Hãy học pháp tiệm giảm
Pháp tiệm giảm là phương thức tiếp cận và làm suy giảm phiền não từng phần, đây là pháp tu phổ biến dành cho hạng sơ cơ như hầu hết chúng ta.
“Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-xá-di, trong vườn Cù-sư-la. Bấy giờ Tôn giả Đại Chu-na vào lúc xế, từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:
– Bạch Thế Tôn, trong đời, các kiến chấp phát sinh và phát sinh, tức các chủ trương có thần ngã, có chúng sinh, có nhân, có thọ, có mạng, có thế gian. Bạch Thế Tôn, biết như thế nào, thấy như thế nào để các kiến chấp này được tiêu diệt, được xả ly và khiến cho các tà kiến khác không tiếp diễn, không bị chấp thủ?
Bấy giờ Thế Tôn nói rằng:
– Chu-na, trong đời, các kiến chấp phát sinh và phát sinh, tức các chủ trương có thần ngã, có chúng sinh, có nhân, có thọ, có mạng, có thế gian. Chu-na, nếu muốn các pháp diệt tận không dư, thì phải biết như vậy, thấy như vậy mới có thể khiến cho các kiến chấp này được tiêu diệt, được xả ly và khiến cho các kiến chấp khác không tiếp diễn, không bị chấp, hãy học pháp tiệm giảm.
– Chu-na, người khác có ác dục, niệm dục; ta không có ác dục, niệm dục. Hãy học tiệm giảm. Người khác có sân hại ý; ta không có sân hại ý. Người khác có sát sanh, lấy của không cho, phi phạm hạnh; ta không phi phạm hạnh. Người khác có tham lam, tâm não hại, thụy miên triền, trạo cử, cống cao và có nghi hoặc; ta không có nghi hoặc. Người khác có sân kết, dua siểm, lừa gạt, vô tàm, vô quý; ta có tàm quý.
Người khác có mạn; ta không có mạn. Người khác có tăng thượng mạn; ta không có tăng thượng mạn. Người khác không đa văn; ta có đa văn. Người khác không quán các thiện pháp; ta quán các thiện pháp. Người khác hành phi pháp, ác hạnh; ta hành đúng pháp, diệu hạnh. Người khác có nói láo, hai lưỡi, nói cộc cằn, nói thêu dệt, ác giới; ta không ác giới. Người khác có bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định mà lại có ác tuệ; ta không có ác tuệ. Hãy học tiệm giảm”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Uế, kinh Chu-na vấn kiến, số 91 [trích])
Pháp tiệm giảm là phương thức tiếp cận và làm suy giảm phiền não từng phần, đây là pháp tu phổ biến dành cho hạng sơ cơ như hầu hết chúng ta. Ngược lại, một vài trường hợp có nhân duyên nhiều đời thì họ không tu pháp tiệm giảm mà chủ trương đốn ngộ. Nhìn chung, pháp tiệm giảm có đối tượng để tu, có phiền não để đoạn, có thứ lớp để tiến nên dễ học và thực hành hơn.
Cơ sở của pháp tiệm giảm, theo Thế Tôn, là “phải biết như vậy, thấy như vậy mới có thể khiến cho các kiến chấp này được tiêu diệt”. Hãy biết tâm, thấy tâm mình còn nhiều ác dục, niệm dục không, tự nhắc mình hãy bớt lại, hãy đoạn giảm. Thấy biết tâm mình có nhiều sân hận, làm tổn hại người khác không, thấy rõ rồi nguyện xả buông. Đối với các giới luật cao quý mà mình đã phát nguyện thọ trì hãy xem xét còn chỗ nào chưa trọn thì hãy tuân thủ, giữ gìn.
Phiền não nói chung là vô biên, nói cho dễ hình dung là khu vườn đầy cỏ dại. Pháp tu tiệm giảm là nhổ bớt cỏ và trồng thêm hoa cho khu vườn tâm của mình. Đây là một quá trình, đòi hỏi phải siêng năng, bền bỉ, không quản lao nhọc và mưa nắng như người làm nông vậy. Tùy thuộc vào khả năng nhổ cỏ và trồng hoa mà khu đất sẽ thay tên là đám cỏ hay vườn hoa.
Nhờ thấy rõ tâm mình nên các kiết sử, phiền não được nhận diện, thanh lọc, đoạn giảm và chuyển hóa. Pháp tu tiệm giảm này vốn không khó, chỉ ngại là không tinh cần, bền bỉ. Ngay đây, nếu phát huy được chánh tinh tấn thì cơ hội thay đổi, làm mới thân tâm sẽ luôn xảy ra. Chấp thủ “ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả” là gốc của mọi phiền não. Khi đã tiệm giảm, đã phá trừ bớt phiền não thì cần nhìn sâu vào bản chất của “ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả” để thấy được tính vô thường, duyên sinh, giả hợp và vô ngã nhằm thành tựu giác ngộ, giải thoát.
Quảng Tánh