Mất vào tháng nhuận cúng giỗ tháng nào?

Có người mất vào mùng 3/2 âm lịch (tháng 2 nhuận) năm Quý Mão (2023). Xin hỏi, trường hợp này cúng tiểu tường (giáp năm), đại tường (mãn tang) và giỗ (húy nhật) vào ngày tháng nào, vì sao?

Ảnh minh hoạ.

Thời điểm cúng tiểu tường được tính sau khi mất 12 tháng (365 ngày), cúng đại tường được tính sau khi mất 24 tháng. Nếu mất vào mùng 3/2 âm lịch (tháng 2 nhuận) năm Quý Mão (2023) thì cúng tiểu tường vào mùng 2/2 âm lịch năm Giáp Thìn (2024), cúng đại tường vào mùng 2/2 âm lịch năm Ất Tỵ (2025). Sở dĩ ngày cúng tiểu tường và đại tường lùi lại một ngày so với ngày mất nhằm để đúng tròn một năm và hai năm (nếu cúng đúng ngày 3/2 sẽ hơn một và hai năm).

Sau đại tường, ngày giỗ (húy nhật) được tính vào mùng 3/2 âm lịch hàng năm (vì tháng nhuận là tháng dư của năm nhuận nên ngày giỗ vẫn chọn tháng chính). Giả như trong tương lai có năm nhuận (hai tháng 2 âm lịch) thì ngày giỗ vẫn là 3/2 âm lịch của tháng đầu tiên (không phải tháng nhuận). Tuy nhiên, nhiều vùng miền có phong tục cúng giỗ trước một ngày (2/2). Có nơi cúng giỗ cả hai ngày, cúng ngày trước vào buổi chiều (tiên thường), sáng ngày hôm sau giỗ chính (chánh kỵ). Ngày nay, một số gia đình linh động cúng giỗ vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật (gần ngày giỗ nhất) để con cháu các nơi về tham dự đầy đủ.

Theo quan điểm Phật giáo, cúng kính kỵ giỗ (giỗ tổ ở chùa) là tâm thành tưởng niệm đến người mất, thể hiện tâm hiếu thảo, lòng biết ơn đối với tiền nhân, làm phước thiện (nếu có) để hồi hướng công đức. Ngày cúng giỗ trong một số trường hợp có thể linh động tùy duyên, miễn sao mọi người trong đại gia đình (trong tổ đình) đều hoan hỷ, tâm nhớ đến cội nguồn, biết ơn và noi gương người đã khuất, yêu thương và hiểu biết nhau hơn.

Báo Giác Ngộ