Thực tập Chánh niệm như thế nào?
Thói quen chính là số phận. Thói quen tự nó mang trong nó một sức mạnh lớn, có thể chi phối và dẫn dắt cuộc sống.
Thói quen tích cực sẽ cho bạn kết quả tích cực và ngược lại. Có thói quen cá nhân và có thói quen tập thể. Thói quen tập thể cũng sẽ tác động không nhỏ đến cuộc đời của bạn nếu bạn không ý thức được nó. Một thói quen, càng được lặp đi lặp lại, nó càng gia tăng sức mạnh. Chính bạn mà không phải ai hết phải chịu trách nhiệm cho những thói quen mà bạn nuôi dưỡng.
Bạn có thể vì sợ ai đó, thương ai đó hay hận ai đó mà tạo nên những thói quen không tích cực cho bạn. Nhưng kết quả bạn vẫn phải là người chịu trách nhiệm. Người bạn sợ, thương hay hận nào đó vẫn không thể thay thế bạn được. Thói quen nói năng, thói quen suy nghĩ và thói quen hành động mà bạn có sẽ là tương lai của bạn. Không ai can thiệp được vào tương lai của bạn cả. Bạn là người kế thừa trọn vẹn tài sản thói quen của bạn.
Thấy được sức mạnh của thói quen và thấy được người tạo ra thói quen chính là người chịu trách nhiệm, bạn sẽ không còn đỗ lỗi, tự trách, ghanh tỵ hay mặc cảm nữa. Bạn biết bạn có thể xây dựng được sự tốt đẹp cho chính bạn. Tương lai của bạn ở ngay trong tay bạn. Bạn không thể cầu xin và cũng không ai có thể ban cho bạn được. Người ta có thể cố vấn, chia sẻ kỷ năng và trao đổi kinh nghiệm cùng bạn, nhưng không thể thay thế bạn thực hành, trải nghiệm và tự chứng được. Bạn phải tự làm cho bạn.
Khi bạn ngồi yên và chân thành, sẽ không khó để bạn nhận ra những khổ đau do thói quen tiêu cực và những tốt đẹp do thói quen tích cực mang lại. Từ học hành, nghề nghiệp, quan hệ xã hội cho đến sức khoẻ và nhân phẩm, thói quen chính là người bạn đồng hành và nhân tố quyết định. Phẩm chất của thói quen sẽ quyết định chất lượng của cuộc sống.
Trong Phật giáo có một nghệ thuật chuyển hoá thói quen tiêu cực và nuôi dưỡng thói quen tích cực được gọi là Chánh niệm (正念). Chánh là đúng đắn, hiện thực. Niệm là ghi nhận, để tâm tới. Chánh niệm là ghi nhận, để tâm tới những diễn biến đang diễn ra (bao gồm ký ức) trong tâm, trên thân và trong thế giới sống một cách trung thực, đúng như chính nó. Mỗi cảm xúc, nỗi đau hay sự kiện diễn ra đều được ghi nhận, chăm sóc, trân trọng và thấu hiểu. Thân, tâm và ngoại giới trở về với nhau, có mặt cho nhau trong từng khoảnh khắc sống khi Chánh niệm hiện hữu.
Năng lượng của Chánh niệm sẽ soi sáng mọi thói quen đi qua. Thói quen tích cực có cơ hội lớn lên và thói quen tiêu cực cũng có cơ duyên được chăm sóc và chuyển hoá. Con người có Chánh niệm sẽ hiểu mình hơn, hiểu người hơn, những thiện đẹp trong tâm như yêu thương, biết ơn, tha thứ và thấu hiểu cũng bắt đầu ra hoa và kết trái. Hạnh phúc, bình yên sẽ rất tự nhiên hiện hữu ngay trong tâm hồn.
Để bắt đầu nghệ thuật Chánh niệm, bạn được yêu cầu trở về với hơi thở có ý thức trong bất cứ lúc nào có thể. Một hơi thở, ba hơi thở, 30 giây, một phút và nhiều hơn nữa đều có thể được. Thở, cảm nhận và thư giãn. Hơi thở gắn liền với sự sống. Thở là sống. Thở có ý thức là biết mình đang sống. Sống thật sự, sống trong ý thức sáng tỏ về thân, tâm và ngoại giới, không phải sống vô thức như một cái xác sống.
Lúc bạn ngồi, lúc bạn nằm, lúc bạn đi, lúc bạn làm việc, bất cứ lúc nào và bất cứ tư thế nào, bạn cũng có thể thở, cảm nhận và có ý thức về hơi thở, thân, tâm và thế giới sống được. Thở và cảm nhận từng khoảnh khắc sống.
Vui, buồn, đau, hận đều có thể thở và có ý thức về chúng. Tất cả là sự sống. Tất cả là điều kiện làm nên bạn và cuộc đời. Ghi nhận hết trong ý thức sáng tỏ. Ghi nhận và hiểu biết tất cả. Biết chúng đến, biết chúng đi. Biết chúng gây ra khổ đau, biết chúng mang về hạnh phúc. Ghi nhận và chăm sóc tất cả những gì đi qua thân tâm, theo thời gian, bạn sẽ khám phá ra bạn không là nạn nhân của ai cả. Chính thói quen của bạn làm nên con người khổ đau hay hạnh phúc trong bạn.
Dần dần, bạn còn thấu hiểu bản chất của thói quen là vô thường. Chúng vận hành theo quy luật nhân quả và sức mạnh của chúng phụ thuộc vào cường độ của lòng tham. Lúc này cũng là lúc bạn biết khổ đau không phải từ những gì diễn ra mà là từ những gì thói quen phản ứng. Cùng lúc, bạn cũng hiểu cách làm mới bản thân, chăm sóc hạnh phúc, chuyển hoá khổ đau và xây dựng tương lai đích thực cho mình.
Trường hợp bạn muốn bước thêm vài bước nữa trên con đường Chánh niệm, đi vào sâu hơn nữa trong thế giới tĩnh lặng và an bình vô tận bên trong bạn, bạn cũng có thể làm được. Đức Phật gọi thế giới tĩnh lặng và an bình vô tận đó là Chánh định.
Bắt đầu từ hơi thở, bạn tiếp tục bước. Bạn tìm một không gian yên lặng, ngồi yên như hình Đức Phật ngồi mà bạn thấy. Bạn cũng có thể ngồi trên ghế hay theo một tư thế ngồi nào đó mà bạn thấy thích hợp hoàn cảnh. Bạn để hơi thở đi vào và đi ra tự nhiên theo đường mũi. Hơi thở vào, bạn ý thức rõ hơi thở vào. Ý thức và cảm nhận sự thư giãn, tươi mới của thân và sự tĩnh lặng, thênh thang của tâm thức. Hơi thở ra, bạn ý thức rõ hơi thở ra. Ý thức và cảm nhận khi hơi thở ra cũng như khi hơi thở vào vậy. Biết hơi thở vào ra và cảm nhận. Bạn ngồi yên và chỉ làm vậy.
Có thể trong lúc ngồi yên, thở và cảm nhận, bạn thấy nhiều tâm tư hay ảo ảnh đi qua tâm trí. Không trở ngại gì cả, bạn cứ ghi nhận tất cả, ghi nhận và trở lại với hơi thở và cảm nhận. Tự nhiên, yên bình, thở, cảm nhận và biết tất cả tâm tư hay ảo ảnh đi qua. Biết và để tất cả đi theo cách của nó. Chỉ tĩnh lặng, thư giản, thênh thang và an bình bây giờ.
Bạn ngồi yên, thở và cảm nhận (như trên) bất cứ lúc nào có thể và bao lâu cũng đẹp. Nếu bạn có một nhóm cùng ngồi yên hay một cộng đồng thực tập như bạn thì sự tiến triển của bạn sẽ rất tốt. Trường hợp bạn muốn hiểu hơn nghệ thuật Chánh niệm, bạn có thể tham khảo thêm các tác phẩm do Thiền sư Nhất Hạnh viết: (1) An lạc từng bước chân; (2) Tĩnh lặng; (3) Con đường chuyển hoá.
Các tác phẩm trên sẽ chia sẻ cho bạn hiểu sâu và đúng con đường Chánh niệm. Ngoài ra, các quyển sách trên còn cung cấp cho bạn rất nhiều bài tập để bạn thực hành và thành tựu trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nữa bạn ạ.
Nhuận Đạt (tu sĩ)