Ý nghĩa danh hiệu của Địa Tạng Bồ tát

Chúng ta phải học theo Ðịa Tạng Bồ Tát, dùng tâm chân thành giúp đỡ cho họ phá mê khai ngộ, giúp họ lìa khổ được vui. Tâm như đại địa, hết thảy pháp và chúng sanh nương nhờ vào đó để trụ trì, sanh trưởng, đảm đương.

Tu pháp môn Địa Tạng như thế nào?

Ðịa là tâm địa của chúng ta, tâm địa bình đẳng, gánh vác chư pháp, gánh đội cho hết thảy chúng sanh. Người bạn ưa thích, thương mến cư trú trên mặt đất này, người bạn chán ghét, oán hận cũng cư trú trên mặt đất này, đại địa chẳng phân biệt thân, oán, chẳng có tốt, ác, chúng ta phải học bản tánh này của đại địa.

Tâm địa của chúng ta vốn cũng giống như đại địa, hiện nay thì trong ấy khởi tâm động niệm, phân biệt tốt ác, phân biệt đẹp xấu, đó là sai lầm. Mặt đất chẳng phân biệt, nói cách khác, chân tâm chẳng phân biệt, vọng tâm còn phân biệt, vọng tâm là sai lầm. Biết được vọng tâm đang phân biệt thì biết tâm chúng sanh; biết đại địa chẳng phân biệt, thì biết chân tâm. Thế nên lập luận của kinh này là chân tâm và vọng tâm. Ðây là nói về chữ Ðịa.

Chữ thứ hai là Tạng, Tạng nghĩa là chứa, hàm chứa, người thế gian chúng ta gọi là kho chứa, kho báu. Trân bảo của người thế gian đều phải cất giữ đàng hoàng, những của cải này có thể bảo đảm an toàn cho đời sống của họ.

Nếu mất đi tiền tài, của báu, thì họ sẽ cảm thấy lo sợ, đời sống chẳng được bảo đảm, thế nên người thế gian ai cũng hy vọng cất dấu những trân bảo, tiền tài này. Phật dùng việc này để tỷ dụ, trong tự tánh chúng ta có kho báu, đó là Tam Ðức Bí Tạng trong chân tâm tự tánh của chúng ta….

Trích trong: Địa Tạng Bồ tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký.

HT. Tịnh Không