TÌM VỀ ĐẤT PHẬT – HÀNH TRÌNH CỦA LÒNG TRI ÂN

Ấn Độ – một trong những nơi được gọi là chiếc nôi của nhân loại. Với sự đa dạng về văn hóa tâm linh, Ấn Độ còn có tên gọi là “vùng đất của những vị thần”. Nơi đây luôn ẩn dấu những điều kỳ bí và thú vị dành riêng cho mỗi người. Chính vì thế dù văn minh của xã hội đã đạt đến đỉnh cao, người ta vẫn không thôi tìm xứ xở thiêng liêng ấy. Đến với miền đất có dãy Hymalaya và dòng sông Hằng huyền thoại, mỗi người thường nhận lại những giá trị tâm linh đặc biệt.

Tôi tìm về vùng đất đặc biệt này như cái cách mà tôi thường vác ba lô trở về nhà sau những chuyến đi xa. Những háo hức, nôn nao, những yêu thương mong đợi tôi dành trọn cho “chốn quê nhà” ấy. Nơi đã đón hình hài Đức Từ Phụ Gotama của nhân loại và của tôi. Nơi đã lưu giữ những dấu chân Người đi qua và tỉ tỉ vết tích Ngài để lại cho cuộc đời, làm nhân chứng cho cánh cửa giải thoát giữa nhân gian.

Chuyến đi với một đoàn hơn 70 người do Thầy tôi – Sư Phụ Hằng Liên dẫn đoàn. Một hành trình với những ngày dong ruổi và thời khóa sát sao. Cứ ngày thì đi, đêm thì nghỉ. Chúng tôi hòa mình vào cuộc sống của người dân Ấn Độ, không khách sạn, không nhà nghỉ, điểm dừng tại mỗi nơi của đoàn là những ngôi chùa Phật giáo của nhiều quốc gia khác nhau. Thậm chí cả việc ăn uống, vệ sinh hay ngủ nghỉ đều vô cùng tranh thủ; như trân trọng từng thời khắc trôi qua nơi đất Phật, sợ mình không gom được hết thảy “quê nhà” vào đáy mắt. Tuy vất vả ít nhiều nhưng mỗi con tim có chung một nhịp đập Vipassana lại vô cùng hoan hỷ, chánh niệm và biết ơn những gì mình trải qua.

Điểm đến đầu tiên của đoàn là Varanashi – nơi có dòng sông Hằng là biểu tượng đặc trưng của xứ Ấn đã tồn tại cùng năm tháng để dõi theo những thịnh suy, kỳ bí của dải đất này. Nhưng đặc biệt nhất đối với đoàn chính là được đặt chân đến vườn Nai – nơi Đức Phật đã chọn làm điểm vận chuyển bánh xe Pháp, tạo nên một lịch sử mới trong nhân loại: Phật – Pháp – Tăng ra đời. Tòa tháp tưởng niệm sự kiện trọng đại này dẫu trải qua nhiều năm tháng và được phục chế nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ uy phong như chính Tiếng Rống Sư Tử từng được Đức Phật gióng lên hơn 25 thế kỷ trước. Đoàn được trải nghiệm cảm giác tọa thiền nơi Thánh Tích thiêng liêng này. Mỗi người lại nhận cho riêng mình một nguồn năng lượng khác nhau. Đâu đó những niệm tri ân giúp lòng người tĩnh lặng và trân quý hơn.

Nhiễu Tháp Chuyển Pháp Luân tại Sarnath

Khuôn viên nơi Đức Phật thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như tại Sarnath

Lễ Phật tại Hương thất Đức Phật (Vườn Lộc Uyển)

Dừng chân chưa trọn ngày đoàn phải rời Varảnasi và tiếp tục du hành về Sravasti. Một vùng đất từng là nơi phồn hoa đô hội nhất nhì thời Đức Phật, gắn liền với ngôi Tịnh Xá Kỳ Viên huyền thoại trong quá trình độ sanh của Ngài.  Đức Phật và chư vị Thánh tăng đã trải qua 25 mùa an cư tại đây và phần lớn các kinh tạng được thuyết giảng trong thời gian ấy. Dừng chân đầu tiên tại vùng đất này là trung tâm Suvatthi thuộc dòng thiền của Ngài Goenka, được tắm mình trong dòng sữa pháp tại phòng thiền trang nghiêm giúp mọi người tiếp thêm năng lượng an lành sau chặng đường dài du hành mệt mỏi.

Thiền tọa tại Jetavana – Kỳ Viên Tịnh xá

Cũng tại địa danh này, đoàn được hướng dẫn đi nhiễu tháp ông Cấp Cô Độc và Ngài Vô Não. Hai nhân vật gắn liền với sự kiện quan trọng trong cuộc đời hành đạo của Đức Phật tại đây. Một người là đại thí chủ hộ trì Tam Bảo không mệt mỏi – biểu tượng của con đường đi từ ánh sáng đến ánh sáng. Một người là kẻ sát nhân, buông đao tu tập chứng thánh quả Alahan – biểu tượng của con đường đi từ bóng tối về ánh sáng. Đức Phật, một vị Thầy đầu tiên của nhân loại chứng minh cho cả thế giới thấy được Phật tánh bình đẳng sâu thẳm bên trong mỗi con người.

Nền nhà Cấp Cô Độc

Tuy nhiên điều đặc biệt nhất của đoàn là thời thiền an trú ngay bên nền hương thất xưa còn xót lại của Đức Phật. Một cảm giác xúc động khôn tả của những đứa con thật lâu rồi mới trở về nhà. Khu vườn mặc dầu trở thành một trong những địa điểm du lịch, người ra vô thường xuyên, nhưng năng lượng an tĩnh của hơn 2500 trước như vẫn còn đủ để giao thoa với từng khoảnh khắc hít thở của những đứa con đang hướng về Đức Từ Phụ.

Buổi chiều đoàn được viếng thăm trung tâm thiền nổi tiếng Mahamongkol, do một vị nữ hoàng gia Thái Lan lập nên. Với lối kiến trúc đặc thù của Thái, tượng Phật Thích Ca và ngôi Bảo Tháp uy nghi, sừng sững hiện lên giữa một vùng trời, sự tĩnh lặng của tu viện như tách biệt với thế giới huyên náo ngoài kia. Một trải nghiệm mới mẻ đối với cả đoàn và đâu đó một ước nguyện chung về ngôi bảo tháp đã khởi lên trong lòng mỗi thành viên trong đoàn.

Sau hai ngày dừng chân, đoàn lại tiếp tục hành trình ngược về Kushinagar. Nơi Đức Phật đã để lại huyễn thân của Người giữa nhân gian. Cũng Bảo Tháp tưởng niệm, cũng cỏ cây được cắt tỉa tăm tắp, cũng người ra vô đảnh lễ…nhưng không gian như vẫn đọng lại cảm xúc mất mát của phàm tục. Đoàn dưới sự hướng dẫn của Thầy tôi đã nhẹ nhàng dâng tấm y lên biểu tượng hình hài của Đức Phật, rồi lặng lẽ hữu nhiễu trong tĩnh lặng. Thầy tôi và cả đoàn chọn một điểm yên tĩnh nhất để ngồi lại tĩnh tọa và thêm đôi lời Pháp về hạnh nguyện và di ngôn của Đức Thế Tôn.

Dâng Y tại Tháp Đức Phật Niết Bàn – Kushinagar

Thiền tọa trước Tháp Trà Tỳ

Hành trình nối dài về Vesali, nơi minh chứng cho sự có mặt của Ni đoàn thời Đức Phật. Trong cái sương mù dày đặc của tháng 11, đường đêm không một bóng đèn; đoàn cũng đến được chùa Kiều Đàm Di – một ngôi chùa Việt Nam khá đặc biệt. Đoàn được trải nghiệm hơi sương quện mùi bụi đất dày đặc len lỏi trong từng hơi thở, trên những chiếc xe túc túc gồ ghề đã đưa đoàn đến ngôi trường đã loang lỗ do chính quý Sư Cô người Việt Nam thành lập và duy trì dành cho trẻ em nghèo. Hơn 2500 phần quà là những đôi giày và chiếc cặp do tập đoàn Kim Oanh tài trợ đã trao tận tay mỗi đứa trẻ. Tiếng ho, tiếng thở khò khè, tiếng hà hơi vào lòng bàn tay của mỗi đứa trẻ khiến cả đoàn thấy dường như mọi sự vất vả đều vô cùng xứng đáng và ý nghĩa. Dưới sự hướng dẫn của Thầy tôi, cả đoàn lại có cơ hội ngắm nhìn những tàn tích trụ đá vua A Dục kỷ niệm cho hậu thế và tĩnh tọa tại địa điểm Đức Phật đồng ý cho nữ giới xuất gia. Để hôm nay Ni giới có cơ hội đưa tình thương vào cuộc đời.

Thiền tọa tại Ashoka Pillar (Trụ đá Vua A Dục)

Trao quà cho các em học sinh tại trường Kiều Đàm Di

Các đại diện học sinh  phát biểu tri ân

Hành trình dọc về Bodhgaya, đoàn còn được viếng thăm Hoa thị thành một thời là cố đô nổi tiếng của Vua A Dục, nơi kết tập kinh điển lần thứ ba. Đồng thời, đoàn có cơ hội ghé trường thiền tại Patna và đảnh lễ tháp Xá lợi, một cảm giác tuyệt vời khi được tọa thiền buổi sáng tinh mơ tại đây. Tiếp tục đến các thánh tích Phật giáo quan trọng như Trúc Lâm tịnh xá, nhà tù Vua Bình sa vương, Núi Linh Thứu, … . Mặc dù tại những nơi ấy cũng chỉ còn lại những tàn tích của thời gian, những nền nhà bạc màu kỷ vật nhưng vẫn để lại trong lòng mỗi người những cảm xúc khó tả. Nền hương thất nhỏ xíu chót vót đỉnh linh thứu hay từng khóm trúc được giữ gìn trong khuôn viên Trúc Lâm xưa như đưa sự tĩnh lặng của mỗi người về với thời vàng son của Đức Phật, âm vang của quá khứ như hiện hữu trong từng hạt cát, tàng cây. Mỗi người giữ lại cho riêng mình một cảm xúc đặc biệt rất riêng.

Thiền tọa dưới khuôn viên Trúc Lâm Tịnh xá

Lễ Phật ở Veluvana Vihara (Trúc Lâm Tịnh xá) tại Rajgir (Thành Vương Xá)

Tháp Xá lợi tại Patna

Thiền tọa tại núi Linh Thứu

Hương thất Đức Phật tại núi Linh Thứu

Lễ Phật tại núi Linh Thứu

Tapovana – Khổ Hạnh Lâm

Điểm quan trọng nhất của đoàn là Bodhgaya, nơi cội cây Bồ Tát Sĩ Đạt Ta đã chứng đắc quả vị giác ngộ, trở thành một vị Phật toàn giác – mở ra kỷ nguyên ánh sáng tâm linh. Nơi đây, đoàn lưu trú hơn 4 ngày để tham dự và cúng dường lễ trùng tụng Đại Tạng kinh của các quốc gia trên thế giới, mỗi năm chỉ một lần duy nhất. Hàng chục ngàn người từ khắp các nơi hội tụ về trú xứ linh thiêng này để tu tập. Cả đoàn cũng tất tả những ngày cuối cùng quý giá trên đất Phật để quây quần bên cội Bồ Đề, chọn sự an tĩnh làm phương pháp kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa Đức Phật cách đây hơn 2500 năm với từng trái tim nhỏ bé của hiện tại. Giữa muôn trùng âm thanh rộn ràng tiếng tụng kinh, niệm Phật, trì chú…mỗi mỗi người ít nhiều vẫn tìm thấy bản thân mình được tiếp nhận với riêng Đức Từ Phụ Thích Ca.

Bồ Đề đạo Tràng

Cây Bồ Đề nơi Đức Phật thành Đạo

Rước kinh trong Lễ trùng tụng Tam Tạng Kinh lần thứ 19

Chuyến đi của đoàn vỏn vẹn 12 ngày đêm, nhưng gần như đã khám phá và gói trọn những điều quý giá nhất từ “quê nhà cổ xưa” của ông cha và của chính mình. Từng thánh tích dừng chân là từng khoảnh khắc đọng lại như truyền tải hết thảy quá khứ vào từng hơi thở ra vào của hiện tại. Nhớ lại những khoảnh khắc tọa thiền ngắn ngủi trong tháp xá lợi tại Chùa Srilanka làm mát dịu thân tâm. Vì thế, suốt hành trình, có những giây phút mệt mỏi, có những giây phút hối hả…vô vàn cảm xúc mà mỗi mỗi người trải qua. Nhưng đều quý giá nhất lưu giữ lại trong tâm khảm mỗi người chính là niệm biết ơn. Biết ơn cuộc đời cho chúng ta cơ hội được trọn vẹn thân người, được tu tập chánh pháp, đặc biệt là được một lần tìm về đất Phật để cảm nhận trọn vẹn những gì cố nhân đã để lại và dày công gìn giữ. Và hơn hết là lòng biết ơn bậc ân sư đã giữ lại những vất vả để tạo mọi thắng duyên cho cả đoàn có cuộc trải nghiệm hành hương tu tập tại vùng đất Ấn thân thương. Biết ơn hết thảy mọi nhân duyên để chúng ta hiện diện nơi này. Một hành trình đong đầy yêu thương!!!

Một số chùa tiêu biểu mà Đoàn ghé thăm:

Chùa Viên Giác tại Bodhgaya

Chùa Srilanka tại Bodhgaya

Chùa Nhật tại Bodhgaya