Học theo hạnh của Bồ Tát Thường Bất Khinh

Làm thế nào để khi đối diện với một người đầy tính xấu hoặc không coi trọng ta, mà ta vẫn có thể thấy họ đẹp như một vị Phật được?

Trước tiên, ta cần hiểu đúng về Phật. Phật không phải là một vị thần linh, đấng tạo hóa hay một năng lực siêu nhiên. Phật, tiếng Phạn là Buddha, trong Phật giáo có nghĩa là bậc giác ngộ, bậc tỉnh thức.

Bởi vậy, con đường của Đức Phật đã đi qua và trao truyền lại cho Phật tử và cho cuộc đời cũng không phải là tôn giáo hay thờ cúng, mà là con đường hướng tới trí tuệ giác ngộ, con đường của sự tỉnh thức, thoát khỏi mê mờ, vô minh để có thể luôn an trú được trong tánh Phật – là nguồn nhận biết thanh tịnh, sáng ngời.

Khi đã hiểu rõ khái niệm về Phật như vậy, ta hoàn toàn có niềm tin, rằng trong mỗi chúng ta, ai cũng có tánh Phật và ai cũng có cơ hội trở thành một vị Phật. Chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng từng khẳng định: “Ta là Phật đã thành, còn các con là Phật sẽ thành”.

Trong các vị Bồ Tát hóa hiện để giáo hóa chúng sinh, có hình ảnh một vị tên là Bồ Tát Thường Bất Khinh, gặp ai Ngài cũng xá chào cung kính nói: “Tôi không bao giờ dám khinh thường các vị, vì tất cả các vị chắc chắn sẽ thành Phật”.

Người đời hay ngay cả chính chúng ta nghe vậy có lẽ sẽ thấy khó hiểu. Làm thế nào để khi đối diện với một người đầy tính xấu hoặc không coi trọng ta, mà ta vẫn có thể thấy họ đẹp như một vị Phật được? Dù ta có cố tìm những điểm tốt đẹp của họ, thì thi thoảng khi gặp họ, ta vẫn khởi lên và bị chạy theo những ý niệm, cảm xúc, năng lượng không dễ chịu của ta về họ. Rồi đôi khi, vì không còn lý giải được nữa, ta lại để tâm trí đoán mò về những duyên nợ nhiều đời kiếp của ta với họ nhằm tìm kiếm cách hóa giải hoặc miễn cưỡng chấp nhận hoàn cảnh mâu thuẫn đó.

Ở đời, ta vẫn thường nghe nói “Một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu” và khi càng cọ xát, càng trải nghiệm sâu sắc nơi cuộc đời, ta càng thấy rõ ta nên học cách cúi mình, khiêm cung để đời sống của ta có thể thuận lợi hơn.

Nhưng trong những đối đãi hàng ngày đó, ngay cả khi luôn ý thức nhún nhường, khiêm hạ, thì trong ta vẫn tồn tại một bản ngã rất vi tế: ta tự hạ mình xuống nhưng lại ngầm mong được người khác nâng mình lên; ta kính trọng người để người cũng kính trọng mình; ta mong chờ “một điều nhịn là chín điều lành”, ta khiêm tốn để cuộc đời ta được yên ổn, ta không gây sự chú ý để không ai động chạm tới ta… Những điều nhỏ nhiệm này ta phải cần rất thẳng thắn và chân thật với chính mình, ta mới có cơ hội thấy ra được.

Học hỏi đức khiêm cung, dù bằng cách nào cũng luôn đáng quý. Nhưng nếu ta vẫn đứng ở vị trí đối đãi mà hành trì, thì sự khiêm cung đó chưa thể rốt ráo và con đường tu tập vẫn còn lòng vòng, nhiều chướng ngại.

Khiêm cung mới tiến đạo

Học theo hạnh của Bồ Tát Thường Bất Khinh, quay về “nơi” vị Phật trong ta và tiếp tục sống sâu sắc hơn nơi đó.

Sở dĩ Bồ Tát Thường Bất Khinh luôn kính trọng tất cả những người Ngài gặp như vậy, vì Ngài luôn đứng ở vị trí của tánh giác mà tương tác với cuộc đời. Chỉ khi ta thấy và thực sống được sâu sắc với vị Phật trong ta, ta mới thấu suốt được vị Phật trong người.

Đứng ở vị trí của Phật, ta mới thấy được Phật. Còn khi ta đứng ở vị trí của tâm trí, ta sẽ chỉ thấy tâm trí.

Ở vị trí của bản ngã, ta sẽ thấy chính thói quen sâu dày của ta mới là cái luôn trực diện cọ xát với thói quen của người. Có sự đối chọi đó, đôi khi là do ta thấy người khác ta, đôi khi lại vì ta và người sâu thẳm quá giống nhau, nhưng ta chưa bao dung được với những thói quen còn hạn chế đó trong mình, nên khi hình ảnh của ta phản chiếu nơi người, ta cũng thấy không ưa.

Việc tự đóng khung mình vào những khuôn mẫu cũng là điều hạn chế việc hành hạnh khiêm cung nơi ta. Cụ thể hơn, nếu như ta luôn giữ mình ở vị trí của cha mẹ thì ta sẽ khó tôn trọng ý kiến của con cái. Cũng như vậy, người sếp sẽ khó mà chịu cúi mình trước nhân viên, người luôn nghĩ mình cao cả sẽ khó kính quý những người hay lầm lỗi, người tài giỏi lại khó học hỏi từ những người yếu kém hơn mình, người giàu thì thấy khó tôn trọng kẻ nghèo…

Còn khi ta thực sống được với tánh Phật, với ánh sáng nhận biết vô hình tướng, ta sẽ thấy mình không là gì. Vì không là gì nên đâu có gì để đối chọi với ai khác.

Vì không là gì nên ta lại có thể là tất cả. Mà vì là tất cả nên ta thấy ai cũng là mình. Bởi vậy tâm phân biệt không còn. Thay vào đó, chỉ còn một sự cảm thông và tình thương mà không có cảm xúc hay ngôn từ nào có thể diễn tả được.

Đó là khi tương tác với người, dù bất kể người có nói gì, đối chọi ra sao, phản ứng bất mãn thế nào với ta, ta cũng vẫn tôn trọng họ – một cách hoàn toàn tự nhiên. Vì tâm ta là một khoảng không gian đủ rộng lớn, nên ta đủ sáng suốt để tự ứng ra những phản xạ, tương tác vừa vặn và phù hợp nhất với đối phương và hoàn cảnh lúc đó.

Trong quá trình tu tập, nếu ta đã dành rất nhiều thời gian để quan sát tập khí xấu của ta đang đối chọi người, với mong muốn cải thiện, nhưng ta vẫn còn phiền não, thì ta nhớ, luôn có một cách triệt để hơn.

Đó là ta học theo hạnh của Bồ Tát Thường Bất Khinh, quay về “nơi” vị Phật trong ta và tiếp tục sống sâu sắc hơn nơi đó. Khi đủ chín muồi, ta sẽ thấy vị Phật trong người cũng đang bừng sáng ngời.

Sư cô Tịnh Viên