Học trò tỉnh thức, người giáo hạnh phúc
Mỗi khi tháng 11 sang trang và các trang mạng xã hội tràn ngập những sắc màu tươi vui đón chào ngày Nhà giáo, trong tâm trí của tôi lại hiện lên dòng chữ thanh thoát nét thư pháp của Thầy Thích Nhất Hạnh: “Happy teachers will change the world” (Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới).
Thông điệp ấy không chuyên chở một tham vọng lớn lao rằng khi thầy cô giáo hạnh phúc, họ sẽ đào tạo nên những bàn tay và khối óc siêu việt giúp kiến tạo một thế giới vật chất đủ đầy, phục vụ hạnh phúc dựa vào sự thụ hưởng.
Thông điệp ấy gắn liền với phong trào Trường học Tỉnh thức (Wake up Schools) do Thầy khởi xướng và phát triển ở nhiều nước. Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ giúp thay đổi thế giới nội tâm của người học, giúp các em đạt đến hạnh phúc chân thật nhờ tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp của nhân tâm.
Trên một hành trình dài gần 30 năm làm người giáo, tôi không biết tôi đã thay đổi được bao nhiêu thế giới nội tâm của học trò mình. Ký ức đọng lại trong tôi là những lần tôi tự cho mình là một người giáo hạnh phúc, khi thế giới nội tâm của tôi được thay đổi bởi chính học trò tôi.
Qua các em tích cực hoạt động trong các chi đoàn và câu lạc bộ công tác xã hội, tôi có cơ hội biết đến nhiều chương trình thiện nguyện vì cộng đồng mà các em kêu gọi tôi cùng chung tay, để góp phần khuây vơi bớt những nhọc nhằn hay vun xới cho những mầm xanh đang cần thêm nắng gió để trổ cành xanh lá.
Một lần nọ, các em thực hiện chương trình Bữa cơm Nhân ái vì các bệnh nhân và thân nhân có gia cảnh khó khăn tại Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhi đồng ở Sài Gòn. Để thực hiện 1.000 suất ăn đó, các em đã mất mấy tuần quyên góp ở trường và ngỏ ý muốn tôi đồng hành cùng các em.
Đúng giờ hẹn, tôi đến một ngôi chùa nép trong con xóm nhỏ thì mới biết các em đã có mặt ở đó từ tờ mờ sáng để nấu cơm, trong khi bạn của các em còn đang say giấc ngủ. Tôi được phân công bỏ thức ăn vào từng hộp cơm đã chia sẵn. Bàn tay có thói quen “thêm một chút” của tôi vốn hay được cảm kích vì rộng rãi thì nay bị bàn tay một em học trò chặn lại.
“Cô ơi, cô chỉ chia đúng khẩu phần đã định cô nhé. Nếu mỗi hộp cơm có thêm một miếng chả hay một ít rau, sẽ có người ăn nhiều hơn nhưng chưa chắc đã cần, trong khi đó lại bớt số người được nhận phần ăn. Mình chia sẻ vừa đủ để có thể giúp nhiều người hơn đó cô”. Tôi gật đầu tiếp nhận lời hướng dẫn của em học trò tôi vừa tròn 20 tuổi.
Tôi theo các em chở cơm ra bệnh viện. Những dòng người dằng dặc đợi chờ. Tôi được dặn kỹ không trao cơm cho bất cứ bàn tay nào chìa ra mà cần theo dấu ra hiệu của các em, bởi luôn có những người vòng đi vòng lại lấy nhiều lần, bớt mất những phần ăn lẽ ra nên san sẻ cho người khác. Ân cần, ấm áp nhưng dứt khoát, chúng tôi cùng nhau thắp lên những nét mắt vui tươi như làn gió mát lành giữa trưa Sài Gòn đổ nắng.
Qua những chuyến đi như thế, tôi nhận ra chính tôi mới là người học trong ngôi trường của những học trò sớm tỉnh thức của tôi. Thế giới quan và thế giới nội tâm của tôi được mở rộng khi các em đưa tôi vào các thế giới âm thầm lam lũ khác. Nơi đó không cần đến bảng phấn cùng sách vở. Nơi đó chỉ có tình thương mới mở được cánh cửa vào những cõi lòng chất chứa nỗi đau.
Qua những chuyến đi như thế, tôi nhận ra hạnh “tri túc” còn cần được thực hành khi cho đi chứ không chỉ là biết đủ cho riêng mình. Các em giúp tôi biết được rằng kiến thức hay lý lẽ trong nghề nghiệp của tôi có khi vô dụng, nhưng sự ấm áp của trái tim đi kèm với một tâm thế vững chãi thì luôn hữu dụng giữa muôn vàn vắng lạnh nhân sinh.
Tôi muốn nói lời cảm ơn đến các em, những học trò sớm tỉnh thức của tôi, nhân ngày khắp đất nước tri ân thầy cô giáo.
Diệu Ngọc (giảng viên)