Hạn mức đất giao cho tổ chức tôn giáo tại TP.HCM tối đa 5.000m²

UBND TP.HCM vừa ban hành quy định hạn mức đất giao cho tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP tối đa 5.000m².

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trao sổ hồng cho đại diện các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP.HCM vào tháng 12/2023 - Ảnh: ÁI NHÂN
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trao sổ hồng cho đại diện các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP.HCM vào tháng 12/2023 – Ảnh: ÁI NHÂN

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa ký ban hành quyết định 73 quy định hạn mức đất giao cho tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP.HCM căn cứ quy định Luật Đất đai 2024.

Theo đó, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước cho phép hoạt động trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu sử dụng đất thì được xét giao đất theo hạn mức tương ứng theo ba khu vực.

 – Khu vực các huyện Bình Chánh, Củ Chi, thành phố Thủ Đức: không quá 5.000m2 đất;

– Khu vực huyện Hóc Môn, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp: không quá 3.000m2 đất;

 – Khu vực gồm các quận, huyện còn lại: không quá 1.000m2 đất.

Trường hợp tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có nhu cầu sử dụng đất lớn hơn hạn mức quy định trên thì căn cứ theo quỹ đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND TP sẽ xem xét quyết định diện tích đất giao cho từng trường hợp cụ thể.

Trước đó, UBND TP cũng đã ban hành các quyết định quy định về hạn mức đất ở giao cho cá nhân, hạn mức đất ở được công nhận sử dụng trước 15/10/1993 và hạn mức cá nhân được “mua” đất nông nghiệp.

Đất tôn giáo không phải nộp tiền sử dụng đất

Theo quy định của Luật đất đai 2024, Nhà nước giao đất cho các tổ chức tôn giáo để xây dựng và hoạt động mà không phải nộp tiền sử dụng đất, nhằm hỗ trợ cho hoạt động tín ngưỡng.

Đất được giao có thể là đất công do Nhà nước quản lý, đất được quy hoạch cho mục đích tôn giáo… Từ năm 2005 đến nay, TP HCM đã xem xét, trình công nhận và cấp hơn 800 sổ hồng cho các tổ chức tôn giáo, với diện tích hơn 2 triệu m2.

TP HCM là địa phương hiện diện nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó có nhiều tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hồi giáo, Hòa Hảo… Thành phố có 13 tôn giáo với 33 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động với 2.970 cơ sở tôn giáo, hơn 3,9 triệu tín đồ, hơn 10.000 chức sắc, hơn 3.000 chức việc…

Nhà nước quy định hạn mức giao đất để đảm bảo việc sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, giúp ngăn chặn việc tích tụ đất đai không hợp lý và đảm bảo công bằng trong việc phân bổ đất.

Ái Nhân– nguồnbáo Tuổi Trẻ