Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Có người khuyên cô ấy niệm Phật để giảm đau, con gái bà ấy cũng tin nhưng vì gia đình nhà chồng là người Hồi giáo, nên không dám niệm.

Tôi nói với bà ấy rằng, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và Đạo giáo, Nho giáo đều là chính giáo, đều đề cao lòng nhân ái và khuyên người ta làm việc thiện. Chúng được gọi là tôn giáo, nhưng thực ra chúng như những trường học, giúp con người hiểu biết về quy chuẩn và khai sáng về tinh thần. Chỉ là mức độ và phạm vi kiến thức được giảng dạy có khác nhau, giống như các cấp tiểu học, trung học, cao đẳng hoặc đại học trong thế giới này. Kiến thức mà Phật giáo giảng dạy là chân lý phổ quát của vũ trụ và cuộc sống, nó công nhận và bao hàm tất cả các chính giáo, giống như một trường đại học tổng hợp. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là hiệu trưởng của trường đại học này. Khổng Tử dạy cho học trò những kiến thức cơ bản nhất về làm người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, giống như tiểu học, ông là hiệu trưởng khai sáng cho chúng ta. Lão Tử dạy chúng ta cách cường thân kiện thể, kéo dài tuổi thọ và phát triển tiềm năng của con người trên cơ sở làmngười. Ông còn nghiên cứu Ngũ hành, Bát quái, Kinh Dịch, nỗ lực đạt đến cảnh giới trời người hợp nhất, để cuộc sống trở nên hài hòa và viên mãn hơn, tôi ví ông như hiệu trưởng trường trung học.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Muhammad và Chúa Jesus còn là những nhà lãnh đạo tinh thần của nhiều dân tộc, quốc gia và người dân trên thế giới, giống như hiệu trưởng các trường cao đẳng hoặc trung học. Và những hiệu trưởng và thầy giáo này đều là tiến sĩ, hoặc có thể nói họ là hóa thân của các vị Phật, Bồ Tát. Họ vì cứu độ chúng sinh mà theo từng địa phương tùy duyên mở ra các tôn giáo phù hợp “dùng nhiều thân hình để độ chúng sinh khác nhau”, điều này cũng giống như việc dạy học tùy theo từng người trong thế gian. Vì vậy, khi con gái bà gặp phải nghi ngờ và khó khăn, đi nhờ hiệu trưởng và giáo viên đại học giúp đỡ, Muhammad nhất định sẽ vui mừng và ủng hộ. Bởi vì, mỗi vị thầy đức hạnh cao thượng đều hy vọng học trò của mình tiến bộ.

Lời giải thích của tôi đã xóa tan sự nghi ngờ của bà ấy. Tôi lại nói với bà ấy, theo lý thuyết Phật giáo, con trong bụng con gái bà là có thể do nghiệp duyên đến, đến để đòi nợ, có thể là do nghiệp giết hại, ăn thịt mà ra. Hãy bảo con gái bà hôm nay ngừng ăn thịt và thử tụng một bộ Kinh Địa Tạng cho thai nhi, chỉ cần cô ấy thành tâm tụng, nhất định sẽ có hiệu quả. Nếu có thể kiên trì tụng bảy bộ Kinh Địa Tạng hồi hướng cho thai nhi, sẽ tiêu trừ được oán nợ giữa họ. Nếu không có hiệu quả, thì cứ việc ăn thịt trở lại. Nếu tôi nói sai, xúc phạm đến Đức Muhammad, không chỉ con gái bà niệm kinh không hiệu quả, mà tôi cũng sẽ bị trừng phạt. Nói xong, tôi tặng bà một cuốn Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện bằng chữ giản thể.

Chiều hôm sau, bà lại gặp tôi trong khu phố, vui mừng cảm ơn và nói rằng, bà đã về nhà kể lại lời tôi nói cho con gái nghe, cô ấy liền tin và ngay lập tức rửa tay sạch sẽ, dọn bàn thờ và bắt đầu tụng kinh. Điều kỳ diệu là từ khi bắt đầu tụng kinh đến bây giờ, đứa trẻ không còn quậy phá, con gái bà cuối cùng cũng có một giấc ngủ ngon lành. Đây là điều chưa từng có trong mấy tháng qua. Vừa rồi con gái bà lại tụng xong một lần Kinh Địa Tạng, đến giờ vẫn chưa ăn một miếng thịt nào. Cô ấy nói rằng Phật pháp thật linh nghiệm, nếu biết sớm mà hỏi tôi, thì đã không phải chịu đựng khổ sở mấy tháng qua rồi! Không lâu sau, con gái bà ấy sinh một bé trai khỏe mạnh, đáng yêu, lúc sinh gần như không đau đớn gì. Trong thời gian ở cữ, mỗi ngày vẫn tụng một bộ Kinh Địa Tạng, giờ gần như đã thuộc lòng. Sau này, bà ấy lại nói với tôi rằng, trước đây con gái bà rất thích ăn thịt. Điều kỳ lạ là bây giờ chỉ ngửi thấy mùi thịt là buồn nôn, hỏi tôi có phải Phật không cho ăn nữa không.

Tôi nói với bà ấy rằng, Phật Bồ Tát giống như các hiệu trưởng và giáo viên, họ có trách nhiệm dạy cho chúng ta kiến thức. Học hay không, hoặc học rồi có áp dụng hay không, là việc của học trò. “Sư phụ dẫn vào cửa, tu hành ở cá nhân.” Phật không quan tâm việc bạn có ăn thịt hay không! Việc ngửi thấy mùi thịt mà buồn nôn, đó là do tụng kinh đã thanh tịnh thân tâm, khiến Phật tính vốn có của bản thân hiển lộ, không còn chấp nhận những thứ ô uế như thịt chúng sinh nữa. Chỉ cần ăn nhiều rau củ và các sản phẩm từ đậu, cơ thể nhất định sẽ khỏe mạnh hơn trước. Không tin, bà cứ đi một vòng bệnh viện, xem có bao nhiêu bệnh nhân không ăn thịt?

Trích “Báo ứng hiện đời”

Cư sĩ Quả Khanh