Rắc rối đến từ việc không hiểu rõ chính mình

Giáo lý Đức Phật dạy có Tam Tạng Pali, nhưng cái cốt lõi của Đạo Phật không phải là nhiều. Vì vậy cho nên có những trường hợp Đức Phật chỉ nói có một câu kệ thôi mà có người đã đắc đạo quả ngay. Điều này chứng tỏ những điều cốt lõi trong giáo lý của Đức Phật không nhiều.

Từ “giáo lý” cũng là phát sinh sau này chớ không có trong thời Đức Phật. Qua sự nghiên cứu của Thầy, Đạo Phật hoàn toàn không có giáo lý, mà hoàn toàn là do người sau này đặt ra thôi. Bởi vì Sự Thật vốn là hiển nhiên, Chân Lý là lẽ đương nhiên.

Chân lý hay sự thật vốn có sẵn ở nơi mỗi người và có sẵn chung quanh chúng ta, không hề cần một hệ thống giáo lý nào cả. Không có Đức Phật ra đời thì sự thật vẫn là sự thật. Không có Chúa ra đời, không có một triết gia nào ra đời thì cuộc đời vẫn là vậy, sự thật vẫn là vậy. Cho nên vốn không hề có một hệ thống giáo lý nào cả, mà Đức Phật chỉ tùy trường hợp mà chỉ thẳng vấn đề.

Mình không hiểu được chính mình, không hiểu được chồng mình, không hiểu được bối cảnh mình đang sống, cho nên mình cứ muốn được như ý muốn của mình thôi.

Ví như một người nấu ăn giỏi, bây giờ thấy một người nấu canh mặn quá, sẽ nói nguyên nhân là để muối nhiều. Đơn giản là vậy thôi, không có gì cao siêu và mầu nhiệm cả. Cũng như vậy, gặp một người đau khổ, Đức Phật biết người đó đau khổ ở chỗ nào thì Ngài chỉ thẳng vào chỗ đó. Chỗ đó là chỗ nào? chính là chỗ người đó chưa thấy ra sự thật.

Cũng như người chưa biết nấu ăn, không biết muối mặn cỡ nào nên bỏ muối vô quá nhiều mà nồi canh trở nên quá mặn không ăn được, đơn giản là vậy thôi. Cuộc đời này cũng vậy, thật ra cuộc đời này rất đẹp, rất kỳ diệu. Đối với người giác ngộ thì cuộc đời này hoàn hảo, nhưng mà với mình thì đời là đau khổ, vì mình không hiểu được bản chất của đời sống là như thế nào cho nên mình cứ làm theo ý mình. Làm theo ý mình thì chuốc lấy phiền não khổ đau do chính mình tạo ra. 

Nên đừng có trách đời, cũng đừng có trách ai cả, đừng có trách bất kỳ một yếu tố nào khác mà chỉ là mình đã nhận thức sai, và hành vi sai mà thôi.

Nên thật ra cũng chẳng có thiền nào cả. Người ta bày đặt ra phương pháp thiền này, rồi phương pháp thiền kia, rồi sinh ra trường phái thiền này, rồi trường phái thiền nọ, đủ thứ. Thực ra chúng chỉ làm rắc rối thêm cho đời.

Cuộc đời vốn không rắc rối, mà tự hoàn hảo nơi chính nó. Nhưng mỗi người chúng ta đang làm cho nó rắc rối, và ngày càng rắc rối thêm. Người này gây rắc rối theo kiểu này, người kia gây rắc rối theo kiểu khác. Tự mình cứ đưa các rắc rối vào cuộc đời, rồi lại than rằng cuộc đời quá đỗi rắc rối. Thật ra cuộc đời không rắc rối chút nào, mà mỗi người đã và đang làm cho nó rắc rối ra thôi. 

Cũng như trong nồi canh, rau không có rắc rối, nước cũng không có rắc rối, muối cũng không có rắc rối, không có cái gì là rắc rối cả, cái gì cũng hoàn hảo. Khi mình hái rau đó vô mình nấu, mình lại bỏ lửa quá nhiều, mình bỏ muối quá nhiều, hoặc là quá ít, rồi lại muốn kết quả phải được như ý mình. Đó là vì sao? Là vì mình không thấy được tính chất những yếu tố của đời sống. 

Thí dụ như hai vợ chồng cãi nhau đến mức không bao giờ hòa giải được, bởi vì sao? Không phải bởi vì là chồng, không phải bởi vì là vợ, không phải bởi vì cuộc đời này, mà vì chính mỗi người không hiểu được bản thân mình. Mình không hiểu được chính mình, không hiểu được chồng mình, không hiểu được bối cảnh mình đang sống, cho nên mình cứ muốn được như ý muốn của mình thôi. Mà càng muốn được như ý mình, thì càng đau khổ…

Nguồn: Trích khóa thiền số 15, chùa Bửu Long 2015

Thầy Viên Minh