Chân thật quy y Tam Bảo, hộ trì Phật pháp

Có người tin Phật ở xa, mới đi chùa, chưa quy y, thưa hỏi quy y Tam Bảo là sao?

464193612_2271976216513051_7845646734407014399_n

Đáp:

Quy y Tam Bảo Phật Pháp Tăng là rất cần thiết, là việc làm có ý nghĩa giá trị lớn nhất của đời người, là nền tảng căn bản quan  trọng nhất của một người có tâm tin tưởng và học theo Phật pháp.

Mọi sự thăng tiến về đạo đức, tâm linh, trí tuệ  trong Phật giáo đều bắt đầu từ việc chí thành chí kính quy y Tam Bảo.

Mọi công đức, phước lành, trí tuệ, thiện pháp đều xuất phát từ nền tảng Quy y Tam Bảo.

Kể cả những người tu hành nhiều năm, chưa chúng thánh quả A la hán, nếu xa lìa pháp quy y Tam Bảo thì sẽ khó thăng tiến trong tu tập nếu không muốn nói là sẽ đi lệch đường lạc hướng.

Điều này phải sống tu tập, thể nghiệm trong chánh pháp mới thực sự hiểu đúng.

Gần đây có một số người ngoa ngôn nói càn rằng cứ tu theo Phật là được đâu cần phải quy y Tam Bảo. Không biết Phật, không biết Pháp, không biết Tăng thì chỉ làm theo tâm ý bất thiện, lung tung, càn rỡ của chính mình chứ tu theo Phật nào?

Tam bảo (chữ Hán 三寶 sa. त्रिरत्न triratna, pi. tiratana)

Tam là ba

Bảo là quý báu, quý giá

Tam bảo là ba ngôi báu cho cả cõi trời, cõi người, ba nền tảng chính của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng.

Phật là bậc thánh giác ngộ, thông đạt chân lý, có trí tuệ và tâm từ bi rộng lớn viên mãn. Pháp là lời dạy đúng chân lý của Phật và các bậc thánh. Tăng là đoàn thể xuất gia thanh tịnh tu đúng theo pháp Phật.

Người có niềm tin kiên cố vững chắc nơi Tam bảo được gọi là bậc bất thối chuyển, bậc Dự lưu tức không còn đi vào đường khổ đau luân hồi nữa. Chỉ cần quy y Tam Bảo đúng pháp đã có lợi ích như thế.

Người Phật tử thể hiện sự tin tưởng Tam Bảo bằng hành động cụ thể là làm lễ quy y Tam bảo.

Quy y (chữ Hán 皈依) Còn gọi là y thác (依托). Quy y Tam bảo Phật, Pháp Tăng nghĩa là thành tâm nương tựa, y thác vào Phật, Pháp, Tăng ba ngôi có thể bảo hộ che chở và định hướng cuộc đời.

Quy (歸) có nghĩa ở đây là trở về, theo về,

Y (依) là nương tựa, thuận theo, làm theo,

三 歸依 tam quy y là quy y Tam bảo.

Hán tự chữ quy dị thể được viết là 皈 gồm bộ bạch 白 (sáng, trắng ) và chữ phản 反, “quay về”, ý nghĩa là quay về cõi sáng, một lòng tin tưởng tu tập theo.

Phật chỉ chung cho những bậc đã giác ngộ hoàn toàn, thông đạt chân lý, đức hạnh và trí tuệ viên mãn.

Đức Thích Ca Mâu Ni là vị Phật lịch sử ra đời và giác ngộ cách đây hơn 2600 năm tại Ấn Độ.

Pháp là lời dạy của đức Phật và các bậc thánh phù hợp với chân lý sự thật, là phương pháp tu tập mà đức Phật đã phát minh ra để chuyển hóa tận gốc những si mê phiền não khổ đau và chứng đắc được thánh quả giải thoát giác ngộ. Ba tạng kinh luật và luận của Phật giáo đều gọi chung là chánh pháp. Chánh pháp do Đức Phật giảng thuyết đầy đủ công năng để đưa chúng sinh, mọi người qua khỏi bể khổ, đến bờ giải thoát như Tứ diệu đế , Bát chánh đạo, Thất giác chi, Lục độ Ba la mật, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Ngũ căn, ngũ lực…

Tăng là đoàn thể thanh tịnh, trí tuệ – những người phát tâm xuất gia tu hành theo chánh pháp của Phật, có trách nhiệm giữ gìn và truyền bá chân lý chánh pháp mà đức Phật đã giác ngộ cho tất cả chúng sanh, con người.

Từ bốn vị tỳ kheo thanh tịnh trở lên mới được xưng tăng. Thế gian này chừng nào còn 5 vị tỳ kheo tu hành thanh tịnh đúng pháp, thì Phật pháp trường tồn ở thế gian.

Vì thế vai trò của Tăng bảo là quyết định đối với sự tồn vong của chánh Pháp.

Cho nên những ai dù tự xưng Phật tử, miệng nói tin Phật học Phật mà không tin, không thực hành chánh pháp, bất kinh Tam Bảo, chê bai nhục mạ Tăng Ni, thì chính là đang phá hoại chánh pháp, tội nghiệp vô cùng thâm  trọng, các cư sĩ Phật tử thiện tín nam nữ hãy lưu tâm không nên phạm phải.

Chân thật quy y Tam Bảo, hộ trì Phật pháp, góp phần giữ gìn và truyền bá chánh pháp, chân lý Phật đà, lợi lạc quần sinh, công đức vô lượng, không thể dùng tâm lượng nhỏ hẹp ích kỷ thô thiển của phàm phu có thể hiểu thấu đáo được.

Nương tựa Tam bảo là gốc vạn thiện

TS. Thích Hạnh Tuệ