Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.

Tiết độ trong Phật giáo được xem là cứu cánh, để ta có được cái nhìn chính kiến, sống ung dung tự tại, không bị phiền não và cám dỗ bởi danh lợi vật chất.

Tiết độ là chìa khoá của an lạc

Tiết độ (E. Moderation) có thể hiểu là một việc làm dung hòa, có chừng mực, biết tiết chế, tránh thái quá hoặc bất cập. Nói một cách khác, tiết độ là mức độ điều hoà, quân bình nơi tư cách của con người; những gì thái quá, quá đà là phản lại với sự tiết độ. Như vậy, những lối sống ích kỷ, chỉ biết đến mình, sống buông thả, ăn chơi sa đoạ, vượt khỏi giới hạn của pháp luật được xem như là trái với tiết độ. Nếu không biết điều chỉnh cách sống phù hợp với tiết độ, con người có thể gánh chịu những khổ đau khôn lường. Thực tế cho thấy, những người quá đam mê khẩu vị phải gánh chịu những căn bệnh khó trị của thời đại như gout, ung thư hoặc bị béo phì và giảm sút sức khỏe…; những người quá đam mê vật chất thường không có được hạnh phúc gia đình, ít có được tri kỷ; những người quá đam mê nhục dục thường nhiều bệnh tật, thân tâm thường bất an; những người quá tự cao thường cô đơn, lạc lõng; những người đầy sân hận thường gây nên lỗi lầm như dân gian có câu “giận quá mất khôn”. Thế nên mới nói “Tiết độ là chìa khoá của an lạc”. Điều này đã được Đức Phật dạy trong Kinh Thiện Pháp. Qua bài kinh, Đức Phật đã dạy cho hàng đệ tử của Ngài về bảy pháp dẫn đến hoan hỷ an lạc, đem lại lợi ích cho mình và cho người, trong đó tiết độ là một trong bảy pháp. Theo lời Phật dạy: Tỳ kheo nào thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền Thánh, thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì? Đó là biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người… Thế nào là Tỳ kheo biết tiết độ? Đó là Tỳ kheo biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ kheo biết tiết độ [1].

Để hóa giải được khổ đau và thành tựu an lạc trong cuộc sống, Phật dạy con người phải biết tập sống tiết độ trong mọi hành động thường ngày, quan trọng hơn là phải biết nâng cao tuệ giác, tu tập chánh trí.

Phật dạy: “Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hành vi của phàm phu. Cũng Ađừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với cứu cánh”.
Phật dạy: “Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hành vi của phàm phu. Cũng Ađừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với cứu cánh”.

Cùng với sự phát triển của xã hội, con người đối diện với nhiều cám dỗ mới nên việc sống tiết độ không phải là điều dễ dàng. Do đó, Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp” [2]. Giới còn có thể được hiểu là những điều không nên làm, là sự giữ gìn của mỗi người khi căn tiếp xúc với trần mà Đức Phật đã chế định cho đệ tử để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp về thân, khẩu và ý. Nghĩa rộng của giới thì bao hàm mọi hành vi chân chánh nhưng theo nghĩa hẹp thì chỉ giới hạn 2 phần là dừng các điều ác và làm các điều thiện, đặc biệt là 10 giới căn bản chung cho cả tại gia và xuất gia, liên hệ với ba nghiệp thân, khẩu, ý và nghiêng về các thiện hành: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói đâm thọc, không nói thô ác, không tham, không sân, không si. Giới là một trong ba yếu tố căn bản không thể thiếu trong tiến trình tu tập để thành tựu đạo quả giải thoát Niết-bàn; nó có thể hạn chế những chướng ngại cho đời sống thanh tịnh và sự tu tập.

Có lần Tôn giả A-nan thắc mắc về mục đích của việc giữ giới, Tôn giả đã được Đức Phật dạy rằng: “Này A-nan, nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định… Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia” [3].

Tiết độ là biết xa lìa những cực đoan 

Sống tiết độ không có nghĩa là phải hà khắc, keo kiệt, bủn xỉn, hành xác; nó cũng không phải là hoàn toàn xa lánh, hoặc tránh né tất cả. Tiết độ là xa lìa hai cực đoan: “Một cực đoan là luôn luôn đi tìm hạnh phúc bằng những khoái lạc giác quan hay dục lạc, đó là cách “thấp hèn, tầm thường và không lợi lạc và là cách của những người tầm thường”; cực đoan thứ hai là đi tìm sự hạnh phúc thông qua sự hành hạ bản thân, hành xác bằng nhiều hình thức tu khổ hạnh khác nhau, đó là cách “chỉ mang lại đau đớn, không đáng phải làm và không lợi lạc” [8]. Đức Phật từng giảng dạy điều này trong bài kinh Câu-Lâu-Sấu vô tránh khi Ngài trú ở vùng Bà-kì-sấu ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu. Trong bài kinh, Phật dạy không nên theo dục lạc thấp kém, cũng không nên tự hành xác bằng khổ hạnh; hai cực đoan này đều thuộc tà đạo. Con đường Trung đạo được Đức Phật thực chứng đã mang đến trí tuệ, giác ngộ và Niết bàn, đó chính là Bát Chánh đạo.

Phật dạy: “Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hành vi của phàm phu. Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với cứu cánh.  Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào? Ở đây, “Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hành vi của phàm phu”.  Đây là nói về một cực đoan. “Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa”.  Đây là nói về một cực đoan nữa. Do bởi sự kiện này mà nói “Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hành vi của phàm phu. Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa” [9].

Theo như lời dạy của Đức Phật trong bài kinh Câu-Lâu-Sấu vô tránh, biết sống tiết độ cũng chính là biết thực thi “Trung đạo”, con đường không tuyệt đối hóa một vấn đề gì, ly khai tất cả những ý niệm chấp trước, không chấp hữu và không chấp vô, không thái quá và không bất cập, ly khai các cực đoan và phiền não, tự tại vô ngại, giải thoát giác ngộ. Con đường Trung đạo trong bài kinh Câu-Lâu-Sấu vô tránh là con đường thực hành theo Bát Chánh đạo, gồm:

(1) Chánh kiến: là sự hiểu biết, sự kiến giải chính xác; “thấy khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác; có đời này đời sau, có cha mẹ; trong thế gian có bậc chân nhân đi đến cõi lành, đi theo đường lành, hướng về điều lành thì ở đời này đời sau sẽ thành tựu được tự giác, tự chứng”; 

(2) Chánh tư duy: là dùng Chánh kiến làm cơ sở, để tư tưởng chín chắn về nội dung của Chánh kiến; “không có dục giác, sân giác và hại giác”;

(3) Chánh ngữ: là sự đặt nền móng trên ý niệm chính xác, để biểu đạt công phu thực tiễn của nghiệp khẩu; “xa lìa nói dối, nói đâm thọc hai chiều, nói ác, nói thêu dệt”;

(4) Chánh nghiệp: Giữ cho ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, lìa tất cả những hành vi xấu ác như sát sinh, trộm cướp, tà dâm;

(5) Chánh mệnh hay Chánh mạng: là phương pháp mưu sinh phải chân chính, loại bỏ các nghiệp ác, nên theo những chức nghiệp chính đáng để hành xử trong các nhu cầu của đời sống; “rời bỏ tà mạng như chú thuật, bói toán, … là cầu y phục, ăn uống, giường chõng, thuốc men, các đồ dùng sinh sống một cách đúng pháp”;

(6) Chánh tinh tấn: là đối với đạo nghiệp, tự mình nỗ lực gắng sức, đoạn trừ điều ác gắng tu điều thiện; “phát nguyện và phấn đấu thực hiện mĩ mãn nội dung phát nguyện: quyết dứt ác pháp đã sinh, quyết ngừa ác pháp chưa sinh, làm phát sinh thiện pháp, làm tăng trưởng đầy đủ thiện pháp đã sinh”;

(7) Chánh niệm: là khi tự tâm đã gắng gỏi tinh tấn, thì nên dùng phương pháp bất tịnh quán để nhiếp tâm, chế tâm, khiến tâm trụ “nhất cảnh”, và không khởi tư niệm vật ngã; “nhớ tưởng chân chính, tức nhớ nghĩ đúng đắn về tính tướng của các pháp mà không quên mất”;

(8) Chánh định: là tu trì theo bảy giai đoạn vừa nêu để đi vào tứ thiền, bát định; “xa lìa pháp ác ở cõi Dục, thành tựu Sơ thiền cho đến Tứ thiền” [10].

Bát Chánh đạo là con đường giải quyết các vấn đề khổ đau, bất như ý trong cuộc sống. Nếu người người biết tu theo Bát Chánh đạo, thế gian sẽ an lành tịnh lạc, không còn cảnh khổ đau, bất hạnh. Tám nhánh trong con đường này có mối tương hỗ qua lại lẫn nhau. Chúng phải được phát triển gần như đồng thời với nhau và mỗi nhánh giúp cho sự đào luyện những nhánh khác.

Đức Phật đã giảng dạy cho Ngũ Chi Vật Chủ mối liên hệ của tám nhánh trong Bát Chánh đạo: “…Vì nhân chánh kiến nên sanh chánh tư duy, nhân chánh tư duy nên sanh chánh ngữ, nhân chánh ngữ nên sanh chánh nghiệp, nhân chánh nghiệp nên sanh chánh mạng, nhân chánh mạng nên sanh chánh tinh tấn , nhân chánh tinh tấn nên sanh chánh niệm, nhân chánh niệm nên sanh chánh định. Hiền Thánh đệ tử đã định tâm như vậy rồi, liền giải thoát tất cả dâm, nộ, si. Này Vật chủ, Hiền Thánh đệ tử đã chánh tâm giải thoát như vậy rồi, liền biết như thật rằng “Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa”. Đó gọi là học kiến đạo thành tựu tám chi, và A-la-hán lậu tận đã thành tựu mười chi” [11].

Việc tu hành của Bát Chánh đạo, cũng chính là sự tăng tiến của Giới – Ðịnh – Tuệ, hay tu tập Tam vô lậu học nhằm giúp vượt khỏi sự trói buộc của mọi phiền não, hoàn toàn tự tại, chứng nhập quả vị giải thoát hoàn toàn, không còn nằm trong sự kiềm tỏa của tam giới và không dừng lại ở phước báu sanh thiên. Ba môn học này chỉ có trong giáo pháp của Đức Phật.

Như vậy, Giới – Ðịnh – Tuệ cũng là 3 thành tố của con đường Trung đạo mà Ðức Phật đã tự khám phá ra và truyền dạy lại cho con người. Nếu sống đúng với con đường Trung đạo này thì con người đã từng bước từ bỏ đi những đau khổ, vướng mắc trong cuộc sống để nắm giữ hạnh phúc chân thật và đi vào cuộc sống an lạc. Tam vô lậu học là một thực thể giải thoát thì trong Giới vốn có Ðịnh và Tuệ, trong Ðịnh vốn có Giới, Tuệ; trong Tuệ vốn có Giới, Định. Mức độ thăng hoa của một trong ba chi phần này luôn luôn có liên quan đến hai chi phần kia. Có Tuệ mới biết đâu là chánh Giới, có Tuệ mới ổn định được tâm (Định). Càng thực hiện Giới thì càng hiểu về thực tại. Từ đó hiểu biết được tâm, ổn định được tâm. Khi ổn định tâm được thanh tịnh và cái thấy biết về thực tại càng rõ ràng và tích cực hơn. Xa lìa hai cực đoan còn được Đức Phật giảng dạy thông qua hình ảnh lên dây đàn rất thiết thực và sâu sắc cho Tôn-giả Sa-môn Nhị Thập Ức. 

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp-cô-độc, bằng tha tâm trí Ngài biết được tâm niệm của Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức vốn dĩ là một người chơi đàn, đi tu được một thời gian, với nỗ lực tinh tấn hết mức mà không đạt được giải thoát nên cảm thấy buồn và muốn hoàn tục. Đức Phật cho gọi Sa-môn Nhị Thập Ức đến và giảng giải cho Tôn giả về cách xa rời hai cực đoan thông qua nghệ thuật lên dây đàn. Có thể thấy, thông qua lời dạy của Đức Phật đối với Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức, xa lìa vào hai cực đoan cũng giống như để dây đàn quá căng hay quá chùng đều sẽ không đưa lại kết quả tốt. Biết giữ cho cuộc sống thăng bằng như biết căng dây đàn vừa phải là một nghệ thuật tu tập cho cả người xuất gia lẫn người tại gia. Biết sắp xếp thời gian thích hợp cho từng công việc, phân bổ thời gian hợp lý, nắm bắt và buông bỏ những pháp cần và không cần trong cuộc sống là kinh nghiệm quý báu, đưa đến cuộc sống hạnh phúc, an lạc.

Tóm lại, lối sống tiết độ qua lời dạy của Đức Phật là một lối sống có Chánh kiến, giúp con người tránh xa những khổ đau do những cám dỗ của vật chất mang lại. Mặt khác, tiết độ giúp con người biết sống có đạo đức, tuân thủ khuôn phép để xây dựng một cuộc sống an vui, hạnh phúc, thảnh thơi.

Chú thích:

[1] Tuệ Sỹ (dịch) (1992), Kinh Trung A Hàm, kinh Thiện Pháp, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.

[2] Thích Minh Cảnh (2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, Nxb Tổng hợp TP HCM, tr.1708.

[3] Tuệ Sỹ (dịch) (1992), Kinh Trung A Hàm, kinh Hà Nghĩa, Nxb Tôn Giáo.

[4] Tuệ Sỹ (dịch) (1992), Kinh Trung A Hàm, kinh Thành Tựu Giới, Nxb Tôn Giáo.

[5] Thích Thanh Từ (2009), Tam quy ngũ giới, Nxb Tôn Giáo, tr.33.

[6] Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, NXB Phương Đông, tr.342.

[7] Thích Chân Tính (2006), Tam quy ngũ giới, Nxb Tôn Giáo, tr.26.

[8] W. Rahula-Lê Kim Kha (2011), Những điều Phật đã dạy, Nxb Phương Đông tr.96.

[9] Tuệ Sỹ (dịch) (1992), Kinh Trung A Hàm, kinh Câu-lâu-sấu Vô Tránh, Nxb Tôn Giáo.

[10] Thích Minh Cảnh (2016), Sđd, tr.371-372.

[11] Tuệ Sỹ (dịch) (1992), Kinh Trung A Hàm, kinh Ngũ Chi Vật Chủ, Nxb Tôn Giáo.Thẻ:

Thạc sĩ Phạm Ngọc Sơn