Quán Thế Âm Bồ tát
Ai cũng biết Phật giáo xây dựng học thuyết trên căn bản trí huệ bát nhã. Vì vậy, quan niệm giải thoát của Phật giáo là thuần túy tư tưởng và cứu cánh giải thoát của Phật giáo chỉ có thể đạt được nhờ sự sáng suốt vô biên của Trí Huệ.
Có trí huệ là có tất cả, không trí huệ là vĩnh kiếp bị đọa lạc. Không trí huệ, không một quyền năng nào giải thoát được khổ đau. Giải thoát không do quyền lực bên ngoài đem lại mà phải sở cậy vào tự lực un đúc đạo đức và phát triển lý trí bên trong.
Là vì bóng tối mê mờ do tự tâm ngu si tác động, thêu dệt. Cho nên, giải thoát, theo quan niệm Phật giáo, tức là giải thoát khỏi cái bóng tối ngu si mê mờ kia.
Trong cuộc tranh chấp với bóng tối, duy chỉ có ánh sáng mới đóng được vai trò quyết định. Cũng thế, muốn giải thoát con người khỏi bóng tối ngu si, nếu không có trí huệ thì không một quyền năng nào có thể tiêu trừ nổi. Những lực lượng nào ở bên ngoài giúp con người phát sanh được trí huệ là những trợ duyên tốt và lành. Ngược lại, tức là những trợ duyên xấu và ác.
Như bấc và dầu hay như dây điện và máy điện giúp cây đèn, bóng đèn phát sinh ánh sáng. Không ai không nhận rằng các trợ duyên kia là không tốt không lành. Muốn thắp cây đèn trí tuệ trong mỗi người, hẳn cũng phải nhờ một số trợ duyên thích nghi. Trợ duyên đây tức là những phương pháp tu luyện vậy. Nhờ phương pháp tu luyện đúng đắn mà thắp được cây đèn trí huệ. Cây đèn trí huệ một khi đã thắp lên được tức là đạt được chơn giải thoát.
Vì vậy, Phật giáo lấy việc phát triển tư duy, xây dựng trí giác chơn thật làm trọng tâm tu chứng.
Con đường giải thoát từ khi khởi công cho đến lúc hoàn tất tuy chỉ có một, nhưng kế hoạch thực hiện phải trải qua hai giai đoạn: giai đoạn khởi phát để mở đường và giai đoạn un đúc để hoàn tất. Giai đoạn đầu nhằm mục đích tìm sào huyệt của mê lầm để khai thông lý trí. Giai đoạn sau nhằm mục đích khắc phục mê lầm tận gốc để thể hiện lý trí, đưa lý trí trực nhập chơn trí.
Vì vậy, cùng trên một con đường là con đường giải thoát Phật giáo có một lúc hai bộ mặt: bộ mặt triết học ở giai đoạn đầu và bộ mặt tôn giáo ở giai đoạn sau. Hoặc như giáo sư Richard A. Gard trong một bài diễn thuyết trình bày về “Lối sống theo đạo Phật” đã nói đại khái như sau:
“Chính vì phải giác ngộ cả hai phương diện nhận thức (trí huệ) và siêu hình (thực tại tuyệt đối bất khả tư nghì) mà các vị bồ tát tự hạ mình, đưa mình từ cảnh giới trí huệ siêu phàm xuống cõi thế gian rối ren ràng buộc và thiếu kém này, ngay nơi giải thoát của các ngài, để giải thoát những chúng sanh đang bị trầm luân. Khi hướng thượng, sự tiến lên của các ngài có tính cách triết lý bao nhiêu thì lúc hạ hóa, sự lùi xuống của các ngài có tính cách tôn giáo bấy nhiêu. Các ngài tự nguyện xuống trần là chỉ vì muốn san sẻ cái kiến thức sáng suốt và đời sống giác ngộ của mình với tất cả chúng sanh đau khổ. Sự nhập thế của các ngài là Trí Huệ biểu thị bằng Trung đạo.”
Công hạnh của Bồ tát Quan Thế Âm
Bồ tát khi đạt được đại trí huệ, tức cũng là đạt được đại từ bi. Vì trí huệ và từ bi là hai diệu tánh của một chơn tâm (hay Phật tánh) nên không thể chỉ thành tựu diệu tánh nọ mà không thành tựu diệu tánh kia, hay ngược lại. Do đó, hễ có thành Phật tức là độ sanh; hễ có độ sanh tức là thành Phật.
Thành Phật tức là hoàn thành hai đức Bi Trí đến mức viên mãn cùng tột. Trên con đường viên mãn hóa hai đức bi trí, các đức Bồ tát hòa mình với chúng sanh và tùy theo từng cơ duyên mà hóa độ.
Vì vậy, có ngài lấy Hạnh làm phương sở y cứ, như đức Phổ Hiền; có ngài lấy Nguyện làm phương châm soi sáng, như đức Địa Tạng; có ngài lấy Dũng làm động cơ thúc đẩy, như đức Thế Chí; có ngài lấy Trí làm yếu chỉ thực hiện như đức Văn Thù v.v… Nhưng dù là Đại hạnh, đại nguyện , đại lực, hay đại trí, đức nào trong bốn đức ấy cũng phải đặt căn bản trên đức Đại Bi.
Đại Bi là nòng cốt, đại Bi là lẽ sống, đại Bi là sự nghiệp của người tu hành. Không có Bi tâm thì không một hạnh nguyện nào đạt được kết quả hoàn mãn.
Chính vì thế mà trong các đức Bồ tát, đức Đại bi Quán thế âm có nhiều oai quyền thần lực hơn hết và có nhiều nhân duyên cơ cảm hơn hết đối với loài hữu tình trong thế giới chúng ta.
Kinh dạy rằng “Chúng sanh do nghiệp mà sanh, Bồ tát do nguyện mà hiện”. Nguyện lực vĩ đại của các đức Bồ tát trong mười phương, trải qua nhiều đời nhiều kiếp tu hành, un đúc hai đức bi trí đến lúc gần viên mãn nên không còn bị nghiệp lực chi phối dìu kéo. Nghiệp lực đã dứt nên Trí huệ của các ngài bừng sáng chói lọi.
Với bi tâm và trí huệ un đúc tu luyện qua hằng sa kiếp, các ngài có đủ tự tại chèo thuyền từ qua bể khổ mà thị hiện độ sanh khắp nơi. Các việc hạ hóa ấy không có gì là thần bí. Đó chỉ là hành động tự do của những người tự do, biết sử dụng lý trí của mình một cách hợp lý mà thôi vậy. Việc làm hợp lý ấy là làm điều thiện mà lý trí tự do bảo phải làm. Không lúng túng, không mâu thuẫn, như lý trí của những kẻ nô dịch, làm điều ác mà lý trí mình không muốn.
Có lý trí mà không có tự do, chung quy chỉ tại thiếu từ bi mà ra cả.
Thần lực và Trí lực tự tại của đức Đại bi Quán Thế Âm thường được hình dung bằng một pho tượng có ngàn tay, ngàn mắt. Ngàn tay ngàn mắt ở đây chỉ để hiển cái dụng tướng vô biên của chơn thể đại bi và đại trí qua muôn ngàn hóa thân của Ngài mà thôi. Một thể đại bi và đại trí ấy uyển chuyển tùy nguyện phát khởi nhiều ứng dụng sai khác trong nhiều hóa thân sai khác, lẽ dĩ nhiên không thể dùng hình tướng thông thường mà hội được hết ý nghĩa đại bi và đại trí, vì ý nghĩa ấy quá sức vi diệu và bất khả tư nghì.
Nói thế, không có nghĩa rằng tuyệt nhiên không có phương pháp nào giúp ta ức đạt những gì cao siêu rộng lớn, hầu mong hiểu được trong muôn một, cái trí huệ vô biên và cái từ bi vô thượng của các đấng giải thoát để noi theo và học tập. Phương pháp vốn sẵn có và pháp môn vốn vô lượng. Nhưng vấn đề tiên quyết là con người đã nhàm chán với cái trí điêu ngoa, tay sai của dục vọng chưa?
Phật dạy: “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn” (Bể khổ tuy mênh mông nhưng quay đầu là thấy bờ). Biết quay đầu tức là đã có ý thức chống đối lại dục vọng. Có ý thức ấy tức là đã nhiếp được căn bản trí rồi vậy. Đó là dấu hiệu của bi tâm đã dấy khởi. Bi tâm đã móng, lo gì cứu cánh giải thoát không thành!
Một phen biết hồi đầu, việc lý giải để liễu ngộ vốn có sẵn trước mắt. Trước khi đi sâu vào để tìm hiểu thế nào là nhị trí, tam trí, tứ trí, nhứt thế trí, đạo chủng trí, nhứt thế chủng trí, như lượng trí, như lý trí, hậu đắc trí, căn bản trí v.v… và v.v… để lý giải đến chỗ triệt để, chúng ta hãy bắt đầu từ năm lượng, một phương tiện lý giải nhập môn.
Trích từ: Tâm Như Trí Thủ Toàn Tập.
Hòa Thượng Thích Trí Thủ