Tây Du Ký: Nguồn gốc của niệm
Trong cuộc sống, tất cả nhân loại đều bị ái dục khống chế. Nó là sợi dây vô hình nhưng trói buộc rất chặt, chúng ta phải biết gốc gác để tháo gỡ hay chặt đứt đi cho tâm được nhẹ nhàng thanh thản, nếu không thì sẽ bị quằn quại khổ đau.
…Mấy thầy trò đi đến một dòng sông, nhờ người lái đò đưa sang bờ bên kia, Đường Tăng khát nước bảo Bát Giới lấy bát múc nước cho uống, Đường Tăng uống lưng bát, còn bao nhiêu thì Bát Giới uống hết phần còn lại… Đi được một đoạn, Đường Tăng và Bát Giới bị đau bụng phải tạm dừng vào quán nước bên đường nghỉ chân để tìm thuốc chữa. Gặp một bà già hỏi ra nguyên do mới biết không phải bị đau bụng bình thường, mà vì uống nhầm phải nước bên bờ sông Tử Mẫu nên bị đau bụng chuyển dạ. Bà liền chỉ về phía Nam có động phá thai, trong động có suối rụng thai, nếu uống nước suối ấy sẽ giải được độc. Nghe vậy Tôn Hành Giả cùng Sa Tăng đến đó lấy nước về cho Đường Tăng và Bát Giới uống mới hết đau bụng…..
Đây cho thấy tại sao uống nước ở bờ sông Tử Mẫu mới bị thế? Vì bờ bên này thuộc ranh giới của nước Tây Lương Nữ Quốc toàn người nữ. Đó là nói lên người nữ luyến ái nhiều và đa cảm, dễ xúc động, mỗi khi bị chạm đến tâm lý là buồn khóc.
Nếu lỡ uống nước dòng sông ái thì chúng ta sẽ bị quằn quại khổ đau, cũng giống như Đường Tăng và Bát Giới uống lầm phải nước bên bờ sông Tử Mẫu ở Tây Lương Nữ Quốc vậy.
Ta thấy tại sao chỉ có Đường Tăng và Bát Giới uống, còn Sa Tăng và Tôn Hành Giả không uống? Vì Bát Giới chỉ cho năm thức ở năm căn bị ý thức xen vào cộng tác dưới hình thức “Ý thức ngũ câu” (như đã nói ở trước). Khi tiếp xúc năm trần bị đắm nhiễm dính mắc rồi đưa vào tàng thức chứa ở đó, gặp duyên nó khơi lại để tiếp tục thành thói quen – nghiệp tập đưa dẫn ta vào vòng ái dục, đành phải nhắm mắt đưa chân chịu khổ. Nếu muốn không còn đau khổ phải trút sạch những nước ái trong lòng ra thì mới hết.
Bởi ái là cái nhân hiện tại để tiếp nối trong vòng sinh tử. Vì có ái nên có chấp thủ; bởi do chấp thủ mới có những cái sở hữu; khi sở hữu bị vuột khỏi tầm tay thì tiếc nuối, hơn nữa chấp thủ bản ngã này rồi tạo ra các nghiệp lành dữ ở đời hiện tại. Do có ái, thủ làm nhân nên phải có (hữu) sanh ra đời sau thọ nhận quả báo tốt hay xấu; do có sinh mới có già rồi chết. Bởi có ái ta mới bảo thủ gìn giữ những gì ta thích thú, say đắm dính mắc, cho những cái đó là của riêng mình, nếu có ai xâm phạm đến liền dùng cách phản kháng để bảo thủ nên chúng ta khổ cũng chỉ vì ngã và ngã sở này. Nếu muốn thoát khỏi vòng lẩn quẩn đó, thì ngay hiện tại phải chặt dứt cái nhân ái, vòng luân hồi mới dừng được.
Ái đây không phải chỉ ái người khác phái mà những gì ta đắm nhiễm dính mắc đều gọi là ái. Xin nói xa một chút.
Có lần tôi được duyên ở thất riêng trong khuôn viên đất trồng thuốc nam, cung cấp cho phòng thuốc giúp bệnh nhân nghèo, cách chùa khoảng hai trăm mét. Cứ vào buổi chiều có một huynh đệ thường hay đi bách bộ xuống vườn thuốc chơi, cùng tôi tâm sự về việc tu học và cách sinh hoạt trong cuộc sống của người hành đạo. Rồi có đôi lần người huynh đệ đó vì bận việc không xuống chơi được, tôi cảm thấy có một cái gì thiếu thốn không giống như mọi khi, lại cứ ngóng trông và nghĩ: “Không biết anh ta bệnh hay có công việc chi mà không thấy xuống chơi”. Tôi tự suy ngẫm, như vậy là mình đã tự cột trói dính mắc vào người bạn dưới một dạng khác của ái tình, mà đây là ái tình bạn người cùng phái đồng chí hướng. Do đó, tôi lại suy ngẫm qua việc thế gian họ ái người khác phái cũng từ việc này, nên họ cảm thấy nhớ nhung khi thiếu vắng đối tượng đã để tâm lưu ý, vì vậy họ cứ trông mong gặp mặt và hẹn hò tâm sự. Thế nên có một nhạc sĩ sáng tác bài ca có câu thế này để diễn tả những người trong cuộc “…Những đêm thức giấc ngỡ ngàng, nghe lòng thương nhớ biết rằng mình yêu…”. Cho nên ái là sợi dây ràng buộc làm cho ta không được an ổn tự do, dù ở hình thức nào cũng thế.
Đến đây nếu nói thật thì dễ mất lòng, nhưng sự thật vẫn là sự thật, chúng ta không thể làm méo mó được, một sự thật hiển nhiên đang dàn trải trước mắt khó mà chối cãi. Hầu như tất cả chúng ta đều đang bị vướng mắc ở trong vòng lẩn quẩn đó mà không biết cách thoát ra.
Như quí trọng chiều chuộng lo cho sắc thân gọi là ái thân; những ý nghĩ, suy tưởng là hư ảo mà chấp làm thật mình là ái tâm; có tình cảm thương yêu với người khác phái gọi là ái tình; quí trọng những vật sở hữu, lo sợ mất mát cố gìn giữ, nếu lỡ hư mất thì hối tiếc buồn khổ gọi là ái vật. Trong kinh Lăng Nghiêm nói ái là những thứ nước trong người do sáu căn cảm thọ với sáu trần mà tiết ra ngoài như: Tâm nhớ nghĩ đến thức ăn ngon thì trong miệng nước miếng (bọt) tiết ra; khi gặp duyên xúc động không tự chủ được nên ở mắt nước chảy ra gọi là nước mắt; ở mũi chảy ra gọi là nước mũi; lúc tâm tưởng việc ân ái ở âm bộ tiết ra gọi là nước dâm…. Tất cả thứ nước đó do niệm dục ái cảm tiết ra ngoài đều gọi chung là nước ái.
Ví như, ta thương một đứa con nào đó, nó đi xa lâu quá không về, mỗi khi có ai nhắc đến nó thì liền nhớ rồi bồn chồn buồn khóc. Hoặc có người nào đó hơi xích mích với mình, họ nặng lời thậm tệ, còn mình nói lý không lại rồi ấm ức buồn khóc v.v… Bởi do dính mắc với ngoại duyên, tâm bị rung động xúc cảm trước sự việc nên nước mắt, nước mũi mới chảy ra là do ái thân hay ái những sở hữu mà có, còn gọi là ái chấp. Cho đến mọi sự việc khác cũng vậy, chung quy không ngoài hai thứ: Ái ngã và ái pháp.
Nói như thế có mâu thuẫn không khi trong kinh Phật có câu: “Phật ái chúng sinh như mẫu ái tử”, nghĩa là Phật thương chúng sinh như mẹ thương con. Phật và các vị Đại Bồ Tát thương chúng sinh là vì thương xót sự mê muội của họ lo sống trong ảo vọng chấp giả làm thật. Thành thử các Ngài mở rộng lòng từ bi mà tự nguyện xuống trần, gần gũi lăn lộn trong dòng đời cùng họ để tùy duyên hóa độ, mong họ thoát khỏi vòng sinh tử được an vui, chớ các Ngài không phải ái như chúng sinh, vì trong lòng các Ngài không còn tự ngã, nên việc làm đó là vị tha. Các Ngài giống như người bơi lội giỏi, thừa sức để cứu giúp những kẻ sắp bị chết chìm, nắm lấy họ lôi vào bờ mà không bị sóng nước dìm mình.
Trước đây tôi có đọc bài thơ, trong đó tác giả nêu lên những khổ đau hệ lụy của tình yêu vị kỷ phát xuất từ lòng luyến ái si mê lầm lạc. Vì thấy nó có ý ở mục này nên xin ghi lại, để những ai đang thương yêu hãy ngẫm nghĩ xem mình đang bị ràng buộc giam hãm bởi tình thương vị kỷ thì hãy mở rộng lòng mà chuyển hóa thành tình thương đại đồng theo tinh thần từ bi bình đẳng.
Mình trót yêu thật tình mình thú tội
Để làm chi, khi biết chẳng có chi
Gạt gẫm lòng theo luyến ái mê si
Bước lầm lạc cũng bắt đầu từ đấy
Mình trót yêu đâu nghĩ là sai quấy
Trái tim thề không gian dối một câu
Mình đam mê ôm ấp buổi xuân đầu
Nhưng lo sợ tạ từ giây phút cuối
Rồi từ đó bước chân mình lầm lũi
Lang thang buồn trơ trọi ngắm trăng hoa
Tình yêu kia rốt cuộc sẽ là gì?
Đường sinh tử mỗi người đi mỗi lối
Với tình yêu thật ra không có tội
Nhưng yêu rồi thêm nặng nợ đeo đai
Giam đời mình và giam cả đời ai!
Tù đau khổ, nghiệp luân hồi muôn kiếp
Tình yêu đó, Ai ơi ! đừng nối tiếp
Yêu chi mà cho đày đọa nhau thêm
Với tình ư? Đâu chỉ ngọt và êm
Còn vị đắng, buộc ràng và hệ lụy
Tình yêu ấy, chỉ bận tâm và rối trí
Là đam mê, là ích kỷ ngu si
Ta hãy yêu thật đúng nghĩa từ bi
Yêu đại chúng và yêu ai cũng thế.
Đa số chúng ta nói thương ai đó là vì mình chớ không phải vì người. Bởi ta thương vì bản ngã này ham thích cảm thọ theo bản năng của nghiệp chứ chẳng phải thương thật sự. Nếu thật lòng thương thì phải biết quên mình làm lợi ích cho tất cả không riêng ở cá nhân nào, khi gặp duyên liền ra tay nâng đỡ cứu giúp theo khả năng hiện có. Đó là một tâm hồn cao thượng, cho nên tình thương đó chan rải trùm khắp không phân biệt thân, sơ, không thấy có giàu, nghèo, thù, bạn, thương, ghét, vì thấy tất cả đều bình đẳng. Thật ra ở thế gian này có tình thương đó được mấy người? Phần nhiều chỉ vì mình là trên hết, do đó ai vừa lòng hợp ý thì yêu thương, còn trái lại thì oán ghét. Hầu như đó là tâm lý chung của nhân loại. Đáng lý chúng ta đừng làm khổ cho nhau và chớ giam hãm mình cùng người vào một khuôn khổ. Thế mà phần đông chúng ta lại vướng vào tình thương yêu ràng buộc, giam hãm và tạo ra vô vàn phiền não hệ lụy cho nhau quá nhiều.
Bởi vì còn chúng sinh là còn ái mà bị ít hay nhiều tùy theo nghiệp cảm của mỗi người, cho nên ta mới thấy có cảm tình với đối tượng ấy và thích gần gũi để trò chuyện tâm sự. Ngẫm lại cũng chẳng có chi lạ, đó là vì có chủng duyên với nhau nhiều đời kiếp nên nay có duyên gặp lại liền sanh cảm mến, rồi mỗi ngày được duyên thân cận, lần hồi thắm đượm mà phát sanh tình cảm, và có thể là không nói đến tuổi tác lớn nhỏ nữa. Hình như phần đông hạng phàm phu tục tử chúng ta đều là như vậy.
Chúng ta cũng giống như ổ bùi nhùi rơm vậy, hễ gần lửa thì dễ cháy, mà gần nước thì dễ thấm ướt ngay, cho nên hãy thận trọng chớ có thương quá và cũng đừng ghét ai cả. Thương thì chẳng được gần, mà ghét cũng đừng có xa mới không bị dính mắc, vì thương hay ghét gì cũng sẽ gặp nhau thôi, nhưng gặp nhau có thiện cảm hay ác cảm là một việc khác. Vì vậy, những việc gì có đến chúng ta đừng vội chống, vội ghét, cũng chớ vội theo, hễ theo là bị ái nhiễm, còn chống hay ghét cũng là một hình thức ái nhiễm ở mặt khác. Chúng ta phải khéo biết, khi gặp mặt nhau là đã có duyên với nhau rồi, nếu lỡ trong sự quan hệ có ác cảm ghét giận thì hãy xả bỏ, và nên chuyển hóa tái tạo lại nhân thiện cảm hòa nhã thì trong cuộc sống sẽ an lành vui vẻ. Đôi khi có người chỉ mới gặp nhau lần đầu mà ta cảm thấy thân thiện, kính mến muốn giúp đỡ lo cho người đó về mọi mặt. Điều ấy không phải là ngẫu nhiên, do họ và ta đã có thiện cảm nhau ở quá khứ, nay đủ duyên hội ngộ nên mới cảm mến như thế. Hay ngược lại, có người chỉ gặp lần đầu mà ta cảm thấy chán ghét oán hờn, là vì ta và họ đã có ác cảm thuở quá khứ, nay duyên đưa đẩy gặp lại mà có những hành động trái ý nghịch lòng không ưa nhau, hoặc trong cuộc sống đôi lúc ta bị người khinh rẻ, nói những xấu dở cũng là việc thường tình. Cho nên tất cả mối tương quan ở đời đều nằm trong định luật nhân quả, chúng ta phải khéo xử sự cho hài hòa, để ngay hiện tại và mai sau được tốt đẹp hơn. Đây là một thực tế, chúng ta hãy suy nghiệm kỹ để khỏi vấp phải sai lầm trong quan hệ hằng ngày.
Ái là sợi dây vô hình có thể trói cột và làm khổ tất cả chúng sinh khó thoát ra được, bởi vì nó bồi bổ nuôi dưỡng cho bản ngã này. Nếu người nào chấp ngã nặng thì ái rất nhiều, cho nên chúng sinh đau khổ là từ ái ngã mà ra. Người biết thức tỉnh dùng trí tuệ sáng suốt thấu rõ bản chất tự ngã đừng chấp chặt nữa thì ái sẽ dần dần dứt.
Cũng như Tôn Hành Giả và Ngộ Tịnh đi lấy nước ở suối rụng thai về cho Đường Tăng và Bát Giới uống thì mới hết đau khổ. Vì Tôn Hành Giả tượng trưng cho ý thức đã chuyển hóa thành trí tuệ sáng suốt không bị mê lầm. Còn Ngộ Tịnh là thức thứ bảy, khi ý thức chuyển thì thức thứ bảy cũng chuyển theo. Nên kinh Lăng Già nói: “Thức thứ sáu cùng thức thứ tám làm nhân và duyên cho nhau, nên thức thứ bảy y theo đó mà khởi, không có tự thể tánh, để chỉ lỗi là ở ý thức. Bởi ý thức góp cảnh giới ngoại trần vọng có phân biệt, dẫn phát tập khí làm tàng thức thêm mê, nên thức thứ bảy đồng thời chung khởi chấp ngã và ngã sở. Rồi từ tàng thức làm nhân hiện ra sáu trần cảnh giới của tự tâm nên thức thứ sáu theo đó phan duyên chấp trước nhóm thất thức tâm, do thức thứ sáu duyên theo cảnh giới tự tâm hiện ra làm gió thổi mà có sinh diệt. Nếu thức thứ sáu diệt thì thức thứ bảy tự dừng”. Thế nên nói Ngộ Tịnh và Tôn Hành Giả không uống nước là ý này. Vì vậy, người hành đạo phải có trí tuệ giữ vững lập trường và có nghị lực ý chí mới vượt qua được những cạm bẫy của ái dục, nếu không sẽ bị chúng trói buộc bởi một phút ham vui. Nên có câu: “Một phút ham vui, cả đời nuối tiếc”. Hay “Một phút lỡ lầm suốt đời khổ hận”.
Cũng như ở hồi 27, Bạch cốt yêu tinh mấy phen hóa ra ba người lương thiện để gạt lòng từ mấy thầy trò, nhưng bị Tôn Hành Giả phát giác nên nó chiến đấu không lại liền hoảng sợ bỏ chạy. Bạch Cốt yêu tinh là nói lên những tâm sở về tình cảm rất khó dứt trừ, do đó khi đọc truyện, ta thấy nó hóa ra người này, kẻ nọ bày mưu bằng tỏ sự cảm tình để gạt mấy thầy trò Đường Tăng, nhưng không thể qua mắt lửa con ngươi vàng của Tôn Hành Giả. Cho nên nếu không có chánh trí (Ngộ Không) thì chẳng dễ gì vượt thoát.
Còn Bát Giới thì bàn ra tán vô với Đường Tăng, cho rằng Tôn Hành Giả là người ác độc hay đánh chết người lương thiện. Đường Tăng vốn dạt dào tình cảm nên nghe lời Bát Giới liền đồng tình phản đối la mắng đuổi Tôn Hành Giả. Bởi Tôn Hành Giả tượng trưng cho trí tuệ sáng suốt thấy đúng lẽ thật bản chất các pháp không lầm lẫn; còn Đường Tăng tượng trưng cho tâm thức chỉ theo bản năng tình cảm. Khi năm giác quan ngoài (Bát Giới) tiếp xúc ngoại cảnh, do có tâm thức chứa sẵn chủng tử thiện ác nên thúc đẩy các giác quan bám chấp hòa nhập theo trần cảnh, vì không có trí tuệ phải bị ngoại cảnh chi phối gạt gẫm. Do vậy đọc truyện ta thấy Đường Tăng hay nghe lời Bát Giới mà luôn mắng đuổi và đọc thần chú “Cẩn cô nhi” hành hạ Tôn Hành Giả là vậy. Nhưng khi không có Tôn Hành Giả trong đoàn thì mấy thầy trò Đường Tăng liền bị nạn, tức là bị các pháp trói buộc. Nếu có Tôn Hành Giả (trí tuệ) hiện hữu thì yêu tinh (các pháp) không làm hại được, nên nói Tôn Hành Giả cứu mấy thầy trò Đường Tăng ra khỏi tay yêu tinh là thế; giống như ở hồi 55 yêu tinh động Tỳ Bà bắt Đường Tăng về động dụ dỗ để giao hoan, Đường Tăng một mực giữ vững ý chí nhưng vẫn bị yêu tinh cưỡng chế, may nhờ Tôn Hành Giả đến kịp cứu thoát nạn. Hay ở hồi 64 cũng vậy. Đường Tăng (tâm thức) do còn chủng tử thi ca nên đã bị nàng tiên do cây thành tinh hóa ra dẫn dụ đến nơi vắng vẻ thi họa qua lại, dần dần yêu tinh giở trò muốn cướp đoạt nguyên dương Đường Tăng, nhưng Đường Tăng liền thức tỉnh giữ lập trường theo sự hành đạo và tâm niệm luôn mong Tôn Hành Giả đến giải cứu. Đường Tăng vừa nghĩ xong, thì Tôn Hành Giả vừa tìm đến gặp thầy mình bị nạn, liền đánh đuổi yêu tinh biến mất.
Cũng vậy, chúng ta phải gan dạ đối diện mọi hoàn cảnh, với từng tâm niệm, dùng trí để hóa giải đừng chạy trốn. Hãy nhìn lại chính mình mà chuyển hóa, chớ ngoại cảnh vốn dĩ như như bất động không có quyến rũ dụ dỗ, do vì chúng ta không có trí tuệ nên mê lầm thiếu tự chủ chỉ sống theo bản năng nghiệp thức mới đồng hóa hòa mình theo ngoại cảnh bị các pháp trói buộc sai sử. Nếu như chúng ta sợ ngoại cảnh rồi tìm cách trốn tránh một nơi nào đó để ẩn thân thì có trốn được chăng? Nếu chúng ta không chịu buông xả những vướng mắc ái chấp thì dù ở đâu cũng bị trần cảnh quấy nhiễu không yên ổn được. Chi bằng hãy đối đầu với thực tại để thấy lẽ thật bản chất của nó mà hóa giải. Muốn vậy thì những gì đã qua hãy để nó qua, ta đừng lôi kéo trở lại (hồi tưởng). Nếu lôi kéo trở lại thì ta hay đem hình bóng đó để đối chiếu với trần cảnh hiện tại, rồi so sánh thêm thắt, phân biệt phải quấy đủ điều chỉ làm ta thêm khổ thôi, mà không chịu thấy biết một cách thản nhiên bình lặng, do đó ta đang sống mà xem như đã chết (sống với quá khứ).
Từ lâu ta nhận định các pháp một cách sai lầm, khi đã thấy nó thật rồi thì dù có trốn tránh ở đâu nó cũng là thật, hay có dụng công tu như thế nào đi nữa mà không thấy lẽ thật bản chất của nó thì vẫn khổ. Nếu dụng công thấy có kết quả thì chỉ trong một thời gian hạn định nào đó do dằn nén, khỏa lấp chớ không thật dứt, nó còn ngầm ẩn để chờ cơ hội đủ duyên sẽ bộc phát trở lại quấy nhiễu. Đạo Phật chỉ cho chúng ta thấy lẽ thật nơi các pháp để không bị dính mắc, chớ không phải chỉ cho ta trốn tránh các pháp. Dù trốn tránh ở nơi nào đi nữa thì các pháp vẫn hiển nhiên như vậy chớ nó không có biến đổi. Có biến đổi chăng là do chúng ta phát huy trí tuệ chuyển cách nhìn mà thấy an lạc hay đau khổ, các pháp không thiên vị cho người này vui, cho người kia khổ, cột trói người này, buông thả người nọ v.v… Có một câu chuyện nói về chối bỏ cảnh ngoài mà dính mắc chấp giữ hình bóng ở tâm như sau:
Ngày xưa, có anh thư sinh mỗi ngày qua đò đi học. Thường ngày là bà cụ đưa hành khách sang sông, nhưng hôm đó vì bận việc cụ bảo con gái út thay thế. Vừa thấy cô, anh đã kinh ngạc trước nhan sắc mỹ miều nên liếc mắt nhìn mãi, cho đến khi đò sang bến mà anh chẳng hề hay biết.
Lúc lên đò, cô gái đến lấy tiền công bảo anh trả gấp đôi. Anh ngạc nhiên hỏi “Sao người khác cô lấy có một đồng, còn tôi lấy tới hai đồng?”. Cô nói: “Vì người ta đi đò thản nhiên bình lặng không nhìn tôi nên tôi lấy họ một đồng, còn anh nhìn tôi thì phải trả thêm một đồng nữa”. Anh nghe mà lòng hơi thẹn, liền trả tiền rồi lặng lẽ lên bờ. Đến lúc trở về, anh sợ cô lấy tiền gấp đôi như lần trước nên chỉ cúi gằm mặt nhìn khoang thuyền, nhưng hình ảnh cô gái dễ thương ấy cứ thấp thoáng ở lòng làm anh tưởng tượng ao ước, mơ mộng viển vông… Khi đến bờ thì cô bảo trả bốn đồng, anh đỏ mặt nói: “Tôi đâu có nhìn cô, sao lại bảo trả bốn đồng?”. Cô mỉm cười trả lời: “Đồng ý anh không nhìn tôi bằng mắt, nhưng anh nhìn tôi bằng tâm, nên lúc nào tôi cũng ở trong lòng anh, vì vậy anh phải trả bốn đồng”. Anh không ngờ cô gái đã biết được tâm tưởng của mình nên chẳng mở miệng được, vội trả tiền đi thẳng lên bờ.
Mẩu chuyện trên rất thâm thúy nói về người đã ái nhiễm trần cảnh. Nếu nhìn trần cảnh một cách bình lặng thản nhiên thì không có gì bận tâm rắc rối, do vì thấy các pháp là thật, tâm vướng mắc mà sanh ra việc này chuyện nọ. Nếu thấy đối tượng là thật rồi thì dù cho ta trốn tránh bằng cách nào đi nữa cũng không làm sao trốn khỏi được, vì nó đã in vào lòng rồi. Để thấy hình bóng cô gái trong đầu anh thư sinh là một hình ảnh biểu trưng cho bóng dáng năm trần in vào tạng thức. Vì vậy tất cả đều do tâm ta máy động mà phát sinh ra mọi chuyện (các pháp), ta chỉ chuyển đổi tâm chớ ngoại cảnh là phần trợ duyên phụ mà thôi. Cho dù ta có thay đổi hoàn cảnh môi trường đi nữa mà tâm ái nhiễm không chịu chuyển hóa thì ở nơi nào cũng bị ái nhiễm. Nếu thay đổi ở mặt hình thức bên ngoài thì không bao giờ hết khổ đau được. Giống như con chim cú, người ta ghét nó vì tiếng kêu nên nó đi đến đâu cũng bị người xua đuổi, chỉ khi nào nó biết đổi tiếng hay không kêu nữa thì dù ở nơi đâu cũng không bị ai ghét đuổi cả.
Lại nữa ở hồi 82-83 cũng nói về việc ái này, xin lược dẫn một đoạn.
…Đường Tăng bị yêu tinh bắt về động ép thành thân, nhờ có Tôn Hành Giả dùng nhiều thủ thuật đến đánh mấy lần và lập kế vào được bụng nó, bắt nó phải trả Đường Tăng mới tha mạng. Yêu tinh đau quá đành phải chịu. Khi đưa Đường Tăng ra khỏi động, Tôn Hành Giả liền hóa phép ra khỏi bụng yêu tinh, yêu tinh nổi giận nên hai bên đánh nhau. Yêu tinh đánh không lại dùng kế lừa Tôn Hành Giả và Ngộ Năng cùng Ngộ Tịnh, hóa chạy đến chỗ Đường Tăng đang nghỉ bắt đem về động. Tôn Hành Giả tìm đến động, vào trong không thấy ai, chỉ thấy hai bài vị mà yêu tinh thờ là Thiên vương và Na Tra, Tôn Hành Giả liền biết là người thân của Thiên vương. Tôn Hành Giả lấy hai bài vị đi thẳng đến Thiên đình kiện, bảo trả Đường Tăng lại… Khi gặp Thiên vương trình hai bài vị, Thiên vương nói không có người con nào ở hạ giới… May nhờ Na Tra còn nhớ chuyện xưa nên nhắc lại Thiên vương có đứa con nuôi do ơn cứu mạng mà nó thọ nhận làm cha. Thiên vương nhớ ra nó là con chuột lông vàng thành tinh. Nên Thiên vương sai Na Tra xuống bắt nó phải trả Đường Tăng lại cho Tôn Hành Giả. Na Tra cùng Tôn Hành Giả xuống động, yêu tinh thấy Na Tra và Tôn Hành Giả liền đầu phục xin tha mạng…
Thiển nghĩ, ở đây ám chỉ cho Thiên ma quấy phá những người đang hành đạo. Vì trong truyện Ngô Thừa Ân dẫn yêu tinh là con nuôi của Thiên vương, nên mới nói nó là Thiên ma. Vả lại, yêu tinh là loài chuột, mà chuột thì ái dục rất mạnh, khi lứa con nó đẻ trước chưa rả bầy thì nó đã sanh lứa con kế tiếp. Cũng vậy, khi ái dục ngự trị ở lòng người ta không sao an ổn được, niệm tưởng chập chùng cứ hết ý này nối tiếp niệm nọ không dứt. Cho nên khi nói về ái dục người viết mới dẫn đề mục là “Nguồn gốc của niệm”. Khi đã có trí tuệ thì niệm ái dục không làm hại được giới thân huệ mạng nên chúng phải chịu hàng phục. Nhưng nếu lơ là sẽ bị chúng gạt gẫm, giống như yêu tinh bị Tôn Hành Giả vào trong bụng làm quằn quại, khi đó mới chịu buông tha cho Đường Tăng, nhưng khi Hành Giả lơ đễnh thì Đường Tăng sẽ bị Yêu tinh bắt tiếp vậy.
Đường Tăng với chí nguyện tu hành hết sức kiên định, dù bị yêu tinh bắt vào động dùng mọi hình thức quyến rũ khuyến dụ cũng không làm Đường Tăng lay động. Trong khi đó Đường Tăng lúc nào cũng trông mong Tôn Hành Giả đến giải cứu.
Cũng như người xưa khéo ngụ ý diễn tả những cảnh trong đêm thành đạo của Đức Phật ngồi dưới cội Bồ đề sau 49 ngày đêm thiền định, đến đêm cuối cùng, lúc sao mai vừa mọc, Ngài hốt nhiên giác ngộ giải thoát không còn bị trói buộc trong vòng luân hồi sanh tử nữa. Đêm cuối cùng ấy tâm trí Ngài sáng suốt an định, hào quang chiếu khắp mười phương rung động cả vạn vật chung quanh và thấu đến cõi Thiên ma, làm cung điện chúng chao đảo chuyển động. Chúng vừa kinh sợ, vừa tức tối khi biết có người sắp thành đạo; người này không còn ở trong vòng kiềm tỏa của chúng, người này sẽ dẫn dắt bao người khác thoát khỏi ách nô lệ của chúng. Chúng tức tốc đem binh tướng xuống đến trước Phật, hóa phép nổi giông gió, sấm chớp, đất lở núi nghiêng mong làm cho Phật động tâm hoảng sợ. Nhưng Đức Phật vẫn tĩnh lặng ngồi thản nhiên như không có việc gì xảy ra. Thấy thế Thiên ma dùng đến oai lực, sai khiến cho binh ma, tướng quỷ nhe nanh cầm gươm giáo, bắn tên phun lửa vào mình Phật, nhưng Phật vẫn bất động an nhiên. Tất cả tên giáo và lửa không đụng đến da thịt Phật mà chúng rơi rớt chung quanh chỗ Ngài ngồi, chúng biến thành những bông hoa như để xông ướp hương thơm cúng dường quanh mình Ngài. Thiên ma thấy thế bèn nghĩ kế dùng danh lợi và nữ sắc để quyến rũ Ngài. Vì danh dễ làm khêu gợi lòng tự ái; lợi dễ gợi lòng tham muốn và sắc đẹp dễ rung động dục vọng luyến ái. Đó là những cái làm lòng người dễ xiêu, dễ động nhất để lay chuyển tâm Phật. Nhưng rồi cũng không làm Phật mảy may động lòng. Thiên ma thấy vậy hoảng sợ, xấu hổ nổi trận cuồng phong chạy về Thiên giới.
Đức Phật luôn điềm tĩnh và hùng dũng trước mọi biến cố, không việc gì làm lay động được tâm Ngài. Ngài đã chiến thắng mà không cần dùng đến binh khí gì cả. Ngài chỉ an định và sáng suốt thấy rõ những ảo cảnh trong tâm và ngoại pháp, Ngài làm chủ tất cả không bị chúng chi phối sai khiến, nên chúng tự xấu hổ rút lui mà trả lại sự trống vắng thanh tịnh thản nhiên nơi Ngài đang ngự trị. Còn ngày nay đối với người hành đạo chân chính, khi tịnh tọa chỉ được đôi chút tỉnh giác thanh tịnh an nhiên, có nghĩa là được giác hạnh từng chút từng chút chớ hiện tại giác hạnh chưa được viên mãn xuyên suốt như Đức Phật.
Ở đây ta phải có cái nhìn rộng và sâu xa hơn một chút, Thiên ma không phải ở đâu xa tít lạ thường mà chính là cái lực lượng của vật chất, của dục vọng tội lỗi, của tối tăm tham, sân, si… hay mọi hoàn cảnh làm mình xao xuyến bất an. Bởi từ lâu chúng ta bị con Ma vương đang ngự trị ở lòng, nếu hơi lơ là thiếu tỉnh giác thì ma bên ngoài mới được dịp quấy rối, lôi cuốn ta vào vòng trói buộc mà phải bị nó sai khiến. Tóm lại là những vọng tâm và cảnh trần khích động khiến cho ta bị chao động nhiễu loạn.
Xem truyện ta thường thấy có rất nhiều yêu tinh lúc nào cũng rình rập muốn tìm bắt Đường Tăng để ăn thịt, là bởi chúng cho rằng ăn được thịt Đường Tăng thì không già, bệnh và sẽ sống thọ. Và chúng cũng cho rằng Đường Tăng tu hành đắc lực như vậy thì cái Nguyên dương của Đường Tăng rất quí báu, nếu đoạt được cái Nguyên dương đó thì nó trở thành trường sanh bất tử và có sức mạnh phi thường không một cường địch nào đối chọi lại nó. Vậy Nguyên dương của Đường Tăng là cái gì mà quí báu đến thế? Ở đây ta phải hiểu rằng, Nguyên dương chẳng phải là thứ vật chất bất tịnh tầm thường như bao nhiêu người lầm tưởng, mà Nguyên dương là sự trinh bạch tinh khiết không bị ngoại duyên cám dỗ làm hoen ố thanh danh (giới tướng thanh tịnh). Còn nói sâu sắc hơn nữa Nguyên chính là nguồn cội. Dương là tính dương thuần tuý sáng suốt hơn hết, như mặt trời tỏa chiếu khắp vạn vật thì mọi u tối đều tan biến, là nguồn gốc phát sinh năng lượng tạo ra sự sống cho muôn sự muôn vật, tức ám chỉ cho Bổn tâm hay Tự tánh sẵn có ở mỗi chúng ta. Bởi vì tâm là nguồn gốc phát sinh ra vạn vật, nhưng do vì vọng chấp những ảo tướng hư ngụy, nhận giả làm thật mà quên lửng. Muốn rõ tâm hãy ngay muôn sự vật mà suốt biết vạn vật không ngoài tâm. Nếu không tâm thì vạn vật (các pháp) từ đâu mà an lập? Cũng như, chẳng có hư không thì các pháp an trú ở chỗ nào đây? Cho nên, chỉ có người hành đạo đắc lực mới có thể rõ ra được cái Nguyên dương này và luôn trưởng dưỡng nó hằng giây phút không chút sao lãng. Còn yêu tinh là ám chỉ những cảnh duyên kích động khiến dục vọng Thất tình, Lục dục… vọng tưởng sinh khởi không ngoài ba độc – Tham, sân, si đã ẩn trú đầy trong A lại da thức (Đường Tăng) làm cho con người thường tình phải đau khổ vì chúng hết đời này sang kiếp nọ luân hồi trong sáu nẻo, và khiến cho những hành giả tu tập phải khốn đốn vì nó cả ngày lẫn đêm (trong mộng mị) khó mà được bình lặng thản nhiên. Cho nên người hành đạo không khéo thì sẽ bị áng mây vô minh che khuất ánh sáng đại quang minh, tức là lúc nào thức tình và ngoại cảnh cũng chực chờ choán chỗ che án Tự tâm Bản tánh. Yêu tinh lúc nào cũng muốn chiếm đoạt cái Nguyên dương của Đường Tăng là ngụ ý Ma vương (trong kinh nói là vọng tâm) lúc nào cũng muốn phá hại người hành đạo để mở rộng bờ cõi của chúng, vì chúng cho rằng, nếu trên đời này có người giác ngộ thì thành trì và thuộc hạ của chúng sẽ tan rã, hoặc qui hướng theo ánh sáng trí tuệ và lòng từ bi của đấng giác ngộ ấy. Vì vậy trong kinh miêu tả, khi có người giác ngộ thì cõi yêu ma rúng động, và chúng sợ hơn hết là sự sống của chúng sẽ bị mai một. Bởi vì người giác ngộ lúc nào cũng mong muốn tất cả nhân sinh đều được giác ngộ, thấy đúng lẽ thật các pháp không còn lầm lẫn để tự tại an nhiên thoát khỏi sự kiềm tỏa của chúng ma, biến cảnh giới chúng thành cõi Tịnh độ thanh thoát an lạc nên chúng hoảng sợ rằng mình không được tồn tại lâu dài. Thành thử xem truyện lúc nào ta cũng thấy yêu tinh luôn luôn nhử mồi giăng bẫy để bắt cho được Đường Tăng, tức là vọng tình và ngoại cảnh luôn chực sẵn hãm hại phá hoại người hành đạo chân chính. Nếu hành đạo lơ mơ không có trí tuệ hiện diện thì sẽ rơi vào cạm bẫy ma, liền mất mình tức thời.
Ở trong đoạn này ta thấy có nhân vật Na Tra xuống trợ giúp Tôn Hành Giả, vậy Na Tra là ai và có ý nghĩa gì? Na Tra là một trong năm vị Thái tử con của Tì Sa Môn Thiên Vương, là vị Thiên thần hộ trì Phật pháp, tay cầm kích quan sát khắp nơi, ngày đêm bảo hộ Tứ chúng đệ tử Phật tu hành chân chinh và các Quốc vương, Đại thần công minh liêm chính. Nếu có ai khởi tâm bất thiện sát hại những vị vừa kể trên thì Na Tra dùng kích kim cương đánh hoặc đâm vào tim. Vả lại, trong thiền tông có công án “Na Tra tích cốt hoàn phụ” (Na Tra chẻ xương trả cho cha). Công án này nói về cơ duyên vấn đáp giữa thiền sư Đầu Tử Đại Đồng và một vị tăng như sau:
Hỏi: “Na Tra chẻ xương trả cho cha, lóc thịt trả lại cho mẹ, thế nào là thân bản lai của Na Tra?”
Sư liền buông cây phất tử xuống đất.
Theo công án này thì Na Tra là ám chỉ cho Bản Lai Diện Mục, tức Tâm Phật sẵn có ở mỗi người. Thiền sư Đại Đồng buông cây phất tử xuống là ý nói buông tất cả mọi ái chấp không còn bám víu vào một đối tượng nào dù đó là pháp tu và sở chứng thì mới có thể rõ ra tâm Phật chính mình.
Khi trí tuệ đã phát sinh mới thấy lẽ thật gốc gác của niệm là ái. Từ cái ái thân, ái tâm và ái những cái sở hữu mới có niệm. Có thể nói ái là đầu mối sanh ra niệm, mà niệm còn thì đưa đến sinh tử luân hồi. Thế thì niệm với ái thường làm nhân làm duyên cho nhau. Nhưng nếu tâm không còn chao động thì dù có tiếp duyên với ngoại cảnh lòng vẫn an nhiên tự tại không bị trói buộc dính mắc, nên dục vọng không tác khởi.
Chính niệm ái dục này đã làm cho ta sinh tử không biết bao nhiêu lần, cho nên người hành đạo dù tu pháp môn nào đi chăng nữa mà không đoạn cái nhân ái thì sẽ bị trôi lăn không cùng, chẳng đến được nơi an lạc giải thoát. Đây xin đi xa một chút để nói khi công phu hành đạo phải biết tâm ái này.
Như có người hành pháp môn niệm Phật, nếu trong tâm chưa đoạn được ái thì dù có chân chánh niệm Phật cũng không được Phật tiếp đón, vì chẳng biết ái là chủ tể của sinh tử thì niệm Phật đó chẳng có rốt ráo. Nếu người trước lúc lâm chung có niệm Phật mà trước mắt không kiềm chế được những ái cảnh để xả bỏ thân tâm thì không thể nào tự chủ nhớ câu danh hiệu Phật để niệm. Vì thế cổ nhân có nói: “Nghiệp bất trọng bất sanh Ta bà. Ái bất đoạn bất sanh Tịnh độ”. Nghĩa là nghiệp chẳng nặng chẳng sanh Ta bà. Ái chẳng đoạn chẳng sanh Tịnh độ. Nếu không biết cội gốc của ái để dứt trừ thì dù có niệm Phật chỉ là niệm Phật ngoài da (chỉ có hình thức), cuối cùng không biết có được vãng sanh chăng? Điều này hãy hỏi lại chính mình thì rõ hơn. Nên người xưa nói: “Nếu xưng danh hiệu Phật cầu vãng sanh Tịnh độ mà không trì tịnh giới, phiền não không đoạn trừ, tâm địa còn cấu uế thì Phật bảo người này mãi chẳng thành tựu”. Vì vậy, muốn ứng dụng phương pháp trì danh hiệu Phật thì cần phải có những yếu tố như: Tín, Hạnh, Nguyện.
Tín là tin chắc. Tín ở đây có hai mặt. Một là tín tự. Hai là tín tha. Đây nói về tín tha. Nghĩa là tin có cõi Phật A Di Đà và tin khi mình niệm Phật được nhất tâm thì sau khi chết sẽ có Phật A Di Đà đến rước về cõi Tây phương Cực lạc.
Đọc kinh A Di Đà ta thấy Đức Phật Thích Ca diễn tả cõi Cực lạc đầy đủ tất cả những cảnh sung sướng, và cõi Ta bà này quá uế trược đầy mọi khổ đau, rồi mới dạy phương pháp hành trì. Tuy không biết cõi Cực lạc có hay không nhưng chúng ta tin rằng Đức Phật Thích Ca không dối gạt. Phải có niềm tin vững chắc như vậy gọi là TÍN. Rồi y cứ theo lời dạy của Ngài trong kinh mà chuyên tâm trì niệm ngày đêm không trì trệ, gọi là hành trì hay gọi là HẠNH. Khi đối duyên xúc cảnh nhơ nhớp, khổ đau ở cõi này mà nguyện hồi bỏ, không ái nhiễm dính mắc, lại nguyện hướng về bên cõi thanh tịnh Cực lạc kia, đây gọi là NGUYỆN. Cho nên hành phương pháp niệm Phật phải lấy niềm tin ở lời Phật nói trong kinh, rồi khởi tâm ưa thích cõi Cực lạc để chán cõi Ta bà uế trược này mà phát nguyện hồi bỏ, kế tiếp nguyện hướng về cõi Cực lạc làm đầu thì hành trì câu danh hiệu Phật A Di Đà mới đạt kết quả. Vì sao? Vì trong kinh Di Đà trước hết Đức Phật diễn tả cảnh trang nghiêm, đẹp đẽ ở cõi Cực lạc như cây cảnh toàn là bảy báu, có mưa hoa, tiếng chim hót, suối chảy v.v… đều thành tiếng nói pháp hết. Và chủ cõi Cực lạc là Phật A Di Đà có vô lượng hào quang, có tuổi thọ không thể nghĩ lường và công đức không thể so sánh. Ngài đang vì tất cả chúng cõi ấy giáo hóa. Dân chúng ở cõi đó toàn là hàng Thanh Văn và các bậc Bồ Tát đang tu hành không lui sụt, toàn là những hạng người lành cao thượng cả. Bởi lẽ chúng sinh ở cõi này còn đầy lòng tham, khi nghe trong kinh Phật nói như thế thì rất mong muốn, ưa thích được sanh về cõi đó, vì nó trang nghiêm đẹp đẽ quá, toàn là của báu đầy dẫy, được tuổi thọ sống lâu và gần thầy thánh bạn hiền. Đây gọi là phương tiện dẫn dắt, gọi là dùng tình cảm để dẹp tình cảm, hay gọi là lấy gai lể gai, hoặc nói dùng một niệm đánh tan những vọng niệm để tâm được an định.
Còn ở cõi Ta bà này nhơ nhớp xấu xa từ thân, tâm cho đến ngoại cảnh. Thân thì nhơ bẩn hôi hám do thập khiếu thải ra, nên mỗi ngày phải tắm rửa vệ sinh thay đổi áo quần luôn, đôi khi còn phải tô điểm phấn son, ướp nước hoa để át đi những hơi hôi hám do chất bất tịnh bên trong thải ra nữa.
Về phần tâm thì tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, cống cao đủ thứ hết. Ngoại cảnh thì đất đai gò nổng, trũng thấp, sình lầy, khi lạnh khi nóng, thời tiết bất thường làm con người phải đối phó với thiên nhiên để được cuộc sống ổn định thật là khó khăn và khổ sở v.v… Nói sơ bao nhiêu đó thì tất cả chúng ta ai cũng cảm nhận được điều này rồi. Vì vậy Đức Phật nói ở cõi này là Ngũ Trược Ác Thế. Tức là năm cái nhơ nhớp ở thế gian như: Kiếp trược, Kiến trược, Chúng sinh trược, Phiền não trược, Mạn trược.
– Kiếp trược: Là kiếp sống con người ở cõi Ta bà không trong sạch, từ hoàn cảnh đến môi trường. Vì vậy đi đến đâu ta cũng thấy sình lầy, rác rưởi, nước bẩn, bụi đất, mùi hôi thúi v.v…
– Kiến trược: Là cái thấy lệch lạc không trong sạch, tức thấy không đúng sự thật. Như các pháp có là do nhân duyên hội đủ các yếu tố thành huyễn có, duyên ly tán thì nó huyễn không. Chúng ta chẳng thấy đúng lẽ thật như vậy, lại cố chấp cho là thật có rồi bảo thủ. Ví như chấp thân và tâm suy nghĩ loạn động cho là mình v.v… đại lược không ngoài năm cái (thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến).
– Chúng sinh trược: Là chỉ cho thân tâm mỗi chúng sinh không trong sạch. Về sắc thân thì do đất, nước, lửa, gió hòa hợp kết thành và nhờ sự bồi bổ của đất nước gió lửa bên ngoài (thức ăn, nước uống, không khí, hơi ấm) mới có sự sống, nên nó là một thứ nhờ vay mượn mới còn, nếu không thì sẽ tan hoại. Còn phần tâm thì tất cả những suy nghĩ tính toán cũng do hội đủ các yếu tố mới có, như căn có tiếp xúc cảnh thức máy động mà sanh ra tâm suy nghĩ, tưởng tượng, cho nên có danh từ gọi là vọng động hay vọng tưởng, vọng niệm. Do đó thân và tâm đều bị vẩn đục vì không được an định và trong sạch.
– Phiền não trược: Là những hờn giận, phiền muộn, mọi niệm tưởng không trong sạch. Vì tất cả cuộc sống ở thế gian đều không được như ý mình muốn từ thân tâm đến hoàn cảnh, cho nên dễ sanh ra phiền não. Ví như ngay thân này ta muốn khỏe mạnh mà nó cứ đau ốm hoài…. còn tâm thì thích vui vẻ hạnh phúc an lạc mà nó cứ buồn phiền, trái ý nghịch lòng, lo lắng, sợ hãi… Còn hoàn cảnh thì không như mong muốn, như ta muốn nắng thì lại mưa, muốn yên tịnh lại bị ồn ào hay ngược lại v.v… Do vậy mà dễ làm cho ta sanh phiền não.
– Mạng trược: Là mạng sống không trong sạch. Vì mạng sống quá ngắn ngủi, chỉ có một hơi thở ra không hít lại, hay hít vào mà không thở ra là mạng sống dứt đoạn. Nên nói không trong sạch vì quá ngắn ngủi.
Đọc kinh Di Đà chúng ta mới thấy Đức Phật khéo dùng phương tiện để cho chúng sinh nhận định trước mà chọn hướng đi. Trước hết phải có tâm chán bỏ cõi Ta bà mà hướng về cõi Cực lạc. Vì Đức Phật Thích Ca biết chúng sinh ở cõi này còn đầy dẫy những tham vọng, sân, si, nên bày phương tiện để dẫn dụ chúng sinh hướng đến chỗ mà chúng hằng mơ ước như cõi Cực lạc vậy.
Bởi có tâm ưa thích say mê cảnh giới đẹp đẽ, an lạc như trong kinh diễn tả chúng ta mới chán ngán những cái xấu xa, nhơ nhớp ở cõi Ta bà để cho tâm lăng xăng ái nhiễm không còn ham đắm chạy theo dục lạc thế gian tạm bợ giả dối nữa. Rồi từ từ ta sẽ lạnh nhạt mọi cái giả tạm trần thế, thì chừng đó ứng dụng hành theo phương pháp trì danh hiệu Phật mới có kết quả. Vì có tâm chán là hồi bỏ, tâm ưa thích là hướng đến. Đó là tâm niệm chung của đa số chúng sinh.
Khi chúng ta gặp những chướng ngại từ môi trường ngoại cảnh hay ở nội tâm làm phiền não đau khổ liền nghĩ cõi Ta bà không như ý mình, còn ở cõi Cực lạc thì thanh tịnh an vui không ai quấy rầy nhiễu loạn, nên mong muốn sanh về đó mới mãn nguyện. Vì vậy gọi là hồi phiền não đau khổ mà hướng nơi Cực lạc. Hay ngẫm nghĩ ở cõi này mạng người quá ngắn ngủi không lâu dài, còn ở cõi Cực lạc thọ mạng đến vô lượng, nên liền hồi yểu mạng mà hướng về Cực lạc để được tuổi thọ vô lượng. Hoặc ở cõi Ta bà vì sinh kế vất vả nhọc nhằn kiếm ăn mệt mỏi, mặc thì chẳng lành hay không đẹp vừa ý, còn cõi Cực lạc muốn gì được nấy khỏi bận tâm lo lắng làm lụng, nên nguyện sanh về đó để được như ý. Gọi là hồi khổ sở mà hướng an vui. Khi có tâm ưa, chán và hồi hướng rồi thì bắt đầu trì niệm câu danh hiệu Phật A Di Đà luôn miên mật không gián đoạn, từ một ngày cho đến bảy ngày tâm không còn luyến ái, loạn động nữa, chỉ có câu danh hiệu Phật ở tâm gọi là nhất niệm, thì sẽ được sanh về cõi Cực lạc làm chúng bạn với các Thánh hiền bên đó. Đây gọi là Sự niệm Phật.
Nhưng khi niệm Phật đến chỗ không thấy có mình là người niệm, không thấy có câu danh hiệu Phật để niệm, không còn tất cả tâm ưa, chán hay nguyện hướng v.v… nghĩa là không còn một mống niệm nào thì lúc đó Tâm chân thật sáng suốt an định hiện bày, nên có danh từ gọi là Nhất Tâm Chân Như. Thành thử niệm Phật đến chỗ không còn niệm gọi là thấy (tạm gọi) Tự tánh Bổn tâm. Rõ Bổn tâm thì cõi Tịnh độ ngay trước mắt, tức thấy Phật Di Đà, nên có câu “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ”. Đây gọi là “Tín tự”.
Bởi Bổn tâm luôn hằng giác sáng suốt nên nói là vô lượng quang, Tự tánh Bổn tâm hằng thanh tịnh chưa từng bị sanh diệt mà nói là vô lượng thọ, vì tất cả mọi vọng tưởng luyến ái đắm nhiễm được vắng lặng, chỉ còn tâm an định sáng suốt nên kinh nói: “Tâm tịnh thì Phật độ tịnh”. Gọi là lý niệm Phật. Thành thử trong kinh Di Đà nói: “….Không thể nào lấy chút ít thiện căn, phước đức nhân duyên mà được sanh về bên cõi Cực lạc…” là ý này vậy.
Dù cho chúng ta ứng dụng phương pháp tu nào cũng thế, nếu tâm ái chấp vọng động không dừng lặng thì không thể nào nhận ra thể tánh sáng suốt an định nơi chính ta. Mà thể tánh đó có vô lượng quang, có vô lượng thọ và vô lượng công đức giống như Phật A Di Đà chẳng khác.
Là hành giả đang hạ thủ công phu, nếu có những niệm ái khởi hiện hãy dùng trí tuệ sáng suốt nhìn tận gốc xem chúng từ đâu phát khởi. Khi nhìn lại thấy nó không đầu mối nguồn cội thì ngay đó niệm ái liền tan biến trở về lặng lẽ.
Bởi thế trong thiền môn nói, khi nào hết niệm mới dứt sanh tử, còn niệm là còn sanh. Nếu niệm thiện thì sanh lên cõi trời hoặc trở lại làm người được toàn điều tốt lành. Còn có niệm ác thì theo hành nghiệp bị đọa lạc không thể cưỡng được. Vì thế trong kinh Di Đà nói niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn, tức là không còn một niệm mới được về nơi cõi Phật. Cõi Phật đó là do tự tâm vắng lặng, nên người xưa nói: “Nếu muốn tịnh cõi Phật thì phải thanh tịnh tự tâm”. Cũng vậy, muốn không còn trở lại sanh tử thì phải chặt dứt ngay niệm ái vừa mống khởi, đừng để chúng lôi cuốn, tâm mới không loạn. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Dù cho có được nhiều trí tuệ hiện tiền đi nữa mà tâm ái không đoạn trừ hẳn rơi vào đường ma. Nếu người không dứt tâm ái mà tu thiền định thì như nấu cát muốn thành cơm không thể nào được vậy”.
Thế nên, phải có trí tuệ sáng suốt để thấy lẽ thật ái dục và tự chủ trước ngoại cảnh, đừng vì một chút cảm thọ cho bản ngã mà bị nó trói buộc. Bởi vì ái là đầu mối dẫn thân này thọ sanh tiếp nối. Tuy đã giác ngộ theo chánh đạo, nhưng niệm ái còn tàng ẩn trong tạng thức, nếu không có trí tuệ tự chủ nhận định lúc chúng hiện khởi thì sẽ bị nó dẫn đi, tâm không an định và lại có thể lạc vào tà đạo.
(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).
Đại đức Thích Tỉnh Thiền