Giảm lo âu bằng cách thiền định
Ngoài việc điều hòa hơi thở và ổn định tâm trí tức thời, thiền định còn được các chuyên gia y tế chứng minh là có tác dụng hiệu quả như thuốc chống trầm cảm, làm giảm các triệu chứng lo âu.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 4% dân số toàn cầu bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn lo âu. Mặc dù đây là triệu chứng nhiều người thường mắc phải, nhưng lo âu dai dẳng hoặc quá mức có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe tâm thần.
Điều này có thể gây ra ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hằng ngày với các biểu hiện như: khó tập trung, khó đưa ra quyết định, cảm thấy cáu kỉnh, căng thẳng, bồn chồn với nhịp tim tăng nhanh, buồn nôn, đau bụng, gặp phải các vấn đề về giấc ngủ hay thậm chí là luôn có cảm giác nguy hiểm.
Những người có triệu chứng trên thường được kê thuốc chống trầm cảm, tuy nhiên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn vì chúng có thể khiến người bệnh lâm vào tình trạng phụ thuộc trầm trọng.
Thiền định so với thuốc chống trầm cảm
Một nghiên cứu do Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia tại Maryland (Mỹ) phát hiện rằng, việc thực hành giảm căng thẳng dựa trên thiền định mang lại hiệu quả giống như khi sử dụng escitalopram (Lexapro – một loại SSRI thường được sử dụng để điều trị trầm cảm và lo âu). Khi ngồi thiền, biểu hiện ở những người mắc các chứng rối loạn lo âu khác nhau có dấu hiệu giảm đi.
Theo đó, 276 người trưởng thành tham gia nghiên cứu được chẩn đoán mắc các chứng lo âu khác nhau như sợ không gian rộng, rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu tổng quát hoặc rối loạn lo âu xã hội. Họ được chia làm 2 nhóm và tiếp nhận 2 phương pháp điều trị: bằng thuốc hoặc thiền định.
Mỗi ngày, nhóm dùng thuốc được kê cho 10-20 mg escitalopram (một loại thuốc chống trầm cảm) và tham gia các buổi theo dõi lâm sàng hằng tuần. Trong khi đó, nhóm còn lại được học về lý thuyết và thực hành một số hình thức về thiền định.
Sau 4 tuần, những người được điều trị bằng escitalopram báo cáo rằng các triệu chứng lo âu giảm nhiều hơn so với nhóm người thiền định. Nhưng bất ngờ là đến tuần thứ 8, không có sự khác biệt đáng kể nào giữa 2 nhóm. Không chỉ vậy, nhóm dùng thuốc lại gặp nhiều tác dụng phụ hơn: 110 người (78,6%) trong nhóm này báo cáo rằng có ít nhất một tác dụng phụ trong quá trình nghiên cứu, trong khi ở nhóm còn lại chỉ có 21 người (15,4%).
Tiềm năng thay thế thuốc
Lee Chambers, nhà tâm lý học, nhà sáng lập tổ chức sức khỏe Essentialise Workplace Wellbeing (Anh), cho biết: “Với kết quả này, thiền định có tiềm năng là một giải pháp thay thế khả thi, với ít tác dụng phụ hơn và giảm khả năng phụ thuộc vào các loại thuốc chống lo âu. Mặc dù tác động nhanh chóng của escitalopram là đáng chú ý, nhưng nghiên cứu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các chiến lược điều trị dài hơi hơn, cũng như nêu cao tinh thần tự chăm sóc bản thân”.
Bên cạnh đó, việc gặp gỡ và tiếp xúc nhiều người đều đặn hằng ngày, hằng tuần cũng góp phần quan trọng trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Thiền định và các bài tập yoga nói chung cũng đã được chứng minh là có thể làm giảm căng thẳng, trầm cảm và các biểu hiện của lo âu thông qua việc giúp mọi người điều chỉnh cảm xúc. Vì vậy, những ai không muốn mạo hiểm với các tác dụng phụ liên quan đến các loại thuốc chuyên trị, thiền có thể là một phương pháp thay thế hiệu quả để làm giảm các triệu chứng của rối loạn lo âu.
Như Quyên-nguồn Thanh Niên