Ý nghĩa tối thượng
Những ai đã đọc quyển “Góp nhặt Cát Ðá” đến câu chuyện Giáo Lý Tối Thượng chắc không khỏi có điều thắc mắc? Vì sao? Câu chuyện như vầy:
Có anh mù, một hôm đến thăm người bạn, vì mãi mê chuyện trò đến trời tối không hay. Khi ra về, người bạn mới đốt một cây đèn lồng trao cho anh, anh khoát tay nói: “Với tôi thì ngày cũng như đêm có cần gì đến thứ này”. Người bạn giải thích: “Tuy nhiên với anh thì được, song đối với người sẽ nhờ có cây đèn này mà thấy và tránh anh!”.
Anh nghe nói có lý liền cầm lấy cây đèn và chào ra về. Nhưng anh đi được một quảng, chợt có người bất ngờ đâm sầm vào anh. Anh quát: “Ai vậy? Chẳng thấy tôi cầm cây đèn đây sao?”. Người kia đáp: “Thưa bạn, đèn của bạn đã tắt từ lâu rồi!”.
Ðọc qua câu chuyện tựa đề là Giáo Lý Tối Thượng, song chúng ta có thấy chỗ nào là Giáo Lý Tối Thượng? Thật là khó hiểu! Phải chăng với một kẻ mù thì dù có được ân cần trao cho cây đèn cầm trong tay nhưng vẫn không tự cứu mình thoát khỏi tai nạn. Trái lại, chính mình phải tự sáng mắt, khi đó cây đèn mới có hiệu quả?
Cũng vậy, muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi, ngoài chúng ta ra, ai có thể thay thế cho mình làm việc đó? Dù chúng ta có được trao cho một pháp môn cao siêu mầu nhiệm, mà chính mình không thể tự sáng, thì pháp đó cũng chỉ là món ăn tạm thời vậy thôi, đôi khi còn có hại nữa là khác. Nên nói: Ðề hồ biến thành độc dược! Bởi thế chư Phật dù có trải qua nhiều kiếp mỏi miệng, tràn môi, song chúng ta giờ đây cũng vẫn lặn hụp không biết ngày cùng. Vì Phật, Tổ dù có thương xót chúng ta bao nhiêu, chỉ là trợ duyên chúng ta trên một ý nghĩa tạm thời. Nếu chúng ta không chịu tự mình mở mắt ra, lại cứ bám vào những lời Phật, Tổ, lấy cái hiểu của người làm cái hiểu của mình, thì có khi nào được giải thoát? Chúng ta còn nhớ câu chuyện Ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn chăng? Sư ở nơi Tổ Bá Trượng được nổi tiếng là hỏi một đáp mười, thế nhưng sau khi Tổ Bá Trượng qui tịch, Sư đến Qui Sơn bị một câu hỏi đành câm miệng. Qui Sơn bảo:
– Nghe nói ông ở chỗ tiên sư Bá Trượng hỏi một đáp mười. Vậy giờ đây hãy nói một câu xem: “Thế nào là một câu trước khi cha mẹ chưa sanh?”.
Sư bị một câu này mờ mịt không đáp được, trở về liêu, Sư soạn hết sách vở đã học qua, tìm một câu đáp trọn không thể có. Sư than: “Bánh vẽ chẳng no bụng đói”. Ðến cầu Qui Sơn nói phá. Qui Sơn bảo:
– Nếu ta nói cho ngươi về sao ngươi sẽ chửi ta, ta nói là việc của ta, đâu can hệ gì đến ngươi?
Rõ ràng từ ngoài mà được chẳng phải chân thật của báu, nơi người mà hiểu đâu dính dáng đến việc bổn phận? Sư bèn đem những sách vở đốt hết, từ giả ra đi.
Một hôm, ở chỗ Nam Dương, nhân cuốc cỏ trên núi, lượm hòn gạch ném trúng cây tre vang tiếng. Sư chợt tỉnh ngộ phá lên cười. Sư trở về tắm gội, thắp hương hướng Qui Sơn đảnh lễ, ca tụng rằng: “Hòa Thượng từ bi ơn như cha mẹ, khi trước nếu vì con nói rồi thì làm gì có ngày nay”. Ðó là phải tự mình sáng lên mới có thể nếm mùi pháp vị. Thế nên Nham Ðầu ở Ngao Sơn đâu chẳng bảo Tuyết Phong rằng: “Từ cửa vào chẳng phải của báu trong nhà… muốn xiển dương đại giáo mỗi mỗi phải từ nơi hông ngực mình lưu xuất, sau này cùng ta che trời che đất đi”. Nghĩa là nếu của báu trong nhà ắt tự mình lấy ra dùng đâu thể một bề đến nơi người mà nhận đem về gìn giữ sao khỏi có lúc phải trả lại, chung cuộc vẫn tay không.
Từ đó chúng ta mới thấy ý nghĩa thâm sâu trong kinh Pháp Hoa, phẩm Tùng Ðịa Dũng Xuất. Khi ấy các Ðại Bồ Tát từ tha phương đến trước Phật Thích Ca thưa thỉnh, nếu Phật hứa cho, các vị sẽ ở cõi Ta Bà này sau khi Phật diệt độ, hộ trì kinh Pháp Hoa. Phật không chấp nhận, bảo rằng: “Thôi đi, chẳng cần các ông hộ trì kinh này. Vì sao? Vì ở cõi Ta Bà đây có các vị Ðại Bồ Tát số đông đến sáu muôn sông Hằng, mỗi vị có sáu muôn hằng sa quyến thuộc, các vị đó có thể hộ trì kinh này”. Khi Phật nói ra lời đó, cõi Ta Bà ở Tam Thiên Ðại Thiên các cõi nước đất đều rung nứt. Trong đó có vô số vị Ðại Bồ Tát từ dưới lòng đất vọt lên! Mới nghe qua chúng ta thấy đức Phật có vẻ địa phương quá phải không? Tuy nhiên nhận sâu vào, mới thấy ý nghĩa cao thâm. Bởi kinh Pháp Hoa là tượng trưng cho “Tri kiến Phật” tức tánh giác nơi mỗi người. Muốn bảo vệ tánh giác đó, nếu không phải tự mình giữ lấy, lại bảo người giữ gìn, làm sao có thể bảo đảm lâu dài? Thế nên Phật không chấp nhận Bồ Tát tha phương hộ trì kinh Pháp Hoa.
Ðến đây chúng ta mới hiểu vì sao trong nhà Thiền thường chia hai loại trí: Trí hữu sư và Trí vô sư. Trí hữu sư là trí từ nơi học hỏi mà được. Nó có giá trị tạm thời không phải cứu cánh miên viễn. Chính Trí vô sư là cái tự mỗi người phát minh ra, chẳng từ nơi miệng người truyền, cũng không do ai đem lại, đó là “chân trí tối thượng”. Người nhận ra được trí này là đã đi đến ngã rẻ của con đường giác ngộ, từ nay không còn trở lại sanh mê, nguồn giải thoát là đây.
Nói trắng ra, chủ yếu Thiền Tông vốn chỉ thẳng cho người nhận ra cái trí vô sư này chớ không có gì khác. Bởi thế những tiếng hét chát tai, những cái đánh trời giáng cốt đập thẳng vào chúng ta để sống dậy “vô sư trí hiện tiền!”. Người mà đạt đến đây mới có thể mở miệng nói: “Từ nay không còn bị đầu lưỡi các Hòa Thượng trong thiên hạ lừa!”. Ðó là sống vững mạnh trong ánh sáng của chính mình.
Chúng ta đâu chẳng nghe Ngài Nam Viện Huệ Ngung hỏi Phong Huyệt: “Phương Nam một gậy thương lượng thế nào?”. Phong Huyệt đáp: “Thương lượng rất kỳ đặc”. Lại hỏi: “Hòa Thượng ở đây một gậy thương lượng thế nào?”. Nam Viện cầm gậy lên bảo: “Dưới gậy vô sanh nhẫn, gặp cơ chẳng thấy thầy”. Ngay câu nói này Sư triệt ngộ. Tức là ngay một gậy liền quên chủ khách đối đãi, tự mình sống dậy không chỗ nương, từ đó mới có thể đảm đang việc lớn! Một hôm Nam Viện lại hỏi: “Ngươi nghe Lâm Tế khi sắp tịch nói chăng?”. Sư thưa: “Nghe”. Nam Viện bảo: “Lâm Tế nói: Ai biết chánh pháp nhãn tạng của ta đến bên con lừa mù diệt. Lại Ngài lúc bình sanh như con sư tử thấy người liền giết, đến khi sắp tịch tại sao lại bó gối, xuôi đuôi như vậy?”. Sư thưa: “Mật phó sắp tịch, toàn chủ mất mật”. Nam Viện lại hỏi: “Tại sao Tam Thánh Huệ Nhiên cũng không nói?”. Sư thưa: “Con thật đã gần gũi nhận lãnh vào thất, chẳng đồng với người đi ngoài cửa”. Nam Viện gật đầu. Chúng ta có hiểu chăng, Ngài Phong Huyệt muốn nói gì? Chỗ này phải là kẻ ở trong nhà mới tự cảm thông lấy, không phải người tà tâm có thể nhìn trộm. Do đó Phong Huyệt nói: “Con thật đã gần gũi nhận lãnh vào thất, chẳng đồng với người đi ngoài cửa”. Nam Viện muốn gạn lại chỗ thấy của Phong Huyệt, qua câu nói này đã xác chứng Sư đang sống trong ấy không còn nghi. Ðó là chỗ Nam Viện gật đầu!
Rõ được chỗ này, chúng ta mới có thể sống dậy giữa những tiếng hét, tiếng cười, vùng lên dưới những nhát búa, đường gậy! Ta đã có lối đi! Thiền Sư Ỷ Ngộ ở Pháp Xương đâu chẳng nói: “Ở thành Tỳ Da im lặng, phỏng theo tông thừa; Thứu Lãnh giơ cành hoa trở thành thuốc độc; chín năm xây mặt vào vách, làm ngu độn tông tổ tiên; nửa đêm truyền y, là gạt kẻ hậu học; Mã Tổ tức tâm tức Phật, in tuồng ôm gốc cây đợi thỏ; Bàn Sơn phi tâm phi Phật, có thể gọi là hòa bùn hợp nước. Những tri kiến như thế là bại hoại Tổ phong, diệt dòng họ Thích…” Vì sao? Ở thành Tỳ Da im lặng tức Ngài Duy Ma Cật im lặng, Bồ Tát Văn Thù tán thán: chúng ta phải thấy thấu trong chỗ im lặng, chớ dừng nơi đây. Thứu Lãnh giơ cành hoa là trong hội Linh Sơn Thế Tôn giơ cành hoa sen, Ngài Sa Diếp mĩm cười: nên khéo thấy ý kia, chớ ở trên cành hoa mà làm chỗ hiểu. Chín năm xoay mặt vào vách là Tổ Ðạt Ma chín năm ngồi yên nơi động Thiếu Thất: chỉ vì cơ duyên chưa đến, nếu cứ bắt chước như thế, làm sao có thể tự sáng? Nửa đêm truyền y là Ngũ Tổ trong thất truyền y bát cho Lục Tổ: một hoàn cảnh tạm thời, chớ việc này ai ai cũng đều đủ có gì giấu giếm? Mã Tổ tức tâm tức Phật là: tạm dùng qua cơn loạn. Bàn Sơn phi tâm phi Phật: đâu thể riêng có? Ðó là Ngài thổi vào chúng ta một luồng sinh khí, mở ra một con đường sống, chẳng cho đạp dấu chân người mà ôm giữ cái tri kiến đã chết. Chẳng thế là chúng ta tự đóng khung mình trong cái khuôn thước cũ và không thấy được Phật, Tổ sống. Hoàng Long Thiền Sư cũng từng bảo người: “Ðã ra khỏi cửa thì lay tay đi thẳng, chẳng cần biết có người gát cửa”. Nếu còn do dự là lỗ mũi mình ở trong tay người!
Như vậy, đến đây chúng ta đã hiểu thế nào là Ý Nghĩa Tối Thượng rồi chứ gì? Tức là chỉ thẳng mỗi người chúng ta tự tỉnh sáng lên, mở mắt ra mà nhìn những lẽ thật xưa nay. Chính tâm tỉnh sáng đó là nguồn giải thoát trên hết, ngoài ra không ai có thể giải thoát thay cho chính mình. Nếu chúng ta đầy đủ cái nhân này là chúng ta đầy đủ cái nhân thành Phật không còn nghi ngờ.
Ðể kết luận về Ý Nghĩa Tối Thượng, chúng ta hãy nghe câu chuyện Ngài Ðức Sơn ở Long Ðàm. Một đêm Sư đứng hầu, Sùng Tín bảo: “Ðêm khuya sao chẳng xuống?”. Sư kính chào bước ra, lại trở vào thưa: “Bên ngoài tối đen”. Sùng Tín thắp cây đèn cầy đưa Sư, Sư toan tiếp lấy, Sùng Tín liền thổi tắt. Ngay đó Sư đại ngộ! Tại sao đã đốt đèn đưa cho người, người vừa tiếp lấy liền thổi tắt? Vậy tiếp lấy là tiếp lấy cái gì? Ðây chúng ta nghe lại câu chuyện Ngũ Tổ Hoàng Mai đưa Lục Tổ qua sông. Khi ấy Lục Tổ giành lấy tay chèo, thưa: “Lúc còn mê thì nhờ thầy độ, giờ đây con phải tự độ”. Qua câu nói này chúng ta đã nhận ra chỗ thổi đèn đưa cho Ðức Sơn là: “Khi mê nhờ thầy độ”. Ðức Sơn vừa tiếp lấy, Sùng Tín liền thổi tắt là: “Giờ đây con phải tự độ”. Ngay đó tự nắm lấy tay chèo! Nếu sáng được chỗ này liền rõ ý kia. Ba đời chư Phật, lịch đại Tổ Sư đâu chẳng chỉ dạy chúng ta khéo nhận ra và giữ gìn một việc này? Ðược vậy chúng ta mới tự cứu mình và Phật, Tổ cũng không uổng công!
Tóm lại chánh pháp Như Lai dù cao siêu đến đâu nhưng nếu chúng ta không chịu tỉnh giác thực hành ắt cũng khó thấy giá trị hữu ích. Trái lại, phải tự mình sống dậy trong chánh pháp, đó là cửa diệu đưa mình ra khỏi khổ đau. Chính khi ấy chúng ta mới hiểu, thế nào là “Ý Nghĩa Tối Thượng”.
Nguồn: Thiền viện Thường Chiếu