Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời

Ngôi chùa Khmer mang tên Phnom Ta Pa nổi danh bởi vẻ đẹp độc đáo và tọa lạc trên ngọn núi Tà Pạ (xã Núi Tô, H.Tri Tôn, An Giang), với độ cao 45 m so với mặt đất.
Xây dựng chùa trên những trụ bê tông cao hàng chục mét

Chùa Phnom Ta Pa xây dựng năm 1999 trên ngọn núi nhỏ Tà Pạ nên người dân thường gọi là chùa Tà Pạ. Nhìn từ xa, ngôi chùa Khmer này như lơ lửng giữa không trung, xung quanh bạt ngàn rừng núi, đẹp tựa bức tranh.

Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời- Ảnh 1.
Chùa Phnom Ta Pa nằm trên ngọn núi Tà Pạ nên người dân thường gọi là chùa Tà Pạ

Hòa thượng Chau Sưng, trụ trì chùa Tà Pạ, cho biết chùa có tổng diện tích gần 4.000 m2. Ban đầu, chùa làm bằng cây, lợp tranh. Sau 4 lần trùng tu, sửa chửa, khoảng cuối năm 2019, chùa trở nên khang trang hơn, từ đó Phật tử và du khách gần xa biết đến nhiều hơn.

Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời- Ảnh 2.
Chùa Tà Pạ được xây dựng trên ngọn núi Tà Pạ ở độ cao 45 m

Kiến trúc chùa Tà Pạ mang đậm nét văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer. Phần mái lợp ngói có long vân ngư, mũi cong, đỉnh tam giác bao quanh ngọn tháp cao đồ sộ. Một trong những điểm nổi bật nhất của chùa là chính điện xây dựng bên sườn núi, với 120 cột xi măng cốt thép rất kiên cố, mỗi cột cao từ 5 – 18m.

Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời- Ảnh 3.
Từ chùa Tà Pạ, có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm cánh đồng xanh bát ngát

Theo trụ trì chùa Tà Pạ, quá trình xây dựng chùa gặp không ít khó khăn. Địa hình đồi núi hiểm trở, việc vận chuyển vật liệu xây dựng vô cùng gian nan. Giàn giáo được sử dụng bằng những cây tre buộc chắc chắn từ sợi dây cà sa (tận dụng áo cà sa cũ). Nhờ sự chung lòng, chung sức, từng hạng mục dần được hoàn thành.

Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời- Ảnh 4.
Phần mái lợp ngói có long vân ngư, mũi cong, đỉnh tam giác bao quanh ngọn tháp cao đồ sộ rất ấn tượng

Phần điêu khắc cũng vô cùng công phu. Các bức tượng cũng như các cột đều được chạm khắc những hoa văn vô cùng tinh xảo và tỉ mỉ. Những hình ảnh liên quan đến cuộc đời của Đức Phật, đời sống sinh hoạt mang dấu ấn văn hóa của cộng đồng Khmer đều được khắc họa một cách chân thật tại phần chính điện.

Viếng chùa Khmer và ngắm vẻ đẹp vùng đất Tri Tôn

Ngoài kiến trúc độc đáo, con đường lên chùa cũng là điểm nhấn đặc biệt được nhiều tín đồ du lịch yêu thích. Lối cầu thang xây dựng khá hoành tráng và bằng phẳng, giúp chinh phục ngọn núi Tà Pạ, cũng như chùa dễ dàng hơn.

Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời- Ảnh 5.
Một trong những điểm nổi bật nhất của chùa là chính điện được xây dựng bên sườn núi với thiết kế khá đặc biệt

Theo Hòa thượng Chau Sưng, khi xây dựng xong chính điện, để thuận tiện cho người dân đến chùa, năm 2020, nhà chùa cho xây dựng thêm cầu thang bộ dài khoảng 70 m, ngang 15 m dẫn từ phía chân núi đến tận chính điện.

Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời- Ảnh 6.
Cầu thang lên chùa được xây dựng năm 2020

Nằm ở trên cao nên góc nhìn của chùa Tà Pạ cũng đặc biệt hơn. Nếu hướng ra bên ngoài, mọi người có thể thu vào tầm mắt phong cảnh trù phú của vùng đất Tri Tôn. Phía dưới chân núi là những đồng lúa bạt ngàn xanh ngát; đến mùa lúa chín, cánh đồng vàng ươm như bức tranh say đắm lòng người.

Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời- Ảnh 7.
Cầu thang bộ dài khoảng 70 m, ngang 15 m dẫn từ chân núi đến chính điện của chùa

Nếu đến ngôi chùa Khmer Tà Pạ vào mùa nước nổi, du khách sẽ thỏa mình chìm đắm trong vẻ đẹp của đồng nước mênh mông, xa xa là những vườn thốt nốt. Nơi đây bốn bề gió lộng, thoáng đãng, không khí mát mẻ, tạo cảm giác thư giãn và yên bình cho những ai đến viếng thăm.

Nhà sư “tí hon” suốt 5 năm dạy chữ Khmer

Ở chùa Tà Pạ có sư Châu Sóc Thon (32 tuổi) chỉ cao hơn 1.4 m, nặng 45 kg. Mỗi dịp hè, sư Châu Sóc Thon đều dạy chữ Khmer cho trẻ em người dân tộc trong vùng.

Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời- Ảnh 8.
Sư Châu Sóc Thon dạy chữ Khmer tại chùa Tà Pạ

“Đến nay, tôi dạy chữ Khmer cho trẻ em được 5 năm. Lớp học này được mở ra từ ý tưởng của sư cả. Sư cả muốn các em biết tiếng Việt và tiếng Khmer. Nhiều người lần đầu gặp tưởng tôi là chú tiểu khoảng 10 tuổi. Khi tôi nói đã hơn 30 tuổi, họ không tin. Khi tôi đưa căn cước công dân ra họ mới bất ngờ. Tôi đã đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ nói bình thường”, sư Châu Sóc Thon vui vẻ chia sẻ.


Duy Tân- nguồn Thanh Niên