Một người tu là một người phải biết dạy được tâm mình
Bình thường mình sống mình không kiểm soát tâm mình, để rồi ngay lúc có chuyện mình sống theo bản năng. Khi tu bước đầu tiên là phải kiểm soát được tam nghiệp của mình, kiểm soát thân, khẩu, ý của mình.
Muốn kiểm soát thân khẩu ý có nhiều cách. Và mọi người chúng ta ở đây không ai giống ai. Tôi lấy ví dụ, có một số người họ có thói quen thấy gì họ cũng nói, có một số người họ có thói quen phản ứng là im lặng và bỏ đi, có một số người họ có thói quen khi họ giận họ vùng vằn, họ phải đập cái này, đập cái kia, đập phá đồ,…v.v.
Tất cả mọi người do hạnh nghiệp khác nhau, sở hành khác nhau, mà chúng ta có tu tập khác nhau. Và không ai giống ai hết. Khi chúng ta ngồi hành thiền xuống rồi là để chúng ta làm gì, chúng ta thay đổi con người của mình. Thiền chỉ là để an tĩnh con người của mình. Thiền minh sát là để hiểu con người của mình. Như vậy mình muốn hiểu con người của mình. Để thấy được bản chất đời sống của mình thì mình phải nhận thức được mình có thói quen bất thiện pháp nào.
Những thói xấu nào, và đó là những thứ chúng ta phải quán tưởng thường xuyên trong đời sống. Chúng ta phải tập cho mình khả năng thay đổi sự quan sát về đời sống. Chúng ta nhìn đời sống theo một khía cạnh nó không phải tiêu cực nhưng nó tích cực trong thiện pháp, tiêu cực với bất thiện pháp.
Khi chúng ta thấy điều bất thiện pháp chúng ta hãy nhận thức đây là điều xấu, điều tốt. Chúng ta không cần biết chúng ta có loại trừ được không nhưng mà trong đầu chúng ta phải cho mình biết rằng cái điều này là không tốt, và nếu là thiện pháp thì nói rằng điều này là tốt. Và khi nó tốt thì thực hiện nó như thế nào?
Thì cũng vậy khi mà chúng ta nghe Phật Pháp, chúng ta nghe ở chỗ này chỗ khác, vị này giảng, vị khác giảng. Vị này dạy chúng ta thế này,…vv.
Và khi chúng ta học pháp chúng ta nghĩ rằng điều đó có thể thay đổi chính bản thân mình hay không. Do vậy những gì mà tôi trình bày với các vị trong những buổi sinh hoạt Phật pháp tôi luôn luôn gởi quý vị một cái đề pháp, nói thẳng là pháp tu.
Chẳng hạn ngày hôm nay tôi nói rất là nhiều thứ, đủ chuyện,… Nhưng trong đó tựu chung một chuyện đó là chúng ta phải luôn luôn quán tưởng về sự sanh diệt của đời sống này. Chúng ta phải luôn luôn quán tưởng về sự sanh diệt của đời sống này.
Khi chúng ta gặp chuyện buồn hay chuyện vui không cần biết. Chúng ta suy nghĩ rằng các hành đều vô thường, và niềm vui nỗi buồn cũng vô thường. Và chúng ta hãy thường xuyên suy nghĩ như vậy. Khi suy nghĩ một thời gian rồi đối với mình sẽ được vô cảm. Chúng ta sẽ không còn buồn phiền những chuyện không cần thiết vớ vẩn trong đời sống nữa.
Ai nói nặng mình một tiếng mình suy nghĩ rằng tất cả các pháp đều vô thường. Những âm thanh, những lời nói mình mới nghe đây rồi cũng vô thường. Không đáng để cho mình lưu lại trong tâm tư của mình. Tất cả mọi thứ nếu thường xuyên mình tập như vậy và mình thường xuyên mình phải tập.
Tại vì tu không thể tu tắt được. Trên đời này Đức Phật Ngài không dạy ai tu tắt, tu ngang, tu dọc được. Tự bản thân mình sao tu tắt được. Tu là có thời gian và sự tinh tấn để mình thực hành. Chính vì những điểm đó cho nên hễ những cái gì chúng ta nghe thuyết pháp chúng ta học chúng ta nghĩ rằng những điều đó chúng ta có thể thực hành được và chúng ta thực hành.
Nhưng một trong những thứ chúng ta thực hành đó là phải dạy cho được cái tâm của mình thì mình mới có thể tu được. Người nào mà chưa dạy được cái tâm của mình thì người đó chưa có tu được.
Mà quán tưởng là một trong những phương pháp để mình dạy tâm mình. Muốn tu là phải dạy tâm mình. Không biết là điều đó nó như thế nào, nó tốt hay nó xấu nhưng cái người không dạy tâm của mình quân bình được. Không tự nhắc nhở tâm của mình được mình không có tu được.
Tùy theo khả năng cái người đó họ có tinh tấn hay không có tinh tấn. Người đó họ có hiểu đạo nhiều hay không có hiểu đạo nhiều. Nhưng người họ muốn tu điều quan trọng đầu tiên họ phải dạy được tâm của họ. Và khi họ dạy được tâm của họ thì thân hành, khẩu hành của họ sẽ bớt tạo nghiệp. Chỉ đơn giản là như vậy thôi.
Còn bây giờ mà chúng ta làm những việc thiện phước, những thiện sự,… chúng ta cứu tế chẩn bần…v.v nó cũng tốt lắm nhưng nó chỉ tốt trong một phạm vi hạn chế nào đó. Mà chúng ta chưa có thực sự tu.
Sư Trí Tịnh