Có một bộ phim đề tài Phật giáo đang chiếu rạp

Phim khởi chiếu đúng ngày tôi đi Nhật, nên khi về Sài Gòn, tranh thủ ra rạp xem ngay, vì biết rằng, những bộ phim như thế này khó lòng mà trụ rạp được lâu!

Có thể có khá nhiều lý do ban đầu khiến người ta đến với bộ phim.

Vì tài tử vai chánh (Paing Takhon) quá điển trai, nổi tiếng của xứ Myanmar, lại được nhiều người chú ý hơn khi anh bị chánh quyền bắt bỏ tù khổ sai một thời gian vì bất đồng chánh kiến. Quan tâm hơn khi đây là một trong những bộ phim đầu tiên anh tham gia sau khi ra tù.

Vì tình yêu xứ Myanmar. Khung cảnh làng quê, nếp sống của những người nhai trầu, mặc longyi và má còn vết trét thanaka và cả không gian tu viện cổ kính toàn bằng gỗ, rất đặc trưng của Myanmar. Đặc biệt là không gian tươi xanh, nhiều cây to cổ thụ giữa núi rừng hùng vĩ, những công việc nông thôn đặc trưng  và những người dân kính Phật, thuần lành…

Món quà ý nghĩa nhất cho người thân yêu

Vì đây là bộ phim hiếm hoi của Myanmar có mặt ở rạp phim Việt, khi mà nhiều năm qua, người ta đọc, biết về xứ ấy toàn là những binh biến nội chính.

Vì được cho rằng đây là bộ phim chữa lành.

Phim ra mắt lặng lẽ, nhận được ít “rì-viu” (review) trên mạng xã hội hơn các bộ phim chiếu cùng thời điểm tháng 10, “chiến lược” PR cho phim tỏ ra khá bối rối trong việc truyền thông,  loanh quanh việc gắn mác chữa lành, tịnh tâm, an lạc…

Phim có xuất chiếu ít, khung giờ không đẹp.

Phim chỉ trong một vài câu là có thể tóm tắt hết nội dung nhưng để thấm, hiểu nó và viết ra thì không hề dễ.

Phim cài cắm nhiều thông điệp, đôi khi hơi vội, hơi khựng và hơi bị lặp, đưa thông điệp vào lời nói của nhân vật, tình huống khiến khán giả dễ thấy hơi gượng. Thời lượng khá dài nên hơi lê thê.

Nhưng, khi hiểu đây là một bộ phim làm từ một câu chuyện có thật, nên từng lời nói, cảm nhận và diễn biến nội tâm khiến người ta phải ngẫm về những thứ dính mắc trên đời, là một bài ngợi ca yên ả về tâm từ, một câu chuyện về yêu thương và chấp nhận, vượt lên những tình cảm thông thường giữa con người và con vật 4 chân gần gũi nhứt của con người, thì ta có thể tạm gác qua những khiếm khuyết của bộ phim để dành thời gian mà ngẫm nhiều hơn.

Điều nhận ra sau hơn 2 tiếng đồng hồ ngồi đối diện với màn ảnh rộng, những thông điệp và cảm xúc mà phim khơi gợi, thì thật cần thiết và đáng ngẫm biết bao.

Nhà sư và chú chó An Lạc trong phim An Lạc
Nhà sư và chú chó An Lạc trong phim An Lạc

Tên phim là An Lạc (Kan Kaung), cũng là tên của chú chó do nhà sư Shin Sanda đặt khiến tôi nhớ đến chú chó trung thành được biết đến nhiều nhất nước Nhật, đến mức được dựng thành tượng từ trăm năm trước. Chú chó Hachiko. Chuyện này cũng đã được dựng thành phim. Cảm giác ban đầu dễ khiến người ta nghĩ rằng đây là Hachiko phiên bản Myanmar.

Nhưng phim An Lạc không chỉ nói về lòng trung thành, mà miêu tả mối quan hệ, sợi dây gắn kết vô hình mà rất sâu sắc giữa nhà sư Shin Sanda  và chú chó An Lạc, cùng nhiều bài học mà nhà sư trẻ đang dần nhận ra mỗi ngày. Từ những đồng cảm ban đầu, khi cả hai đều là những kẻ không có người thân thích trên đời đến mối thân tình ngày càng khắng khít giữa người và vật, trải qua những biến cố buồn vui trong cuộc hành trình sóng đôi khiến họ càng gắn bó. Điều này vô tình là thứ dính mắc tưởng chừng khó có thể vượt qua đối với nhà sư trẻ trên con đường tu tập, vốn không hề dễ dàng và nhiều thử thách rất vi tế.

Phim khiến tôi nhớ xứ Myanmar ấy rất nhiều, từng rất bình yên, người dân hiền hòa, kính Phật trọng sư, nhiều cây lắm bụi, đầy xe cũ và vô số đền đài cổ xưa. Đã bao thu rồi chưa trở lại…

Lê Minh Hạ (nhà báo)