Chặt một cái cây

Ngày nay, trong những thành phố chật chội, khi mỗi tấc đất là một tấc vàng đúng nghĩa, việc chặt một cái cây có tuổi đời hàng chục hay thậm chí cả trăm năm đã trở thành việc bình thường và đơn giản.

Làm sao cho đường không ngập nữa mới là việc tốn biết bao nhiêu giấy mực và trăn trở, chứ chặt một cái cây thì đơn giản hơn nhiều, chỉ vài phút là xong. Dẫu rằng chặt tỉa cây xanh trong đô thị vì những lý do bất khả kháng là việc không thể tránh khỏi, nhưng tôi ngờ rằng với tình trạng chặt cây trở nên đại trà bây giờ, khéo vài năm nữa sẽ hình thành một kỹ nghệ chặt cây với những “nghệ nhân” lành nghề. Đùa vui thế biết đâu có ngày thành thật, chả ai biết trước điều gì!

Mỗi người Việt Nam từ lúc bé xíu đã được dạy rằng phải biết tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cây cối, điều ấy còn ghi hẳn vào sách giáo khoa, ai là trả bài cũng thuộc răm rắp, nhưng sách vở mãi là sách vở, chúng ta chặt cây thì vẫn cứ chặt cây. Thi thoảng đi ngang một đoạn đường tôi sửng sốt nhận ra chỗ vốn từng có một cái cây bỗng nhiên biến mất hoàn toàn, dừng xe lại ngó thật kỹ thì sẽ thấy chỗ ấy còn lưu dấu cái cây đã bị chặt đến sát tận gốc. Không rõ có quy định nào về việc chặt cây xanh ở thành phố của chúng ta không, chứ tôi thấy hễ ngôi nhà nào đang xây dựng, hay cửa hàng nào đang tu sửa là y như rằng cái cây trước mặt tiền của những nơi đó bị chặt mất.

Tôi nhớ trong tiểu luận Tâm lý học của việc ngắt hoa của Hamvas Béla có đoạn thế này:

“Cỏ cây sống trong hai thế gian và buộc hai thế gian lại: dưới trần thế, nơi có những kẻ đã chết, nơi có vật chất, và bên trên trần thế, nơi có những linh hồn và các tinh thần. Bởi vậy sự sống của cỏ cây mở, giống như cây cầu hoặc cái cổng, mở ra ngoài và vào trong, mở lên và mở xuống. Sự sống của nó mở hơn của con người, kẻ đã tách rời khỏi đất và bất lực về phía tối tăm dưới lòng đất.

Hoa giống như một bộ phận tinh thần của cỏ cây: một tượng trưng linh hồn. Phần tối tăm, rễ cây là của những người chết, những kẻ thân xác nằm bên dưới; hoa, phần sáng, là của những kẻ đã chết nhưng linh hồn nằm bên trên. Khi con người đặt hoa lên mộ, họ chỉ ra một nạn nhân. Và ‘con người trong mọi trường hợp, dâng hiến cho cái chỉ ra nạn nhân’. Dâng hoa chỉ có nghĩa ngần này, trở thành nạn nhân của hoa. Của linh hồn”. (*)

Trong cuộc sống, chúng ta cần cây cối nhiều hơn chúng ta nghĩ. Thói quen dừng đèn đỏ của người thành phố vẫn là lựa chỗ nào có bóng cây mà đứng lại trong khi còn cách xa vạch dừng. Nắng nóng buộc ta nhớ đến sự tồn tại của những hàng cây, những tán cây mà chúng ta đã đốn bỏ ít nhiều.

Dẫu không phải là người theo thuyết vạn vật hữu linh nhưng tôi tin rằng bên trong mỗi nhành cây, ngọn cỏ đều chứa đựng một nguồn sống linh động, tôi nhận ra đâu đó trong tâm thức, mình dường như được thừa hưởng cái nếp nghĩ của ông bà tổ tiên rằng nên tôn trọng cây cối quanh mình, rằng nó không chỉ là một thứ không xúc cảm; giữa con người biết khóc, biết cười, biết buồn vui ái ố với những sinh thể tưởng chừng vô tri ấy, còn có mối quan hệ thâm tình.

Tôi nhớ ở quê tôi mỗi khi nhà nào có tang ma, thì gia quyến sẽ chít khăn tang cho cả những cái cây trong vườn. Những cái cây thắt ngang mình một mảnh khăn trắng nhìn như một đứa con buồn bã đang đưa tiễn người thân. Mà lạ hơn nữa, có những cái cây từng được người quá cố tự tay vun xới, chăm bẵm không được chít khăn tang, đến một ngày bỗng trở nên tàn tạ, héo úa. Nhìn cảnh ấy, ai còn có thể bảo rằng cây cối chẳng hay biết gì?

Trong cuộc sống, chúng ta cần cây cối nhiều hơn chúng ta nghĩ. Thói quen dừng đèn đỏ của người thành phố vẫn là lựa chỗ nào có bóng cây mà đứng lại trong khi còn cách xa vạch dừng. Nắng nóng buộc ta nhớ đến sự tồn tại của những hàng cây, những tán cây mà chúng ta đã đốn bỏ ít nhiều.

Có những bộ tộc sống trong rừng, trước khi chặt một cái cây họ sẽ thực thi một nghi lễ, để cầu xin và tạ tội với thần linh với thiên nhiên vì đã triệt hạ một sinh linh của “người” để làm lợi cho mình. Người Tây Nguyên ngày trước, và cả bây giờ nữa, khi đi vào vùng rừng “nội giới”, chốn được họ xem là của Yang, của thần linh ẩn trú, đều phải làm lễ “Mở cửa rừng”. Từ khi con người xem cây cối là tài sản của riêng mình, ta đã có những hành xử đôi lúc hết sức vô tình, để rồi khi oằn mình dưới sự biến đổi đầy khắc nghiệt của khí hậu, chúng ta mù mờ nhận ra dường như con người đang phải trả giá cho những gì mình đã làm.

Khi viết nên những dòng này, tôi đang ngồi ở một góc công viên, ngay chỗ từng hiện hữu bóng một cây tùng trong khu vực chung cư Hồ Văn Huê. Bóng tùng này là nơi đặt những bàn trà mỗi sáng, là chốn lũ trẻ chơi đùa vào mỗi cuối tuần, những cụ già thong thả tập thể dục với lũ cún chạy vòng quanh. Một ngày đẹp trời, gốc tùng ấy bị đốn đi trong sự ngỡ ngàng của nhiều người trong khu chung cư, tất cả diễn ra chỉ trong vài phút.

Hãy tưởng tượng cũng buổi sáng hôm ấy, một cư dân gắn bó với khu chung cư này hàng mấy mươi năm đi đâu xa về, chợt thấy cây tùng thân quen trong mắt mình đã bị đốn hạ, cảm giác khi đó hẳn giống như nhà mình bị mất trộm, tài sản mình bị hư hại. Một cái cây mọc ở khu dân cư thuộc về tài sản chung của cộng đồng, không một cá nhân nào có cái quyền tự quyết chặt hay không chặt mà không hỏi qua ý kiến số đông dân cư ở đó. Chặt một cái cây như vậy không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng với thiên nhiên mà trước hết còn đang thể hiện sự thiếu tôn trọng với con người.

Nhưng đã xa lắm rồi cái buổi sáng chúng tôi mất đi cây tùng “của mình”. Giờ đây, mỗi ngày, ở đâu đó trong thành phố, những cái cây vẫn đang dần biến mất để nhường chỗ cho một ngôi nhà mới xây, một cái sân mới lát, một con đường mới mở.

Đối với người Phật tử, ta không lạ gì với hình ảnh những loài cây gắn liền với cuộc đời Đức Phật. Dưới tán cây vô ưu Người ra đời và giữa rừng cây sa-la Người nhập diệt. Như thể thật ra cuộc đời Người đã khởi đi và ẩn tàng ở cùng một chỗ.

Có lẽ con người đã quá ngạo mạn khi nghĩ rằng sự sống của mình là tuyệt đối. Khi một cái cây rời đi, ta mất đi sự kết nối với phần còn lại của thế giới, phần thuộc về thiên nhiên, thuộc về phần không gian mà ta vừa khao khát vừa chối bỏ.

Một bữa nọ, dừng xe trên một ngã tư ở trung tâm thành phố, tôi bắt gặp những người công nhân đang đục bỏ mặt bê-tông phẳng lì của vỉa hè. Ít lâu sau, cũng trên chính phần vỉa hè ấy, người đi đường bắt gặp mảng xanh của cỏ, màu sắc rực rỡ của mấy cụm hoa. Tôi ngoái nhìn một vòng những người dừng đèn đỏ, chợt bắt gặp vài ánh mắt chăm chú hướng về mảng xanh mới trồng ấy.

Rồi con người cũng chẳng thể sống mà không có những cái cây.

———————-

(*) Trích Một giọt từ sự đọa đày, Nguyễn Hồng Nhung dịch.

Huỳnh Trọng Khang/Báo Giác Ngộ