Đức Thế Tôn dạy nhận biết và đoạn khổ, không dạy về lý luận siêu thực
Đức Thế Tôn đưa tới lộ trình nhận thấy rõ quá trình pháp bất thiện chưa hiện khởi, khởi lên, và đoạn diệt, sống với nội tâm không bị phiền trược, tuệ tri chứ không dạy chúng sinh tranh cãi về những lý luận siêu thực, vượt qua khả năng thực chứng.
Duyên khởi
Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tịnh xá của ông Cấp Cô Độc. Tôn giả Malunkyaputta, sau khi độc trú tịnh cư, từ thiền tịnh đứng dậy đến chỗ Thế Tôn để xin được giải đáp vài suy tư. Tôn giả nghĩ nếu Thế Tôn không giải đáp cho mình, thì ông sẽ bỏ học pháp và hoàn tục.
Nội dung
1. Suy tư siêu thực của Malunkyaputta
(1). Thế giới này thường còn, hay vô thường; thế giới vô biên hay thế giới này hữu biên?
(2). Sinh mạng này và thân này là một, hay sinh mạng này và thân này là khác?
(3). Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
2. Thế Tôn giải đáp
Thế Tôn không nói rằng hãy đến và sống phạm hạnh, để nhờ phạm hạnh mà Thế Tôn dạy về thế giới thường còn, hay vô thường; thế giới vô biên hay thế giới này hữu biên; sinh mạng này và thân này là một, hay sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết, hay Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết.
Thế Tôn nói rằng đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt, đây là bất thiện, nếu làm sẽ dẫn tới thọ lạc khổ đau, đây là thiện, nếu làm sẽ có quả an lạc, Thế Tôn không kêu gọi sống phạm hạnh để lý luận siêu thực, tranh cãi những vẫn đề mọi người không thể thực chứng.
Ví như, luận điểm thân thể và sinh mạng là một hay khác, là vấn đề đa phần không thể thực chứng, với 2 người có 2 góc nhìn tư tưởng khác nhau, sẽ trở thành sự tranh cãi lý luận không hồi kết, gây nên xung đột. Nhưng ví dụ với trộm cắp, ai cũng có thể thực chứng đó là xấu, là bất thiện dẫn tới hậu quả tồi tệ thì không cần phải tranh cãi.
Một người cố gắng suy tư về những vấn đề siêu thực, giống như một thanh niên bị trúng 1 mũi tên độc
Chàng thanh niên này sau khi bị trúng mũi tên độc thì không chịu để y sĩ rút mũi tên ra và điều trị. Chàng thanh niên yêu cầu được biết ai bắn mũi tên đó, chất độc đó là gì, được điều chế ra sao.
Nỗi khổ đau và sự nguy kịch gây ra bởi mũi tên độc – Đại diện cho tham, sân, si, bất thiện.
Việc cần làm là rút mũi tên ra và điều trị vết thương – Đại diện cho sự thực hành giới, phát triển trí tuệ, chữa trị tâm để đoạn trừ tham, sân, si.
Chàng thanh niên chỉ tập trung vào những câu hỏi không nhằm mục đích cứu mình, mà chỉ khoả lấp cái tôi sân hận, thèm muốn “kiến thức” nuôi bản ngã,… – Đại diện cho một người chỉ suy tư về những thứ không giúp ích gì cho mục đích phát triển tuệ tri, nhận biết thân tâm, duy trì chính niệm, đoạn diệt phiền não. Những suy tư này chỉ phục vụ thoả mãn bản ngã cá nhân, dù biết cũng không cắt đứt được tham, sân, si.
Người biết những câu trả lời mang tính siêu thực, cũng sẽ già – bệnh – chết theo quy luật, vẫn sẽ chất chứa đầy nỗi khổ, đau. Nhưng một người biết tu tập, đoạn trừ phiền não, thì dù không biết câu trả lời cho suy tư đó vẫn có thể cảm nhận an lạc. Đời sống an lạc phụ thuộc vào đời sống phạm hạnh, đời sống phạm hạnh thì không liên quan gì tới suy tư thế giới là thường còn, hay vô thường,… (và các phần còn lại của câu hỏi). Dù có quan điểm nào, thời nay vẫn tồn tại sầu, bi, khổ, ưu, đức Phật chỉ giảng dạy sự cắt đứt khổ ưu ngay trong hiện tại.
Mục đích lời dạy và câu trả lời của đức Phật chỉ hướng tới xây dựng căn bản của phạm hạnh, đưa đến sự yểm ly (xa lìa), ly tham đắm, đoạn diệt, an tịnh, tuệ tri, giác ngộ (chính là Tứ Diệu đế, Bát Chính đạo và những giải thích đời sống liên quan).
Đức Thế Tôn đưa tới lộ trình nhận thấy rõ quá trình pháp bất thiện chưa hiện khởi, khởi lên, và đoạn diệt, sống với nội tâm không bị phiền trược, tuệ tri chứ không dạy chúng sinh tranh cãi về những lý luận siêu thực, vượt qua khả năng thực chứng.
Tài liệu tham khảo: Đại Tạng kinh Việt Nam – Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya) – “Tiểu kinh Màlunkyà (Cula Màlunkyà sutta)”, Dịch giả: HT. Thích Minh Châu
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược