Sao người ta dễ làm nhau đau đến vậy?

Lòng tối thì bóng dài, rủ xuống như ngọn giáo, nhọn và đau.

Tống Duệ Uyên: “Cái đáng sợ nhiều khi đâu phải lời chửi rủa thẳng thừng, mà là mấy câu vô tâm cười cợt thiếu ý tứ, nhẹ hều nhưng để lại vết sẹo sâu”. Ảnh: TGCC

Hồi lần, mình hỏi ngoại: “Sao người ta dễ làm nhau đau dữ vậy hả ngoại?”. Ngoại hổng trả lời liền, mà dắt mình ra sau hè, chỗ cái khạp nước mưa lúc nào cũng đầy. Ngoại múc một ca, rồi hất mạnh xuống đất, nước bắn tung tóe. Ngoại mới nói: “Con thấy hông, nước hắt rồi đâu có hốt lại được. Lời mình nói ra cũng vậy đó, buông ra một cái, dù có tiếc hay hối hận, cũng hổng lấy lại được nữa. Làm gì, nói gì, nhớ phải để bụng nghĩ tới lui, đừng để lỡ lời làm đau người khác.”

Có lần lướt mạng, mình coi được một cái video ngắn, quay cảnh thằng nhỏ đẩy xe bán tàu hủ ở lề đường. Clip đơn giản lắm, nó vừa đẩy xe, vừa rao tà tà. Vậy mà dưới phần bình luận, không biết từ đâu mà bao nhiêu lời ác ý nhào vô bủa vây một đứa nhỏ. Mình đọc mà xốn con mắt. Mấy người gõ mấy câu đó, người ta có bao giờ suy nghĩ, biết đâu thằng nhỏ đang gồng gánh giúp má nó trả nợ, hay nó đang nuôi đứa em còn nhỏ xíu ở nhà?

Mình cứ nghĩ hoài, người ta ác ý không phải vì người ta xấu, mà vì người ta hổng chịu nghĩ sâu. Họ hổng thấy được bên kia cái màn hình cũng là một con người thiệt, với bao nhiêu chuyện đời mà mình hổng biết. Giống như, chỉ cần nhìn thoáng qua thôi, rồi tự cho mình cái quyền phán xét, cho rằng mình đúng người ta là kẻ sai trong chính cuộc đời của người ta.

Mỗi lời mình buông ra giống như một hột giống, gieo xuống lòng người. Có hột thì nảy lên thành bông, thơm tho làm người ta nhớ hoài, ấm bụng mát dạ. Nhưng cũng có hột mọc thành gai, bén ngót, cứa rách tim người ta. Gai lớn, rễ sâu, đau còn hơn dao cắt, vì lời đau là thứ người ta tự gặm nhấm hoài trong trí mình, hổng quên được.

Cái đẹp, có ai thấy hay không, cũng đáng để mình giữ…

Lời nói của mình – nếu nó không đủ đẹp, đủ ấm để làm lòng người dịu lại, thì hà cớ gì phải nói ra? Nhưng giờ đây, nhiều người dễ dàng quăng cái đẹp đi, rồi thay bằng sự cay nghiệt. Lời cay nghiệt giống như dao cùn, không cắt đứt liền nhưng cứa lâu thì đau tới thấu tim. Một cái video chưa đầy 2 phút, một cái dòng trạng thái, thoáng qua vài giây mà đủ để người ta trút xuống cả đống chửi bới, những lời tục tĩu thoá mạ không hay.

Lòng tối thì bóng dài, rủ xuống như ngọn giáo, nhọn và đau. Còn lòng sáng thì bóng ngắn, như tán cây mát rượi, làm dịu lòng người. Vậy mấy câu người ta gõ ra không ngại ngần trên mạng, là ngọn giáo hay là tán cây? Nếu có ai nói với họ mấy lời y chang, họ có chịu nổi không?

Mình tự hỏi: Có phải vì họ hổng thấy ánh mắt người bên kia? Hổng nghe được tiếng thở dài sau màn hình? Hay vì họ nghĩ, lời mình nói ra nhẹ hều, chẳng để lại gì hết ráo?

Cái đáng sợ nhiều khi đâu phải lời chửi rủa thẳng thừng, mà là mấy câu vô tâm cười cợt thiếu ý tứ, nhẹ hều nhưng để lại vết sẹo sâu. Một cô gái bị chê bai dưới tấm hình chụp lén trong quán ăn, một ông già bị cười vì không biết sài điện thoại cảm ứng… Mấy vết thương đó hổng rỉ máu, nhưng âm ỉ hoài trong lòng, có khi tới già cũng chưa lành.

Nhưng thật ra, lời nói là thứ nặng nhất. Có thể bữa nay người ta giả bộ cười, giả bộ quên, nhưng tối về nằm trong phòng, mấy câu nói đó lại lặp đi lặp lại trong đầu người ta. Và những vết thương đó, đâu dễ lành.

Người ta dễ buông lời, vì hổng biết mỗi câu chữ mình nói ra đều nặng ký. Nặng hổng phải ở tiếng lớn hay nhỏ, mà ở chỗ nó đâm sâu tới đâu. Người nói thì quên ngay, mà người nghe mang nó theo suốt đời. Bởi vậy, lời ác ý giống như lưỡi dao hai lưỡi – mình tưởng làm đau người, mà thiệt ra đang cắt đứt lòng nhân hậu trong chính mình.

Má mình từng nói: “Người ta làm đau nhau đâu phải vì ác, mà tại người ta quên.” Họ quên rằng đời người ngắn lắm, mỗi ngày trôi qua là một bước gần đất hơn. Mà gần đất rồi, còn bận chi mà gieo gai cho đau lòng nhau nữa?

Chớ nói lời ác, hãy nói lời thiện. Lời nói ác làm tổn thương người khác, và cũng tổn thương chính mình… (Kinh Pháp Cú – Câu 133)

Tống Duệ Uyên