Hòa thượng Thích Nguyên Giác: “Nghiên cứu chuyên sâu Phật học, không thể không biết tiếng Phạn”
Hòa thượng Thích Nguyên Giác – Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Những năm gần đây, việc nghiên cứu, tìm hiểu kinh điển Phật giáo thông qua Phạn ngữ đã và đang được các học giả, nhà nghiên cứu tại Việt Nam quan tâm.
Để hiểu thêm về vấn đề dạy và học Phạn ngữ tại một trong số những trường Phật học hiếm hoi tiên phong đưa bộ môn này vào chương trình giảng dạy, cũng như chia sẻ cùng bạn đọc những ưu tư, trăn trở của một nhà chuyên môn, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện với Hòa thượng Thích Nguyên Giác, Trưởng khoa Phật học Phạn ngữ thuộc Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.
Hòa thượng Thích Nguyên Giác trong một giờ dạy Phạn ngữ cho Tăng Ni sinh viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM – Ảnh: Phước Hiền
* Tiếng Phạn có thực sự quá khó?
Có nhận định rằng bộ môn Phạn ngữ chưa phổ biến và được nhiều người tiếp cận bởi nó quá “kén” người học, hiểu, Hòa thượng có ý kiến như thế nào về nhận định này?
– Hòa thượng Thích Nguyên Giác: Tiếng Phạn chưa phổ biến không phải vì nó quá “kén” người học, hiểu, mà bởi một số lý do sau:
Thứ nhất, tiếng Phạn là một cổ ngữ chuyên dụng của Ấn Độ, không phải là một sinh ngữ thông dụng. Tiếng Phạn chỉ cần thiết cho giới nghiên cứu Cổ Ấn Độ học cùng những nền văn hóa chịu ảnh hưởng của nó, và đặc biệt cho ngành Phật học.
Thứ hai, phần lớn Tăng Ni và Phật tử Việt Nam hiện chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của tiếng Phạn đối với Phật học. Giới nghiên cứu Phật học Việt Nam ngày nay thường dựa vào Hán ngữ và các sinh ngữ khác như Anh, Pháp, để tìm hiểu kinh điển Phật giáo, vì đó là những ngôn ngữ khá quen thuộc và thông dụng. Thêm nữa, có một thành kiến khá kỳ lạ vẫn còn lưu truyền nơi một số quý thầy trong các chùa: “Học tiếng Hán hay tiếng Anh là đủ để hiểu và tu rồi, học tiếng Phạn mà làm gì?”.
Nói kỳ lạ, bởi vì nó rất xa lạ với tinh thần trong đoạn kinh về Bốn đại pháp Đức Phật dạy trong Kinh số 2. Du hành của Trường A-hàm (tương đương Kinh số 16. Đại Bát Niết-bàn của Trường bộ kinh), trong đó Đức Phật dạy các Tỷ-kheo hãy dựa vào văn bản học để thẩm định thật giả về một điều người ta cho là do Phật nói.
Cuối cùng, chúng ta chưa có một chương trình chính thức, phù hợp và hiệu quả để Tăng Ni sinh có thể làm quen với tiếng Phạn sớm, trước khi lên đại học, giống như cổ ngữ Hán, Pāli, hay sinh ngữ Anh, Pháp.
Được biết, Phạn ngữ được phương Tây tiếp cận và nghiên cứu từ rất sớm, Hòa thượng có thể chia sẻ thêm về vấn đề này cũng như hiện trạng dạy, học, nghiên cứu Phạn ngữ tại các trường, viện trên thế giới?
– Tiếng Phạn được các nhà ngôn ngữ học trên thế giới liệt vào hệ ngôn ngữ Ấn-Âu. Tuy nhiên, mãi đến đầu thế kỷ XVII, phương Tây mới bắt đầu tiếp cận với tiếng Phạn qua đường du lịch và truyền giáo. Theo Maurice Winternitz, tác giả bộ A history of Indian literature, người đầu tiên được sách vở ghi nhận đã tiếp xúc với tiếng Phạn là Abraham Roger, người Hà Lan làm công tác truyền giáo tại Paliacatta, Bắc Madras trong nửa đầu thế kỷ XVII. Ông đã xuất bản một số phương ngôn của Bhartṛhari do một người Bà-la-môn dịch sang tiếng Bồ Đào Nha. Sau ông, cha đạo Do Thái giáo Johann Ernst Hanxleden đã đến Ấn Độ năm 1699 làm việc cho đoàn truyền giáo Malabar tại đây trong 30 năm. Ông sử dụng tiếng Ấn và đã viết cuốn văn phạm Phạn ngữ đầu tiên của người Âu châu.
Đến khi Anh chiếm Ấn Độ làm thuộc địa vào thế kỷ XVIII, dưới sự khuyến khích của Warren Hasting, người chủ trương dùng văn hóa, pháp luật, tập quán và tôn giáo bản địa để cai trị hiệu quả Ấn Độ nhằm bảo đảm sự thống trị lâu dài của nước Anh tại đây, một phong trào nghiên cứu văn học, tôn giáo, luật lệ Ấn Độ và học hỏi tiếng Phạn được phát triển khá mạnh mẽ. Charles Wilkins là người Anh đầu tiên học tiếng Phạn từ các paṇḍits (học giả) ở Banaras. Vào năm 1785, ông đã cho xuất bản dịch phẩm tiếng Anh của thi phẩm triết học Bhagavadgītā. Hai năm sau là bản dịch truyện ngụ ngôn Hitopadeśa, trích đoạn Śākuntala trong bộ Mahābhārata. Đặc biệt, năm 1808 ông cho ra đời cuốn Văn phạm Phạn ngữ. Từ đó cho đến cuối thế kỷ XIX, các tác phẩm chính yếu về văn học, triết học, tôn giáo của Ấn Độ như sử thi Mahābhārata, Rāmāyaṇa, Hitopadeśa, Pañcatantra, Luật Manu, Veda, Upaniṣad, v.v… đã được dịch sang các tiếng Âu châu như Anh, Pháp, Đức v.v… bởi các nhà nghiên cứu Cổ Ấn Độ học lừng danh như William Jones, Henry Thomas Colbrooke, Friedrich Rückert, Eugene Burnouf, Max Müller v.v..
Riêng trong lãnh vực nghiên cứu, dạy và học tiếng Phạn, thì có:
William Jones, người Anh, là người đầu tiên công bố sự liên hệ về mặt phả hệ của tiếng Phạn với tiếng Hy Lạp, La-tinh, Đức, Celtic, và Ba Tư, sau khi cho ra đời dịch phẩm tập thơ trữ tình Śākuntala của Kālidāsa vào năm 1789.
Henry Thomas Colebrooke, vào năm 1805 cho xuất bản cuốn Văn phạm Pāṇini, và là tác giả một cuốn ngữ pháp tiếng Phạn.
August Wilhelm von Schlegel: Năm 1812, học tiếng Phạn với Antoine-Léonard de Chézy, một học giả người Pháp – giáo sư Phạn ngữ đầu tiên của Trường Cao đẳng Pháp. August Wilhelm von Schlegel sau đó trở thành giáo sư dạy tiếng Phạn đầu tiên tại Đức. Ông được bổ nhiệm vào chức vụ này năm 1818 tại Đại học Bonn mới thành lập.
Franz Bopp (sinh năm 1791): Đến Paris năm 1812, học tiếng phạn với Chézy. Năm 1816 ông viết cuốn Bàn về cách chia động từ trong tiếng Phạn, kèm theo ở phần phụ lục một số đoạn trích từ Rāmāyaṇa, Mahābhārata. Trích đoạn về Nala và Damayantī là một trong những trích đoạn hay nhất từ sử thi Mahābhārata, nó khơi dậy sự say mê nơi người đọc đối với văn học Ấn Độ và sự yêu thích nghiên cứu tiếng Phạn. Trích đoạn này thường được các đại học có dạy tiếng Phạn chọn làm bài tập đọc đầu tiên cho các sinh viên học tiếng Phạn. Cuốn Ngữ pháp tiếng Phạn ông cho ra mắt năm 1827 và cuốn Glossarium Sanscritum (Berlin, 1830) giúp ích nhiều cho việc học tiếng Phạn ở Đức.
Otto von Böhtlingk và Rudolph Roth: Biên soạn bộ Tự điển Phạn ngữ gồm 7 cuốn, được Hàn lâm viện Khoa học ở St. Petersburg xuất bản từ 1852, đến 1975 thì hoàn thành.
Về sau, còn có những cuốn ngữ pháp và từ điển tiếng Phạn đã được Kielhorn, Whitney, Monier-Williams, v.v… biên soạn phục vụ cho việc học hỏi và nghiên cứu văn hóa Ấn Độ.
Chỉ trong vòng hơn một thế kỷ, với lòng hiếu học, niềm say mê và bằng phương pháp khoa học, người Âu Mỹ, đặc biệt là người Đức, đã nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu và chuyển ngữ các tư liệu Phạn văn chính yếu của nền văn học Ấn Độ sang tiếng Anh, Pháp, Đức, đồng thời biên soạn các bộ sách ngữ pháp, cú pháp và từ điển tiếng Phạn. Những công trình đầy giá trị này chính là cơ sở thiết yếu ban đầu nuôi dưỡng cảm hứng, và làm bệ phóng cho sự phát triển bền vững việc học hỏi tiếng Phạn và nghiên cứu văn học tiếng Phạn của Âu Tây.
Hiện nay những đại học nổi tiếng như Heidelberg ở Đức; Sorbonne ở Pháp; Harvard, Berkeley, Wisconsin ở Mỹ; Oxford, Cambridge, London ở Anh v.v… đều đang tiếp nối sự nghiệp khả kính và lẫy lừng của các thế hệ trước. Những sinh viên theo ngành Cổ Ấn Độ học, hoặc Đông phương học, Phật học, đều phải học tiếng Phạn từ cấp cử nhân. Đối với sinh viên theo ngành Phật học, họ phải nắm vững tối thiểu hai cổ ngữ là Phạn-Pāli, Phạn-Hán, hoặc Phạn-Tạng. Trong hai cổ ngữ này, tùy theo ngành học, có một cổ ngữ chính, còn lại là cổ ngữ phụ.
* Việc dạy và học tiếng Phạn tại Việt Nam hiện nay
Hòa thượng nhận định thế nào về việc dạy và học bộ môn Phạn ngữ tại các trường Phật học tại Việt Nam hiện nay? Phải chăng tầm quan trọng của bộ môn này chưa được đánh giá đúng mức?
– Hiện nay, chỉ có hai trường Phật học tại Việt Nam có dạy tiếng Phạn đó là Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM và Học viện Phật giáo VN tại Huế.
Tại TP.HCM, Học viện đã mở khoa Phật học Phạn ngữ kể từ khóa VI, năm 2006 và chỉ riêng Tăng Ni sinh theo học khoa này mới phải học tiếng Phạn. Vì chưa từng tiếp cận với Phạn ngữ, và phải bắt đầu từ vỡ lòng, nên Tăng Ni sinh khoa Phật học Phạn ngữ phải dành nhiều thì gian và nỗ lực cho việc học tiếng Phạn căn bản trong 2 năm đầu. Có như vậy họ mới có thể đủ vốn liếng để rèn luyện khả năng đọc và hiểu văn điển Phật giáo bằng tiếng Phạn của một số bộ môn khi bước vào 2 năm chuyên ngành. Ngoài tiếng Phạn ra, mỗi học kỳ họ còn phải học 4 bộ môn tổng quát khác. Việc ấy làm Tăng Ni sinh cảm thấy học khoa Phật học Phạn ngữ “căng” và khó hơn các khoa khác.
Với các khoa như Triết học Phật giáo, Phật học Trung Quốc, hay khoa Pāli chẳng hạn, Tăng Ni sinh cũng chỉ phải học tiếng Hán cổ, hay tiếng Pāli là những cổ ngữ mà họ khá quen thuộc, vì tối thiểu đã từng học ít nhiều ở các trường trung cấp Phật học. Chưa kể có người đã từng tiếp cận nó khi mới bước vào chùa. Tuy nhiên, với người học khoa Phật học tiếng Phạn, sau khi tốt nghiệp cử nhân, họ có lợi thế là đã được trang bị cổ ngữ Phạn thiết yếu cho việc tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu ở chương trình thạc sĩ và tiến sĩ Phật học. Đó như một đền bù công khó nhọc họ đã bỏ ra, cũng là điều mà Tăng Ni sinh các khoa bị thiếu.
Có thể khẳng định, để nghiên cứu chuyên sâu các thánh điển Phật giáo, người ta không thể không biết tiếng Phạn. Các đại học lớn ở Âu Mỹ cũng như Nhật Bản đã thấy điều này từ lâu. Vì vậy, đối với các sinh viên theo chương trình thạc sĩ và tiến sĩ Phật học tại các nước ấy, họ bị đòi hỏi phải biết tối thiểu hai cổ ngữ, trong đó có tiếng Phạn. Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM đã thấy tầm quan trọng của tiếng Phạn đối với Phật học, nên đã mở khoa Phật học tiếng Phạn. Tuy nhiên theo hoàn cảnh cá biệt của Học viện, tiếng Phạn chưa được học tập phổ cập ở các khoa khác. Hiện nay chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ Phật học đã được mở lại, vai trò Phạn ngữ cần phải được đánh giá lại.
Một hệ thống tài liệu, giáo trình Phạn ngữ chuẩn mực và tiệm cận với thế giới phải chăng là điều mà chúng ta đang thiếu, thưa Hòa thượng?
– Hệ thống tài liệu, giáo trình Phạn ngữ bằng tiếng Anh, đủ chuẩn mực và tiệm cận với thế giới không thiếu. Cái chúng ta thiếu, hoặc không có nhiều hiện nay là các giáo tài Phạn ngữ bằng tiếng Việt. Cụ thể, chúng ta chưa có một bộ từ điển Phạn-Việt tiêu chuẩn. Về giáo trình, khoa Phật học Phạn ngữ của Học viện đang sử dụng bộ Giáo trình Phạn văn của Đại học Heidelberg, do Tiến sĩ Thomas Lehmann biên soạn và Tiến sĩ Đỗ Quốc Bảo biên dịch sang tiếng Việt. Về ngữ pháp, chúng ta hiện có cuốn Ngữ pháp tiếng Phạn do Giáo sư Lê Mạnh Thát biên soạn. Hy vọng trong một thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ có cuốn Ngữ pháp Phạn ngữ của Kielhorn và Cú Pháp Phạn ngữ của J. S. Speyer (Speijer), cũng đều đang được Tiến sĩ Đỗ Quốc Bảo soạn dịch sang tiếng Việt, nhất là sẽ có một bộ từ điển Phạn-Việt đủ tiêu chuẩn phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu tiếng Phạn của Tăng Ni sinh.
Trên cương vị Trưởng khoa Phật học Phạn ngữ – Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Hòa thượng có những kỳ vọng nào với bộ môn mà mình đang đảm trách?
– Các Tăng Ni sinh của khoa Phật học Phạn ngữ – Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM khi đã bắt đầu làm quen với tiếng Phạn, rồi đọc được các văn điển Phạn ngữ của Phật giáo, họ đều thấy ham thích. Đến nỗi khi chúng tôi theo đề nghị của chư tôn đức trong Hội đồng điều hành Học viện, hỏi ý kiến họ về việc giảm bớt một số bộ môn đọc hiểu văn điển Phật giáo tiếng Phạn, để giảm bớt độ khó và gánh nặng của chương trình, họ đều không chịu. Điều này cho thấy Tăng Ni sinh Việt Nam chúng ta nếu quyết tâm và chịu khó, họ đều có khả năng tiếp cận tốt tiếng Phạn, dầu tiếng Phạn có phần khó hơn các cổ ngữ khác.
Với sự quan tâm và đánh giá đúng mức của Học viện về tầm quan trọng của Phạn ngữ trong học thuật Phật giáo, nhiệt tình và nỗ lực của Tăng Ni sinh, cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia Việt Nam về Phạn ngữ, chúng tôi hy vọng sẽ có những chủ trương đúng đắn, và chương trình phù hợp giúp Tăng Ni sinh làm quen với mẫu tự Devanāgarī của Phạn ngữ, tiến đến nắm vững các ngữ pháp căn bản. Điều này sẽ giúp họ có thêm hứng thú học tập. Như vậy, những bước khởi đầu lâu nay của bộ môn Phạn ngữ của Học viện sẽ tiếp tục vững tiến, làm nền cho việc phát triển bộ môn Phạn ngữ tại Việt Nam, cũng như nâng cao nền Phật học nước nhà lên một tầm mới.
Chân thành cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian chia sẻ và cung cấp nhiều thông tin thú vị với bạn đọc Báo Giác Ngộ.
Giải Hạnh/Báo Giác Ngộ thực hiện