Hiểu rõ hai chữ “căn tu”

Thưa Thầy, làm thế nào để nhận biết một người có “căn tu” ạ?

Trả lời:

Chữ “căn tu” được hiểu theo hai nghĩa:

– Biểu hiện trình độ nhận thức của một người về cuộc sống, hay còn gọi là “trình độ tâm” của người ấy.

– Biểu hiện người ấy có thích hợp với đời sống xuất gia hay không?

Người đời thường hiểu “căn tu” theo nghĩa thứ hai, nhưng Thầy thì lại thấy bất kỳ ai đã sinh ra  trong cuộc đời thì đều đang tu, kể cả người ấy đang ăn trộm.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Căn tu theo nghĩa tu học để tiến hoá 

Ai cũng đang “tu tiến” trong trình độ nhận thức, trong bối cảnh đời sống của mình. Ví như người học võ cần tu luyện để thi đấu trên võ đài làm sao ngày càng giỏi hơn, người ăn trộm thì phải tu luyện để làm sao ăn trộm ngày càng nhuần nhuyễn và tinh vi hơn. Ngay như con cọp cũng đang phải luyện cách bắt con nai thế nào cho nhanh hơn, hiệu quả hơn. Bất kỳ chúng sinh nào sinh ra trong đời cũng đều “đang tu”, đang luyện theo trình độ nhận thức và bối cảnh đời sống của mình vậy.

Như Đức Phật cũng từng nói trí tuệ cũng có loại Ác Tuệ, tức “khôn ngoan trong cái ác”, khôn ngoan trong cái ác vẫn còn hơn là ngu dại trong cái ác. Khi làm ác cũng có sự tu tiến lần lần, khi làm điều thiện cũng có sự tu học dần dần, Thầy thấy ai cũng đang tu hết mà không hay.

Mỗi chúng sinh được sinh ra trong cuộc đời đều là đang trong tiến trình tiến hóa hay tu học để giác ngộ giải thoát. Chỉ là mỗi chúng sinh ở trong các tình trạng, căn cơ khác nhau, như con chó con mèo gì cũng đều đang tu, đang học trong tình trạng của mình để tiến hóa theo cách riêng của nó.

Như vậy nếu hiểu theo ý nghĩa này thì bất kỳ chúng sinh nào cũng đều có “căn tu”.

Căn tu theo nghĩa phù hợp với đời sống xuất gia 

Để biết một người có “căn tu” theo nghĩa thứ hai hay không thì phải làm như sau: Khi một người ấy xin vô chùa tu thì thường cho họ làm công quả một thời gian, trong quá trình đó mình quan sát xem họ có phù hợp với đời sống xuất gia hay không? có “Tăng tướng” hay không?

Xem họ làm việc như thế nào? qua quá trình làm việc xem họ có lười biếng hay siêng năng, làm chỉnh chu hay cẩu thả…

Xem họ ăn uống như thế nào? qua lúc ăn uống sẽ thấy được tâm tính của người ấy

Xem họ ngủ như thế nào? khi ngủ họ có biết rõ mình đang nằm như thế nào hay không, khi họ trở mình đổi tư thế họ có biết rõ hay không? Có người khi ngủ cũng không biết mình đang nằm như thế nào, trở mình cũng không biết mình đang làm những gì…

Mình quan sát họ như vậy không phải xem họ có tu được hay không? mà xem họ có phù hợp để làm một vị Tăng hay không? Có đủ “Tăng tướng” hay không? Để xem họ có tu học được ở trong chùa hay không? Chứ vào chùa tu mà oai nghi lung tung quá thì không được. (cười…)

Cho nên các chùa với người mới tu đều thường dạy Oai Nghi Tế Hành, để họ tập thận trọng-chú tâm-quan sát lại các oai nghi nói-ăn-đi-đứng-nằm-ngồi nơi mình mà điều chỉnh lại sao cho nề nếp. Qua những oai nghi ấy thể hiện nhận thức của họ về sự tu học là như thế nào…

Thầy Viên Minh