Làm sao để nhận biết đó là bậc giác ngộ?
Thưa Thầy, Thầy nói tu học tốt nhất là được học từ bậc Giác Ngộ, vậy làm sao chúng con biết vị ấy là bậc Giác Ngộ để mà theo học ạ?
Trả lời:
Người nào nói đúng sự thật thì gọi là bậc Giác Ngộ thôi. Mình cứ tưởng giác ngộ là cái gì ghê gớm lắm, phải “ùm” một cái thật ghê gớm mới là giác ngộ (cười…)
Không phải như vậy, giác ngộ là thấy sự thật thôi. Ai thấy ra sự thật và nói ra sự thật ấy với mọi người thì gọi là người Giác ngộ. Còn nói nhiều chuyện cao siêu mầu nhiệm mà toàn là ảo tưởng không thực chút nào thì chưa phải là bậc giác ngộ. Đơn giản chỉ vậy thôi.
Cho nên Thầy ít dùng từ “giác ngộ”, mà dùng từ “thấy ra sự thật”. Và những điều Thầy nói, Thầy dạy đều là những gì Thầy thật sự thấy ra. Điều gì Thầy chưa thấy thực thì Thầy không dám nói.
Đó là lý do vì sao Thầy không giảng kinh. Các kinh ghi lại cái thấy của Đức Phật mà cái thấy của Ngài rộng bao la, mà là cái thấy từ 2,500 năm trước. Giờ đang thời đại 4.0 thì mình cần thấy cái thực của thời đại 4.0 chứ. Hai ngàn năm trăm năm trước Đức Phật đã thấy ra sự thật trong thời kỳ Ngài đang sống, giờ mình cần thấy ra sự thật trong thời đại mình đang sống mà giác ngộ.
Giác ngộ không phải là điều gì ghê gớm, ví như mình nhìn không kỹ thấy sợi dây lại tưởng là con rắn nên lo lắng sợ hãi đủ thứ. Giờ mình mới nhìn kỹ lại thấy ra đó là sợi dây chứ không phải con rắn, đó chính là giác ngộ chứ gì nữa.
Giác ngộ là thấy ra sự thật đó chỉ là sợi dây
Giải thoát là thoát ra khỏi ảo tưởng “con rắn”, nên đồng thời thoát khỏi mọi lo lắng sợ hãi do chính ảo tưởng ấy gây ra.
Giác ngộ và giải thoát là như vậy thôi. Rốt ráo nhất của sự giác ngộ chỉ là thấy rõ trong mọi hành động thân-khẩu-ý cái gì đưa đến phiền não khổ đau, cái gì chấm dứt phiền não khổ đau. Giác ngộ chỉ là vậy, Đức Phật đã tuyên bố như vậy mà:
“Như Lai tuyên bố với Chư Thiên, Phạm Thiên và loài người rằng Như Lai đã giác ngộ Chánh Đẳng Giác, thấy ra Tứ Thánh Đế, tức thấy rõ nhận thức và hành vi nào mang đến phiền não khổ đau là Tập Đế & Khổ Đế, nhận thức và thành vi nào không gây ra phiền não khổ đau là Đạo Đế & Diệt Đế.”
Cốt lõi rốt ráo của của việc tu học Đạo Phật chỉ chừng đó thôi!
Giờ đây người đời sau thêm vào phải như thế này, phải như thế kia, trong khi nguyên lý tu học là thoát được cái nào là tốt cái đó, chứ không phải lại đặt ra thêm điều gì. Như vậy là đang làm “khô chết” những gì Đức Phật dạy, đóng khung giáo pháp của Ngài và hệ tư tưởng của đời sau, trong khi những gì Đức Phật dạy là chỉ thẳng vào sự thật…
Nguồn: ghi chép từ khóa thiền 21 tại Tổ đình Bửu Long năm 2021
Thầy Viên Minh