Tu hạnh Đại Thế Chí Bồ-tát

Đại Thế Chí Bồ-tát (chữ Hán: 大勢至菩薩, tiếng Phạn: महास्थामप्राप्त/ Mahāsthāmaprāpta) hay Đắc Đại Thế Bồ-tát (chữ Hán: 得大勢菩薩) là một vị Đại Bồ-tát thể hiện ánh sáng trí tuệ trong Phật giáo Đại thừa, là bậc đại sĩ trợ tuyên chánh pháp cho Đức Phật A Di Đà ở Tây phương Cực Lạc.

Tranh Đại Thế Chí Bồ-tát vào thế kỷ 13, Trung Quốc.
Tranh Đại Thế Chí Bồ-tát vào thế kỷ 13, Trung Quốc.

Bồ-tát Đại Thế Chí xưa

Có ba danh hiệu kế thừa Phật ân

Một lòng độ chúng phàm nhân

Ánh sáng trí tuệ soi trần cảm thương

Ta-bà thế giới mười phương

Hữu duyên thoát khổ chơn thường tịnh không

Đắc Đại Thế… nguyện tươi hồng

Đại hùng, đại lực… trụ trong ta-bà

Chúng sanh cang cường, thăng hoa

Điều phục chuyển hướng, quy nhà từ bi

Đại tinh tấn… thắng sân si

Thắng phiền não… chẳng nệ gì gian nan

Ngày đêm thường trụ đạo tràng

Thắng giải đãi, thắng mơ màng mộng du

Vô Biên Quang… hạnh công phu

Tử kim chiếu diệu vàng nhu tịch trừ

Mười phương thế giới chơn như

Long lanh tỏ rạng đức từ hoằng dương

Nhiệm mầu Tam thánh Tây phương

Đức Di Đà giữa, hữu nương bóng hiền

Tay cầm sen xanh đứng bên

Quán Âm Bồ-tát, trái duyên tịnh bình

Hai vị ứng hiện tướng xinh

Nữ cư sĩ… pháp hữu tình độ sanh

Từ bi – trí tuệ hóa thành

Quán vô Lượng thọ… âm thanh hiển bày

Bồ-tát ứng thân cao ngay

Long lanh, lóng lánh Kim đài thiên quang

Năm trăm hoa báu hàng hàng

Đài hoa tương ứng đạo tràng hằng sa

Mỗi đài quốc độ nở hoa

Tử kim tịnh diệu kết tòa Quán Âm

Phẩm kinh A Lợi cao thâm

Ứng thân Bồ-tát, tỏa trầm huỳnh quang

Rực rỡ ngàn sắc trắng vàng

Phất trần óng ánh, nghiêm trang sen mầu

Quan Âm – Thế Chí bên nhau

Một người, một chí thượng cầu hóa thân

Hiện đồ… thai trong giới nhân

Mật tông xác tín nhị phần tương giao

Viện Quan Âm sen đỏ màu

Thân trắng biên biếc, cần cầu uy nghiêm

Trước ngực ba ngón tay hiền

Trì luân châu báu diệu huyền hương thơm.

* * *

Nhớ tiền thân… gốc linh chơn

Ni Ma Thái tử, cội nguồn xuất thân

Con thứ hai – Tránh Đại Nhân([i])

Vâng lời Phật dạy kết phần phước duyên

Cúng dường đại chúng hiện tiền

Cầu phước vô lậu, nhân thiên thanh lòng

Phước hữu lậu như dòng sông

Có rồi hưởng hết, tiêu vong vô thường

Phước vô lậu… tịch tịnh gương

Đặng nhất thiết trí thượng phương bồ-đề

Giải thoát lầm chấp khổ mê

Viên mãn công đức nương về tánh không

Ba nghiệp thân lòng dặn lòng

Không sát sanh khỏi khổ trong luân hồi

Không trộm cắp, đẹp tính người

Không tà dâm tránh nghiệp đời trái oan

Bốn nghiệp miệng… tịnh an nhàn

Không nói láo xược, khỏi mang lụy phiền

Thêu dệt hai lưỡi đảo điên

Lời thô, lời ác… oan khiên ngàn đời

Ba nghiệp ý… tập thảnh thơi

Tham nhiễm danh lợi… khéo rời, khéo xa

Mê đắm sắc dục trăng hoa

Oán cừu, hờn giận… lòng tà long đong.

* * *

Kinh Lăng Nghiêm dạy tỉnh lòng

Khéo tu niệm Phật viên thông tánh hiền

Vô lượng đời kiếp đảo điên

Vô Lượng Quang Thọ, kết duyên tu hành

Siêu Nhật Nguyệt Quang… vô sanh

Nhất tâm niệm Phật… căn lành hiển khai

A Di Đà Phật Như Lai

Tâm an tánh tịnh ngự đài liên hoa.

* * *

Mười phương chư Phật một nhà

Chúng sanh nhớ tưởng Phật gia yên bình

Như cha mẹ thương con mình

Phật luôn hộ niệm tâm linh hiếu hiền

Chí thành gặp Phật hiện tiền

Phật không xa, tự tâm thiền chứng tri.

* * *

Nhiếp sáu căn, tịnh niệm trì

Niệm niệm hằng chứng vậy thì chớ quên

Chí thành mài miệt ngày đêm

Vãng sanh Phật cảnh vững bền nguyện sâu.

______

Trần Quê Hương là bút danh của Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

Trần Quê Hương