Vận dụng triết lý Phật giáo trong việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại

Sự vận dụng tư tưởng từ bi và lòng kiên nhẫn trong triết lý Phật giáo vào việc vun đắp hạnh phúc gia đình là hết sức cần thiết. Con người cần mở rộng tấm lòng bao dung và tha thứ đối với mọi người xung quanh, biết nhẫn nhịn và kiềm chế bản thân lúc cần thiết, nhất là người bạn đời của mình.

1. Đặt vấn đề

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập vào nền kinh tế thế giới đã mở ra những thời cơ, vận hội, đồng thời cũng làm xuất hiện nhiều thách thức, nguy cơ. Trên đường phát triển, nước ta đã và đang đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn gặp không ít khó khăn, một trong số đó là nguy cơ suy thoái đạo đức, lệch chuẩn về lối sống cá nhân. Trong tình trạng chung đó, văn hóa gia đình Việt Nam rất cần được quan tâm vì gia đình chính là tế bào của xã hội.

Trước nguy cơ những giá trị đạo đức và văn hóa gia đình bị mai một bởi các tác động của cuộc sống hiện đại, vấn đề đặt ra là phải làm sao để gìn giữ các giá trị của gia đình Việt Nam trong tương quan hội nhập và phát triển. Ở bài viết này, tác giả trình bày sơ lược thực trạng gia đình và văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra một vài phương hướng xây dựng, khắc phục dựa trên sự tiếp thu có chọn lọc những triết lý Phật giáo.

2. Những vấn đề gia đình và văn hoá gia đình đã và đang phải đối mặt

Gia đình là thành tố quan trọng trong xã hội và tồn tại từ thuở sơ khai của xã hội loài người. Trong xã hội hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nề nếp, gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Ngày nay, bên cạnh những mặt tích cực như có điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu, học hỏi hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước trên thế giới, chúng ta dễ dàng nhận thấy gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề sau:

(1) Sự bất hòa trong các gia đình nhất là gia đình trẻ dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có và hậu quả là các cuộc ly thân, ly hôn và thực tế nước ta hiện nay có tỷ lệ ly hôn cao. Xung đột, mâu thuẫn giữa các thế hệ khiến bạo lực gia đình gia tăng. Cha mẹ bỏ bê con cái vì lao vào công việc, con cái chạy theo những giá trị và lợi ích vật chất mà quên đi hiếu đạo, thậm chí có người đẩy cha mẹ già ra đường lang thang khất thực khi không còn giá trị lợi dụng.

(2) Hậu quả tiêu cực của lối sống buông thả là các ca nạo phá thai gây tổn hại cho sức khỏe, tinh thần và hạnh phúc gia đình của nhiều bạn trẻ.

(3) Các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, trộm cướp, ma túy, mại dâm,… đã và đang xâm nhập vào các gia đình, đặc biệt là tình trạng bạo lực khiến các gia đình đổ vỡ.

Hành thiện để tu nhân tích đức, gieo hạt giống lành cho cha mẹ, cho con cái, cho người thân và cho bản thân là những điều nhà Phật khuyên làm.

Hành thiện để tu nhân tích đức, gieo hạt giống lành cho cha mẹ, cho con cái, cho người thân và cho bản thân là những điều nhà Phật khuyên làm.

Tóm lại, trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã tác động không nhỏ tới các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Không ít gia đình Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, bế tắc, thậm chí tan vỡ đã kéo theo sự suy thoái về các định hướng giá trị, ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển của thế hệ trẻ, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình còn gặp không ít những khó khăn, khúc mắc và những vấn đề nan giải. Để tồn tại và phát triển, mỗi gia đình phải tìm cách thích nghi với những điều kiện mới và từng thành viên phải tự điều chỉnh các mối quan hệ trong nội bộ gia đình.

3. Vận dụng linh hoạt và tiếp thu có chọn lọc tư tưởng Phật giáo vào việc xây dựng gia đình và văn hoá Việt Nam hiện đại trong thời kỳ hội nhập

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định, ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt đó là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình truyền thống. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX cũng đã chỉ rõ phương hướng nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng tình nghĩa, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và toàn xã hội”. Như vậy, việc thực hiện công tác xây dựng gia đình trong thời đại hội nhập và phát triển ngày nay là vấn đề chiến lược, có vai trò sống còn của xã hội. Thiết nghĩ, bên cạnh những giải pháp lâu dài mang tầm vĩ mô, chúng ta cũng không nên bỏ qua những điều nhỏ nhặt tưởng chừng không đáng kể và phải vận dụng triệt để những gì ta đang có, trong đó có tôn giáo. Các triết lý, học thuyết của tôn giáo trên một phương diện nào đó là công cụ đắc lực, phục vụ công tác xây dựng gia đình hạnh phúc.

Phật giáo hướng con người xây dựng gia đình ở Đạo hiếu, Đạo từ bi, Lòng kiên nhẫn và Giới – Định – Tuệ. Thực tế chứng minh luân lý Phật giáo phù hợp với đạo đức, lẽ sống của con người Việt Nam và đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển gia đình Việt cả truyền thống lẫn hiện đại. Ngày nay, trong bối cảnh phức tạp của xã hội, những giá trị tích cực của Phật giáo lại một lần nữa được minh chứng.

Sự tích Mục Kiền Liên hiếu thảo cứu mẹ là tấm gương để mọi người con học hỏi, noi theo. Và Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (tổ tiên nói chung). (Ảnh: phatgiao.org.vn)

Sự tích Mục Kiền Liên hiếu thảo cứu mẹ là tấm gương để mọi người con học hỏi, noi theo. Và Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (tổ tiên nói chung). (Ảnh: phatgiao.org.vn)

3.1. Đạo hiếu

Có thể nói, việc báo đáp, hiếu dưỡng công ơn cha mẹ là một trong những chuẩn mực đạo đức được Phật giáo nhấn mạnh, coi trọng và truyền tải đến các Phật tử, mọi người. Kinh Phật dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì bằng bất hiếu, sinh ra thời không gặp Phật khéo thờ cha mẹ tức thờ Phật, thờ Trời, đất, quỉ, thần không bằng có hiếu với cha mẹ”. Hiếu là hạnh lành đứng đầu trong muôn hạnh: Hiếu hạnh vi tiên. Ca dao có câu:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Trong Kinh Phân Biệt, Đức Thế Tôn luôn nhớ đến công ơn của cha mẹ Ngài: “Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn của cha mẹ ta”. Ngài cũng từng có bài kệ để tán thán công đức mẹ cha:

“Mẹ cha gọi là Phạm Thiên,

Bậc đạo sư thời trước,

Xứng đáng được cúng dường,

Vì thương đến con cháu,

Do vậy, bậc hiền triết,

Đảnh lễ và tôn trọng,

Dâng đồ ăn đồ uống,

Vải mặc và giường nằm,

Thoa bóp cả thân mình

Tắm rửa cả chân tay,

Với sở hành như vậy,

Đối với mẹ và cha,

Đời này người hiền khen,

Đời sau hưởng thiên lạc”.

Biết ơn và đền ơn các đấng sinh thành là điều Phật dạy. Phụng dưỡng và hiếu kính cha mẹ trọn vẹn về phương diện vật chất và cả tinh thần trong hiện đời là một công việc khó khăn, đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là niềm vui, sự tự hào, sự hãnh diện của người con. Sự tích Mục Kiền Liên hiếu thảo cứu mẹ là tấm gương để mọi người con học hỏi, noi theo. Và Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (tổ tiên nói chung).

Chữ Hiếu trong nhà Phật được thể hiện uyển chuyển, linh hoạt chứ không cứng nhắc và rập khuôn. Năm điều chữ hiếu mà người con cần phải thực hiện được viết trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Sigàlovàda sutta) như sau: “Ðược nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”. Thiết nghĩ, đạo làm con cần thực hiện hạnh hiếu như một việc làm lớn lao và quan trọng nhất của đời người.

3.2. Tư tưởng bình đẳng

Tư tưởng Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành của Đức Phật Thích Ca, là minh chứng rõ ràng nhất cho một giá trị tôn trọng quyền bình đẳng tột cùng của đạo Phật. Trong Kinh Kẻ bần tiện (Vasalasuttam, Kinh Tập, Phẩm Rắn), Ngài dạy:

Bần tiện không vì sanh,

Phạm chí không vì sanh,

Do hành, thành bần tiện,

Do hành, thành Phạm chí.

Từ sự bình đẳng nam nữ trong xã hội, đạo Phật nêu lên sự bình đẳng của người vợ và người chồng trong cuộc sống hôn nhân. Đức Phật dạy trong Kinh Thiện Sanh rằng:

“Lấy lễ đối đãi nhau.

Oai nghiêm không nghiệt.

Cho ăn mặc phải thời.

Cho trang sức phải thời.

Phó thác việc nhà”.

Đối lại, người vợ cũng nên:

“Dậy trước.

Ngồi sau.

Nói lời hòa nhã.

Kính nhường tùy thuận.

Đón trước ý chồng”.

Như vậy, theo quan niệm đạo Phật, vợ chồng cần tôn trọng nhau và đó là cách để duy trì hạnh phúc gia đình.

Để tương xứng với người chồng, trong Kinh Các người vợ (Tăng Chi Bộ Kinh, Bảy Pháp, Phẩm Chư Thiên), Đức Phật từng nêu lên các loại người vợ. Trong đó, hình mẫu người vợ lý tưởng theo Đức Phật là: Vợ như người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn, vợ như người nữ tỳ. Ví như người vợ nào luôn luôn niềm nở, vui vẻ, hòa thuận với chồng như thể khi hội ngộ một người bạn thân từ lâu mới gặp lại. Luôn giữ tiết hạnh và thủy chung với chồng. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như bạn. Bảy là, người vợ nào luôn mềm mỏng, không nóng tánh, không sân hận, giận dỗi. Dù bị chồng đối xử không đẹp nhưng vẫn nhường nhịn, không tỏ thái độ lỗ mãng, lớn tiếng. Trái lại còn biết tùy thuận để khuyên răn và chinh phục chồng mình.

42

Có thể khẳng định, hiếm có tôn giáo nào mà bổn phận của người chồng và người vợ được cụ thể hóa rõ ràng và nhân văn như đạo Phật. Đó không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là trách nhiệm chung để xây dựng và gìn giữ gia đình an vui, hòa thuận. Trách nhiệm và bổn phận đó chính là sự thể hiện bình đẳng trong quan hệ hôn nhân của người chồng và người vợ.

3.3. Đạo từ bi và lòng kiên nhẫn

Đạo Phật vốn là một tôn giáo từ bi hướng thiện. Những giá trị tích cực đó càng được nhân lên với những hành động cụ thể như: bố thí, thiện nguyện xã hội, cứu tế và chăm sóc cho người yếu thế… Hành thiện để tu nhân tích đức, gieo hạt giống lành cho cha mẹ, cho con cái, cho người thân và cho bản thân là những điều nhà Phật khuyên làm… Đến chùa tham bái và lắng nghe những câu kệ lời kinh cho lòng thanh thản, tĩnh tâm để tìm thấy ý nghĩa cuộc sống là những giá trị tích cực thiết thực góp phần giáo dục mọi người, nhất là thế hệ trẻ vững bước trước những cám dỗ của cuộc sống, khích lệ họ quan tâm đến những số phận của cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng tính nhân văn, nhân đạo…

Chữ Nhẫn từ ngàn xưa vẫn là phương châm thần diệu trong việc đối nhân xử thế, là cánh cửa dẫn đến mọi đức hạnh. Ông bà ta thường nói: “Một câu nhịn là chín câu lành hay Chữ nhẫn là chữ tương vàng/ Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”. Trong cuộc sống, thực tế hôn nhân rất đa dạng, phần nhiều “nồi” và “vung” chông chênh, nghiêng ngửa và phải nỗ lực thật nhiều từ cả hai phía mới tìm được sự đồng điệu, trọn tình. Hạnh phúc hay đau khổ đều do hai người tạo ra. Trong mối quan hệ gia đình cha mẹ và con cái, luôn có những mâu thuẫn và xích mích nhất định, nhất là trong bối cảnh xã hội, kinh tế nhiều biến động thì điều này không thể tránh khỏi. Để thiết lập một gia đình hạnh phúc, tất cả các thành viên trong gia đình, cha mẹ và con cái đều cần nỗ lực để chu toàn trách nhiệm và bổn phận của mình với lòng kiên nhẫn kiên định. Muốn thực hành bí quyết cho gia đình hạnh phúc theo lời Phật dạy như trên, tất yếu chúng ta phải rèn được chữ Nhẫn.

Hiện nay, có một hoạt động được Phật giáo tổ chức cho đôi trẻ trước khi tiến tới hôn nhân đó là lễ Hằng Thuận. Lễ Hằng Thuận giáo dục sự thủy chung, đạo lý gia đình cho mọi người tham gia khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Đây là hoạt động đáng được khuyến khích nhân rộng trong cộng đồng xã hội, không chỉ giới hạn trong phạm vi Phật tử mà còn mở rộng cho mọi người tham gia. Ngoài ra, Phật giáo cũng đã mở những khóa tu tập cho giới trẻ khắp nơi tham gia môi trường tâm linh lành lành mạnh. Hoạt động này giúp họ nhận thức sâu sắc hơn giá trị của đời sống tinh thần, bớt tham lam, vị kỷ, không chạy theo lối sống vật chất, tăng lòng nhân ái, tăng tính kiên nhẫn, biết ơn mọi người xung quanh, biết tôn trọng ông bà, cha mẹ. Hàng năm, các chùa đều tổ chức các sự kiện kỷ niệm lễ Phật giáo và lễ Vu Lan hướng mọi người nhớ đến công đức của ông bà tổ tiên, để con cháu nhớ về người đã khuất. Đây là điều kiện góp phần vào việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sự vận dụng tư tưởng từ bi và lòng kiên nhẫn trong triết lý Phật giáo vào việc vun đắp hạnh phúc gia đình là hết sức cần thiết. Theo triết lý Phật giáo, con người cần mở rộng tấm lòng bao dung và tha thứ đối với mọi người xung quanh, biết nhẫn nhịn và kiềm chế bản thân lúc cần thiết, nhất là người bạn đời của mình. Nếu trong gia đình, việc nhỏ không nhẫn nhục được thì khó lòng có thể giữ gìn và xây dựng một gia đình thuận hòa, êm ấm.

3.3. Giới – Định – Tuệ

Giới là mạng mạch của Phật pháp. Người con Phật luôn tôn trọng và gìn giữ giới luật, không phạm phải lỗi lầm về tư tưởng, lời nói và hành động. Ngũ giới ảnh hưởng sâu sắc đến việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Nếu thực hiện đúng như lời Phật dạy, đặc biệt là thực hành trọn vẹn ngũ giới, có thể xem như những bậc thang giúp con người bước gần hơn đến việc gìn giữ sự thủy chung và bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Định là thiền định, bài trừ tạp niệm. Tuệ là trí tuệ, bài trừ vô minh bao gồm: văn tuệ (học hành mà có được), tư tuệ (suy nghĩ mà có tuệ) và tu tuệ (thực hành mà có tuệ). Tựu trung lại, Giới – Định – Tuệ giáo dục con người tránh những lỗi lầm, tội lỗi, bài trừ tạp niệm, xa rời những đam mê, dục vọng làm rối loạn tâm trí con người.

4. Tạm kết

Để xây dựng gia đình hạnh phúc trở thành tổ ấm theo đúng nghĩa, không chỉ là trách nhiệm của một người, một thành viên nào mà cần sự đóng góp chung tay, sự quan tâm của mọi người và của toàn xã hội. Dưới góc độ Phật pháp, vòng quay muôn đời tuân theo luật nhân quả: Ai gieo cái gì, sẽ gặt được cái đó. Đây chính là hạt nhân tích cực của Phật giáo, là động lực giúp con người ta thường xuyên tu dưỡng để sống tốt hơn, nhân ái hơn, bớt tham, sân, si. Những tư tưởng của Phật giáo trong gia đình Việt Nam xưa và nay có những khác biệt nhất định, nhưng chúng ta cần tiếp thu có chọn lọc những mặt tích cực vào việc xây dựng văn hóa gia đình hiện nay. Việc kế thừa và phát huy hợp lý hạt nhân Phật giáo luôn gắn liền với tư tưởng sáng tạo, với thực tế tình hình lẫn yêu cầu của xã hội mới. Đó là nguyên tắc không thể bỏ qua trong quá trình kế thừa những giá trị truyền thống nói chung, quan niệm Phật giáo về gia đình nói riêng.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ môn Tôn giáo học (2021), Vận dụng triết lý Phật giáo đối với việc xây dựng đời sống gia đình tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Truy cập ngày 20/7/2022, https://frs.ussh.vnu.edu.vn.

2. Lam Vy (2019), Quan điểm của Phật giáo về bình đẳng và sự bình đẳng trong quan hệ hôn nhân. Truy cập ngày 20/7/2022, https://phatgiao.org.vn.

3. Nguyễn Văn Mạnh (2013), Nho giáo và Phật giáo với việc giáo dục đạo đức, lối sống của con người Việt Nam hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế Luân thường Nho giáo dưới góc nhìn xuyên văn hóa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

4. Thích Thiện Bảo (2013), Giáo lý nhà Phật là nền tảng xây dựng hành phúc gia đình. Truy cập ngày 20/7/2022, http://giacngo.vn.

5. Trần Thị Bình (2013), Xây dựng gia đình dưới góc độ Phật pháp. Truy cập ngày 20/7/2022, http://laocai.gov.vn.

ThS. Nguyễn Như Bình