Bao giờ triển khai Đại giới đàn do Hội đồng Trị sự tổ chức tập trung theo khu vực?

Ngày học thứ 2 tại Khóa bồi dưỡng kiến thức về Giới luật Phật giáo năm 2024 dành cho các tỉnh thành phía Nam, do Ban Tăng sự T.Ư tổ chức tại tỉnh Bình Dương – Ảnh: Đăng Huy

Đó là một trong những vấn đề mà các đại biểu quan tâm, xoay quanh nội dung, hình thức của việc tổ chức một Đại giới đàn đúng pháp, được đưa ra thảo luận trong ngày 8-10 tại Khóa bồi dưỡng kiến thức về Giới luật Phật giáo năm 2024 do Ban Tăng sự T.Ư phối hợp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức.

Trong ngày thứ 2 của khóa bồi dưỡng, Ban Tổ chức đã cung thỉnh Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông, Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh và Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư quang lâm, chia sẻ về Giới luật và các nghi thức giới đàn.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông nhắc lại duyên khởi Đức Phật chế giới, cũng như tầm quan trọng và giá trị của Giới luật đối với chư Tăng. “Giới luật có hai phần quan trọng là chỉ trì và tác trì, có công năng giúp ngăn ngừa điều ác, chế ngự thân khẩu ý được thanh tịnh.”, Trưởng lão Hòa thượng nhấn mạnh.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông chia sẻ về giới và tác pháp Yết-ma

Liên quan tới nội dung trọng yếu, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông chia sẻ: “Yết-ma đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng Tăng-già. Điều quan trọng nhất của đoàn thể Tăng-già là việc truyền giới và thể hiện qua thực hiện các pháp Yết-ma đúng pháp, tức là hành sự của Tăng, căn cứ trên nền tảng thanh tịnh và hòa hợp, được biểu hiện cụ thể bằng sự thống nhất về ý chí và hành động”.

Qua đó, ngài hướng dẫn đại chúng chi tiết về pháp Yết-ma, như: khái niệm, đối tượng, phân loại, các giai đoạn tiến hành và các phi tướng Yết-ma. Khi tổ chức giới đàn, Ban Kiến đàn có nhiệm vụ lựa chọn, hướng dẫn người thực hiện các pháp Yết-ma truyền giới cho giới tử. “Yết-ma đúng pháp thì giới tử đắc giới.”, ngài nói.

“Am tường chỉ trì và thông suốt các pháp Yết-ma là bổn phận của một vị Tỳ-kheo, chứ không phải là trách nhiệm của riêng ai.”, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông nhắc nhở.

Chia sẻ cùng đại chúng về quá trình tổ chức các giới đàn, Hòa thượng Thích Lệ Trang cho biết, ngày xưa, giới đàn được tổ chức rất đơn giản, theo tính chất sơn môn. Đến thời kỳ Phật giáo Trúc Lâm ở đời Trần trở lại đây, sinh hoạt Tăng đoàn có tính chất tương đồng nên giới đàn được tổ chức mang tính tập thể.

Thực trạng ngày nay, trong công tác tổ chức giới đàn vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề bất cập, chưa có sự nhất quán triệt để, như: chú trọng hình thức hơn nội dung; thực hành không đúng tác pháp Yết-ma truyền giới; Ban Kiến đàn không đảm bảo sự thanh tịnh tuyệt đối của giới sư, các ban phục vụ công tác của giới đàn kể cả của Ban Kiến đàn; các thành viên chủ chốt không có sự hiểu biết nhất định về pháp Yết-ma truyền giới…

“Do vậy, trong khóa bồi dưỡng lần này, chúng ta cùng nhau thảo luận, nhằm tìm ra một mô hình, đường lối chung, phù hợp với sự phát triển của xã hội nhưng không làm mất đi truyền thống, bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam về việc tổ chức giới đàn.”, Hòa thượng Thích Lệ Trang nêu vấn đề.

Theo Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An cần có văn bản chung để sử dụng thống nhất trong giới đàn

Hòa thượng Trưởng ban Nghi lễ T.Ư cũng nhấn mạnh, nhìn nhận lại những vấn đề, khuyết điểm trong các giới đàn, để chỉnh sửa bổ sung, hướng đến một giới đàn lý tưởng, giúp giới tử đắc giới như pháp là một việc làm quan trọng, mang tính thực tế và cấp thiết.

Qua đó, Hòa thượng Thích Lệ Trang đã chia sẻ với đại chúng các vấn đề liên quan đến giới đàn, như: danh xưng và chức năng giới sư trong Thập sư, nhân duyên thành tựu việc thọ giới, nội dung giáo giới hành nghi, trình tự truyền giới, văn chúc thọ giới đàn, nghi thức khai mạc giới đàn…

Trong phần thảo luận, nhiều vấn đề thắc mắc liên qua đến giới đàn được chư tôn đức đề cập.

Thượng tọa Thích Đạt Đức đặt vấn đề về pháp phục của Hội đồng Thập sư tại Đại giới đàn

Thượng tọa Thích Đạt Đức, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM đặt vấn đề về pháp phục của Hội đồng Thập sư trong Đại giới đàn nên chăng cần có quy định chung? Vì hiện nay, mỗi địa phương một kiểu dẫn đến nhiều ý kiến bất đồng, thậm chí trái chiều.

Chia sẻ về việc này, Hòa thượng Thích Lệ Trang cho biết, về pháp “tùy thí tùy dụng” nhưng trước khi thọ dụng cần phải làm pháp “tắc tịnh” để đúng luật. “Hoại sắc không có nghĩa là lem luốc hay loang lổ mà khi dùng yếu tố nhằm phá đi chánh sắc thì nó trở thành hoại sắc. Các Tổ xưa mặc y gấm nhưng nơi “bần bà” đắp một miếng vải khác màu vào là vậy.”, Hòa thượng giải thích thêm.

Thượng tọa Thích Quảng Lộc, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang ưu tư bao giờ việc tổ chức giới đàn theo cụm và khu vực mới được thực hiện

Hòa thượng Thích Minh Thiện và Thượng tọa Thích Quảng Lộc đề xuất cần có những quy định chung về các nghi lễ trong giới đàn, cũng như cần có một văn bản thống nhất để các tỉnh thành sử dụng.

Giải đáp vấn đề này, Hòa thượng Thích Lệ Trang cho biết Đại giới đàn và việc độ người xuất gia là nội dung được Đức Pháp chủ và chư tôn Trưởng lão Hội đồng Chứng minh quan tâm, đã ban hành trong Nghị quyết của Đại nghị Hội đồng Chứng minh lần thứ nhất năm 2023. Hòa thượng cho biết thêm, thông qua khóa học, Hội đồng Trị sự sẽ có những đề xuất và điều chỉnh để đệ trình Đức Pháp chủ và Hội đồng Chứng minh, hy vọng bằng tuệ giác tập thể sẽ sớm có những văn bản hướng dẫn sử dụng trong các sinh hoạt chung của Giáo hội, trong đó có nội dung, nghi thức truyền thọ giới pháp tại giới đàn.

Sáng nay, 9-10, Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng II chia sẻ về công tác hành chánh Giáo hội. Sau đó, Ban Tổ chức sẽ tổ chức Lễ bế mạc khóa bồi dưỡng và trao chứng chỉ cho học viên các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Nam tham dự.

Quảng Hậu – Nguyên Tài/Báo Giác Ngộ