Tại sao phải “phước huệ” song tu?

Đạo Phật thường dạy phước tuệ song tu và ví phước tuệ như hai cánh chim. Chim bay cao nhờ hai cánh, nếu gãy một cánh thì chim bay không được. Cũng vậy, người tu có phước mà không có tuệ thì chưa ra khỏi luân hồi sanh tử. Vậy phước là gì và tuệ là gì, mà phải song tu mới được viên mãn?

Còn có tuệ mà không có phước thì chỉ tự lợi, chớ không lợi tha được và chưa tới chỗ giác hạnh viên mãn, thế nên nói thiếu.

Vậy phước là gì và tuệ là gì, mà phải song tu mới được viên mãn?

Tu phước là khởi lòng từ bi thương người thương vật, bố thí cứu giúp người vật cho hết khổ. Bố thí có ngoại tài thí và nội tài thí.

Ngoại tài thí là dùng tiền của giúp người nghèo khó cho họ bớt khổ. Nội tài thí là dùng sức lực giúp người.

Ví dụ đi đường thấy người già yếu sẩy chân té đứng dậy không nổi, tới đỡ dìu họ đứng dậy đưa về nhà săn sóc. Đó là nội tài thí.

Ngoài nội tài thí còn có vô úy thí.

Tức là bố thí khiến người hết lo sợ.

Ví dụ người nào đó hay sợ ma quỷ quấy phá, chúng ta đem lý nhân quả giảng giải cho họ có chánh tín, tâm được ổn định họ hết sợ.

Đó là vô úy thí mà cũng là pháp thí.

Đó là tu phước bằng hạnh bố thí.

Phước huệ song tu

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tu tuệ là nương theo lời dạy của Phật để biết các pháp đúng như thật.

Tuệ có ba là văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ.

Quý Phật tử khi chưa đến chùa, sống theo nếp sống phàm tục, nay đến chùa nghe giảng kinh hiểu đạo, thấy biết thế nào là tà thế nào là chánh, thế nào là nhân thế nào là quả, cái nào là thật cái nào là giả.

Do nghe mà có hiểu biết gọi là văn tuệ. Sau khi nghe hiểu biết rồi quý vị về nhà, những phút rỗi rảnh, ngồi suy nghiệm lại cuộc đời, xem những lời Phật dạy mà mình đã học có đúng không?

Chẳng hạn như học lý nhân quả, chúng ta nghiệm xét cây đào to lớn như thế này từ đâu mà có?

Từ cái hạt là nhân, gieo trồng xuống đất nhờ phân nước, ánh nắng mặt trời, sự chăm sóc mà thành cây có trái.

Xét đến những vật khác không có cái gì không có nhân mà có quả, rõ ràng Phật nói các pháp do nhân mà có quả là đúng.

Suy nghiệm để hiểu biết một cách thấu đáo không nghi ngờ mới ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống của mình để cho bớt khổ, đó là tu huệ.

Tóm lại, nghe lời Phật dạy rồi suy nghiệm với thực tế thấy đúng, sau đó thực hành để mình và người được lợi ích, đó là tu tuệ.

Còn tu phước là giúp người, vật qua cơn khổ. Hai hạnh này phải tu song song.

Giả sử chúng ta học hiểu Phật pháp, suy nghĩ đúng, ứng dụng tu một mình, thấy ai khổ mặc ai không hề giúp đỡ, như vậy chỉ tu tuệ mà không tu phước.

Còn thấy người ta nghèo đói, khốn khó cứ lo quyên giúp tiền của, mà không chịu học Phật pháp, không suy gẫm lời Phật dạy đúng hay sai, đó là tu phước mà không tu tuệ.

Có phước thì đời sau sinh ra sung sướng, nhưng vì không hiểu Phật pháp, nhiều khi tạo nghiệp phải trầm luân.

Còn có tuệ biết tu hành được phần tự lợi, nhưng không có phước, nói không ai nghe hết, rốt cuộc phiền não.

Do đó phước tuệ phải song tu là vậy.

Trích trong: Những Cánh Hoa Đàm (Tập 1).

HT. Thích Thanh Từ