Ly bia tạo nghiệp

Nhiều vụ tai nạn giao thông đến từ nguyên do này, đặc biệt vào dịp cuối năm, tiệc tùng, liên hoan liên tục.

Hơn 5 năm trước, khi chuẩn bị đi ngủ, tôi nhận được cuộc gọi của người bạn. Bạn hiếm gọi, nhưng gọi giờ khuya khoắt, tôi linh cảm có chuyện không lành nên bắt máy ngay.

“Em mình mới bị tai nạn, được đưa vào bệnh viện ở quận 10 rồi, cậu chạy vào xem hỗ trợ giúp được không?”. Bạn nói đầy gấp gáp và lo lắng. Em bạn cũng như em mình, tôi chạy vào bệnh viện theo địa chỉ tra trên Google. Tới nơi, có một vài người họ hàng khác của gia đình bạn cũng tất tả chạy từ Hóc Môn xuống. Người em của bạn bị tai nạn, gãy chân, trầy mặt, sưng trán, dập môi và được bác sĩ truyền dịch sau khi sơ cứu tại khoa cấp cứu. “Họ chờ có người thân tới làm các thủ tục để nhập viện, chắc sẽ mổ”, một người em họ của bệnh nhân nói.

Tôi hỏi lý do tai nạn thì cậu em của bạn tôi bảo bị hai người chạy xe máy say rượu chạy với tốc độ kinh hoàng tông phải. Cậu ấy bị nạn nhưng vẫn còn may, hai người kia cũng cày xuống mặt đường và hiện không biết đưa vào bệnh viện nào.

Hôm sau, bạn bay từ miền Trung vào Sài Gòn. Đó là lần đầu bạn đi máy bay, trong một tình huống bất đắc dĩ. Em trai đi làm xa, cũng chỉ làm công nhân, lương đủ sống. Anh trai ở quê là tài xế, đang phải gánh nợ từ chiếc xe trả góp, cũng là chiếc cần câu cơm cho ba miệng ăn. Vào nuôi em trong tình cảnh rối bời, bạn tôi thở dài lo cho ca mổ của em trai, rồi hậu phẫu không biết có nguy hiểm. Ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài có thể không làm được các việc tay chân nặng nhọc. Tôi thấy ánh mắt hai anh em họ đầy lo lắng, xa xăm. Tôi động viên. Nhiều anh chị em xóm giềng cùng cảnh rời quê đi TP.HCM mưu sinh cũng vào viện thăm, rồi của ít lòng nhiều, hỗ trợ cho cậu ấy yên tâm hơn về viện phí trước khi lên bàn mổ. Tình làng nghĩa xóm đẹp hơn khi khó khăn.

May mắn, ca mổ của cậu em bạn tôi thành công. Sau nửa tháng ở bệnh viện, bạn đưa em trai về quê chăm sóc. Phải mất nửa năm, cậu em mới đi tập vật lý trị liệu và hơn một năm sau thì tháo ốc vít trong lần mổ cố định xương lúc tai nạn. Bây giờ, cậu ấy đã có gia đình, thỉnh thoảng tôi gặp ở quê vào dịp Tết, nhắc lại chuyện cũ, mọi người lại rùng mình. Rượu bia vào, say xỉn tới mà cầm lái, chiếc xe từ phương tiện đi lại trở thành công cụ gây hại cho người khác và chính mình.

Em bạn tôi may mắn bị nặng nhưng vẫn hồi phục. Nhiều người bị tai nạn phải mất mạng, không thể phục hồi. Ít tháng trước, nữ tài xế lái xe ở TP.Vũng Tàu đã gây tai nạn chết người trong khi nồng độ cồn kịch khung. Người biết tin, khó có thể cảm thông được.

Không uống rượu bia càng tốt, nhưng lỡ uống thì không nên lái xe, hại mình, hại người. Ảnh minh họa

Quốc hội trong phiên họp ngày 27/6/2024 đã bấm nút thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định cấm tuyệt đối nồng độ đối với tài xế. Tôi ủng hộ điều này vì uống rượu bia có thể trở thành nguy cơ gây tai nạn. Tất nhiên, không phải tất cả tai nạn giao thông đều có nguyên nhân từ say xỉn. Không làm chủ được tay lái còn vì buồn ngủ, hoặc đôi khi là những va chạm bất ngờ, nhỏ nhặt dẫn tới hậu quả lớn.

“Không uống rượu, bia, không sử dụng chất gây nghiện…”, là một trong năm điều đã được Đức Phật chế định cho những ai muốn trở thành Phật tử, gọi là “cấm giới”. Nguyên tắc này có cách đây trên 25 thế kỷ, lúc Đức Phật còn tại thế và được xếp thứ vị trí thứ năm, sau không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm và không nói dối.

Theo quan niệm của đạo Phật, người giữ được năm điều đạo đức vừa kể là một người tốt (trước tiên) và sau đó là một Phật tử chân chính. Do vậy, gọi cấm giới, tưởng là ràng buộc nhưng kỳ thực cũng chính là nguyên tắc giúp bảo hộ cho mỗi người trở nên tốt đẹp hơn.

Tôi từng nghe đồng nghiệp kể về thầy Thích Hạnh Danh, trụ trì chùa Khánh Tân (xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Từ một Đại đức đi du học Myanmar về, thầy chọn vùng sâu, vùng xa để dấn thân. Việc đầu tiên, thầy mở lớp dạy tiếng Anh cho các học sinh nghèo tại xã Sơn Bình. Theo thầy, giáo dục là điều kiện quan trọng nếu không muốn là quyết định để thay đổi con người, xã hội. Lớp tiếng Anh thu hút rất nhiều người học, họ được rèn khả năng nghe, nói, đọc, viết, được giao tiếp và nghiêm túc thực hiện những nội quy lớp học, đồng thời tình nguyện thực hiện năm nguyên tắc đạo đức cơ bản của người Phật tử nói trên.

“Làng quê thay đổi nhiều mặt, trong đó có nếp sống của người trẻ, trở nên hiền thiện hơn” – nhiều người dân khi chia sẻ về việc giáo dục kiểu nhà chùa mà thầy Hạnh Danh đã làm với bà con nghèo nơi đây.

Về việc giữ năm nguyên tắc đạo đức thì bốn “giới” đầu bao gồm lời nói, hành động đưa tới những niềm đau, nỗi khổ trực tiếp cho người và mình, nếu phạm. Còn giới thứ năm – không uống rượu, bia, chất gây nghiện – là thói quen gián tiếp tạo ra các sai phạm hoặc tai nạn khiến mình và người có nguy cơ đánh mất hạnh phúc, bình an, do không làm chủ được suy nghĩ, lời nói, hành động. Đặc biệt, trong lúc lái xe, cầm một phương tiện lưu thông trên đường mà không tự chủ như bình thường thì quá sức nguy hiểm.

Rượu bia uống vừa phải, đủ vui sẽ là chất xúc tác cho một buổi hội họp, giải trí, lễ nghi nào đó. Đó là văn hóa. Rượu thuốc cũng là một phương dược trị bệnh. Nhưng lạm dụng hoặc sử dụng đến mức nghiện ngập, rồi đem cái lý “nam vô tửu như kỳ vô phong” (đàn ông mà không có rượu thì như cờ không có gió, xẹp lép) để sử dụng rượu bia như một cách chứng tỏ bản lĩnh thì vô tình khiến ly bia, chén rượu tạo nghiệp. Thực tế, có những người đã ngà say nhưng vẫn cố chấp lái xe để chứng tỏ mình còn tỉnh. Nhiều vụ tai nạn giao thông đến từ nguyên do này, đặc biệt vào dịp cuối năm, tiệc tùng, liên hoan liên tục.

Tổ chức Y tế thế giới khi điều tra khảo sát tại các bệnh viện tại Việt Nam (hơn 20.000 đối tượng), có đến 36% bị tai nạn giao thông có liên quan nồng độ cồn vượt quá quy định vào ngày thường, còn trong dịp lễ, Tết lên tới 60%.

Làm gì cũng nghĩ tới hậu quả của nó! Đây là câu nói được thịnh hành trong đời sống, mang nguyên lý nhân-quả, quy luật thường hằng. Sử dụng bia rượu khi lái xe chắc chắn sẽ đưa tới kết quả không tốt. Trước đây là tai nạn, nguy cơ dẫn tới tai nạn, thì nay còn có thêm việc bị xử phạt nghiêm từ pháp luật.

Quy định tuyệt đối cấm lái xe khi có nồng độ cồn ở khía cạnh này sẽ giúp xã hội, gia đình bớt gánh nặng. Mỗi người vẫn được tự do sử dụng bia rượu trong những điều kiện cá nhân, nhưng nếu đã uống thì tuyệt đối không lái xe. Đó cũng là một ý thức sống lành, cho mình, cho người.

Nguyễn Phong Châu là một Phật tử, pháp danh Tâm Phong. Hiện anh đang làm việc cho một tập đoàn xây dựng của nước ngoài, có trụ sở tại TP.HCM, trong vai trò một kỹ sư thiết kế.

Nguyễn Phong Châu