Tuổi thơ đi hái măng rừng

Ngày nay nếu nhìn dòng Tha La đổ từ thượng nguồn nước bạn Campuchia về hướng Lòng Hồ thì chỉ thấy một màu nước bạc mênh mông như dòng sữa của bà mẹ đất. Nhưng xưa kia, hai bên bờ suối này là rừng rậm, tre gai mọc rất nhiều không kể xiết, rừng tre gai đan thành một thảm thực vật xanh đến ngút ngàn.

Đi học về, ăn vội ba miếng cơm hay khoai mì luộc gì đó là chuẩn bị khăn gói lên đường. Thằng Quý sau nhà gọi inh ỏi. Nhà nó có đôi trâu, sáng ba nó đi cày, chiều nó có nhiệm vụ thả xuống suối cho ăn cỏ. Quý da đen như cục than hầm nên tôi gọi nó là Quý mun, nhưng nó rất thương bạn. Ngày nào cũng vậy, nó rủ tôi cùng nó đi chăn trâu và bẻ măng tre.

Mới đầu tôi rất sợ trâu, không dám lại gần, nhưng Quý nó tập cho tôi từ từ. Thằng bạn này hay lắm, nó cưỡi con trâu dữ, nó chỉ cần vỗ vỗ vào đầu là con trâu tự quỳ chân trước xuống, nó bước lên giữa hai sừng rồi nhảy tót lên lưng trâu gọn như một tay làm xiếc vậy. Còn tôi phải leo từ nhượng chân sau con trâu hiền, nắm đuôi rồi khó khăn lắm mới leo lên được lưng. Ấy vậy từ từ rồi cũng thành thạo. Mới đầu ngồi trên lưng trâu da nó trơn trơn sợ té, nhưng dần quen rồi thì cũng như ngồi trên ghế.

Ngày nào tôi và Quý cũng vác theo một cái bồng, một cái liềm có cán dài và chục cần câu cắm. Cưỡi trâu đến bờ suối, thằng Quý không hề cột trâu, mà nó nói cái gì đó vào tai hai con trâu rồi thả cho đi ăn lang thang, nhưng chiều là tự động về lại chỗ cũ để chủ nó cưỡi về. Thật là tài, tôi thường hay chọc thằng Quý: “Mày thành mục đồng ba đời hồi nào vậy Quý? Mày nói trâu nghe là thành mục đồng rồi đó, mà thằng nào đắc quả mục đồng cũng khùng khùng hết nghen. Thế là thằng Quý cười nắc nẻ vô tư…

Hồi ấy suối Tha La nhiều cá lắm, tôi và Quý xua các đám cỏ bắt vài chục con cào cào nhỏ làm mồi cắm câu. Chiều nhổ câu về thế nào cũng được một mớ cá, chia nhau về kho ăn cơm. Cắm câu xong, hai chúng tôi bắt đầu đi bẻ măng. Nói thì nghe dễ, chứ lấy được măng tre gai không hề dễ đâu. Bụi tre gai nào cũng phủ đầy nhánh gai, đầu tiên phải dùng liềm cắt thành một cái lỗ để chui vô tận gốc, rồi mới dùng liềm cắt măng.

Măng tre gai cơ bản có hai loại là măng ống và măng nanh. Măng ống rất to và chui thẳng lên từ lòng đất, khoác chiếc áo lông nhung nâu nhìn rất đẹp. Còn măng nanh là xỉa ra từ phần thân gốc tre, nhìn y chang như một cái răng nanh heo màu xanh vậy. Bẻ măng nanh thì rất dễ vì nó thường mọc ở ngoài rìa, còn măng ống thường mọc giữa bụi tre, có khi không đưa liềm vào cắt được, mà phải leo lên thân tre rồi chui vào giữa bụi mới lấy được nó, rất cực. Nhưng đi lấy măng tre không sợ cực mà sợ bị gai đâm, gai quào. Gai tre gai rất độc, bị nó đâm vào chân rất đau nhức.

Vấn đề này nghe ông bà xưa kể lại câu chuyện rất thú vị: “Ngày xưa ở vùng đất nọ có một vị sư từ nơi xa đến, dựng chùa tu hành phụng sự Phật pháp. Chùa dựng trên một giồng đất cao ráo, có rất nhiều tre trúc mọc quanh. Ngày đêm nhà sư tụng kinh gõ mõ. Giáo lý nhiệm mầu đã thu phục được cả các loài vật, trong đó có rắn. Những con hổ mây to cỡ khạp da bò, hổ đất nhỏ cỡ cườm tay, thân mình đen màu của đất, rắn lục toàn một màu xanh lá cây, đến chùa tu.

Rồi một ngày kia, giữa các loài rắn đã xảy ra chuyện. Rắn hổ đất tranh ăn với rắn lục, chúng phùng mang, trợn mắt làm náo loạn cả vùng. Chẳng những muông thú mà đến con người cũng bị đe dọa, vạ lây. Nhà sư trụ trì tay nâng tràng hạt mà bảo rằng: Đây là nơi từ bỏ dục vọng. Tránh sát sanh, tại sao các ngươi núp bóng áo nâu sồng lại còn phạm giới. Nói xong, nhà sư dùng trượng đuổi chúng khỏi chùa.

Rắn hổ đất biết lỗi bò ra bụi tre gần đấy khạc bỏ nọc độc rồi trườn xuống nước, biến thành loài rắn hiền lành, mà dân gian gọi là rắn nước. Rắn lục cũng ra bụi tre nhưng chỉ sống quanh quẩn trên nhánh, trên đọt, nhất quyết không xuống đất, bởi ở đấy đã có rắn hổ rồi. Riêng bụi tre, từ khi xảy ra chuyện ấy, gai nó dường như nhọn hơn, và ai đó lỡ dẫm phải thì rất đau nhức, vết thương sưng tấy, người ta cho là rắn hổ đã bỏ nọc vào đó”.

Câu chuyện kể rất nhân văn, con người cũng vậy, chỉ khi nào xả bỏ hết tham dục xấu ác trong lòng thì mới thật sự sống tốt, sống có ý nghĩa với bản chất lương thiện của chính mình… Bọn tôi chui hết bụi này đến bụi khác kiếm măng cho đến khi nặng bồng mới thôi.

Hái măng đầy, tôi và thằng Quý ra bờ suối lột vỏ măng rửa sạch đất cát rồi cho lại vào bồng. Xong xuôi đâu đó hai chúng tôi nhảy ùm xuống suối bơi lội tắm mát thỏa thích. Bóng chiều ngả dần về Tây, tôi và Quý ngồi dựa vào gốc cây trâm đợi trâu về. Những chú chim gõ kiến vẫn kiên trì gõ đều nhịp cộc cộc vào các thân tre khô nghe như có một ngôi chùa tụng kinh đâu đó vậy. Tiếng gió đưa xa đưa gần, hai chúng tôi ngồi ngắm những đàn chim le le bay về trong cái nắng chiều, chúng sà xuống những cái bàu gần đó trông rất đẹp “Chim bay về núi tối rồi / Chị em toan liệu lấy nồi nấu cơm”. Lòng tôi chợt bâng khuâng, không biết cái cảnh thần tiên này sẽ còn ở bên mình được bao nhiêu lâu nữa. Cái ý nghĩ của trẻ thơ thoáng đến rồi cũng vội đi… giờ nhớ lại thấy tiếc lắm, nhưng đã quá xa xăm rồi…

Bóng hoàng hôn dần xuống, bờ suối mang cái vẻ quạnh hiu như chuẩn bị bước vào chiều đêm cô tịch. Tôi và Quý nhổ câu vác măng và cá rồi cưỡi trâu về. Hai con trâu ngoan của Quý ăn no cỏ, nó bước đi chậm rãi cà rịch cà tang, cái chuông cổ lắc lư kêu toong toong hòa điệu cùng ngày sắp hết nghe thật là vui tai…

Nhà Quý tương đối khá, nên Quý để măng nhà ăn không bán. Còn tôi thì khác, về đến nhà đưa cá cho má tôi làm rồi kho, còn mình thì lấy củi đốt bếp, lấy nồi luộc măng, rồi ngâm nước để sáng mai đem chợ bán, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Ở đời mà, làm gì cũng có mánh khóe của nó. Thằng Quý nói với tôi, măng mày đi bán thì cần gì mày phải gọt cho hết khúc măng già! Mày luộc xong bỏ tí bột nghệ vô thì non già gì giống hệt, tao thấy nhiều người làm vậy đó.

Tôi nghe có lý nên định làm vậy để bán cho nhiều cho nặng cân. Nhưng khi Quý về rồi bà nội tôi mới nói: “Con à, cái gì mình ăn được thì mới bán cho người ta ăn được, măng già mà đem trà trộn vô bán vậy là có tội lắm, ở đời mà cứ sống gian lận riết thành thói quen, sau này con lớn con sẽ không thành người tốt được”. Tôi nghe lời nội. Hơn ba mươi năm rồi, nội tôi đã là người thiên cổ, nhưng lời nội dạy tôi vẫn ghi khắc trong lòng. Sống giả dối thì chỉ gặp toàn giả dối mà thôi.

Tuổi thơ giờ thực sự quá xa xôi, những kỷ niệm ngày xưa cứ sống dậy trong tôi mỗi khi mùa mưa đến. Quý giờ bận rộn đi làm ăn tận xứ Sài Gòn, ít khi bạn bè gặp lại. Chuyện đi chăn trâu bẻ măng câu cá như một giấc chiêm bao hòa vào dòng thời gian trôi biệt. Hai bên bờ suối Tha La cây tre gai bị con người tận diệt. Dòng nước chảy xuôi lắm khi cũng mang một nỗi u buồn về thân thể mình trong quá khứ. Còn tôi, tôi yêu mảnh đất này, nó đã gắn với biết bao buồn vui mà năm tháng tuổi thơ tôi đã trải qua. Suối Tha La vẫn còn đó, bạn xưa đã đi xa, tuổi trẻ không còn… Giờ đây chỉ còn trang kỷ niệm ướt mờ trong những đêm mưa.

Đào Thái Sơn/Báo Giác Ngộ