại cũng như tương lai.

TT.Thích Chân Tính