Oán gia không muốn kẻ thù được khen ngợi
Người có tâm oán thù thì không mong kẻ thù có danh tiếng, được khen ngợi. Ngược lại, họ còn cầu cho kẻ thù luôn bị tiếng xấu, thậm chí thân bại danh liệt. Âu đó cũng là chuyện thường của thế gian.
“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có bảy pháp oán gia để gây thành oán gia; tức là khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế. Những gì là bảy?
Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia có sự khen ngợi. Vì sao oán gia không muốn oán gia có sự khen ngợi? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, người ấy danh ô tiếng xấu đồn khắp. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ năm để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Oán gia, số 129 [trích])
Phật nói: “Oán gia không muốn oán gia đến chỗ an lành”
Lời bàn:
Người có tâm oán thù thì không mong kẻ thù có danh tiếng, được khen ngợi. Ngược lại, họ còn cầu cho kẻ thù luôn bị tiếng xấu, thậm chí thân bại danh liệt. Âu đó cũng là chuyện thường của thế gian.
Kinh tạng Pali tương đương với đoạn kinh này như sau: “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người thù địch mong muốn kẻ thù địch của mình như sau: Mong rằng kẻ này không có danh tiếng! Vì cớ sao?
Này các Tỷ-kheo, người thù địch không hoan hỷ kẻ thù địch của mình có được danh tiếng. Này các Tỷ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, nếu có được danh tiếng gì nhờ không phóng dật thâu hoạch được, danh tiếng ấy lánh xa họ, vì bị phẫn nộ chinh phục. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ năm, được người thù ưa thích, tác thành kẻ thù địch đi đến người phẫn nộ, đàn bà hoặc đàn ông”.
Rõ ràng, khi mong muốn kẻ thù bị ô danh cho hả giận thì cũng chính họ tự làm nhơ nhuốc thanh danh của mình. Người cố giữ tâm thù hận, ghét ganh nên luôn bị ác tâm thiêu đốt. Khi tâm không tốt thì khó mà làm được việc tốt. Cho dù cố gắng thể hiện là người tốt, cầu được chút tiếng thơm cũng không thành vì rất khó che giấu sự phẫn nộ và oán thù luôn chực chờ bộc phát.
Thực tế cuộc sống thì bên ngoài luôn ngập tràn tiếng chúc mừng thành công nhưng bên trong có mấy ai thực lòng. Nhất là người có danh thơm lại là kẻ thù của mình thì sự ngợi khen chỉ gượng gạo nhằm che đậy sự ấm ức, ghen ăn tức ở, oán giận. Thế nên, muốn thực sự thảnh thơi thì hãy tập vui với danh thơm của người. Khi ai đó được khen tặng, tiếng tốt đồn xa hãy phát tâm tùy hỷ, tán thán. Ca ngợi công đức cũng là cách vun bồi công đức. Giữ tâm ghét ganh, tật đố, không vui với tiếng thơm của người chính là tự hủy hoại mình.
Hãy tập tha thứ, bao dung và hoan hỷ để chuyển hóa bớt tâm sân hận, thù oán. Hóa giải thù hận để tự cứu lấy mình, thiết lập bình an cho mình. Đời sống vốn ngắn ngủi, thành công về vật chất chỉ là một phần của cuộc sống, thanh thản tâm hồn mới mang đến hạnh phúc đích thực. Xả ly, buông bỏ, yêu thương càng nhiều thì sự bình an tâm hồn càng cao. Chưa thiết lập được sự an yên thì dù công danh sự nghiệp cao vời vẫn khổ đau. An yên, tự tại, yêu thương chính là chất lượng cuộc sống đích thực.
Quảng Tánh