Lòng tham không đáy
Mỗi chúng ta khi vừa lọt lòng mẹ đã cất những tiếng khóc thét oe oe chào đời. Tiếng khóc linh cảm tâm thức trẻ thơ, đỏ hỏn dường như dự báo về những ngày tháng rộng dài nỗi buồn vui, hy sinh, chịu đựng hay ân huệ hạnh phúc chờ đón trước mặt…
Cuộc đời ví như chuyến đò dọc dài lênh đênh trên sông nước. Đò kia có lúc thuận buồm xuôi gió nhưng có khi nghịch nước chông chênh. Chẳng biết nơi mô sóng êm gió lặng. Tự thân ta phải biết thích nghi, định đoạt, chống chèo vượt qua những khúc quanh, ngã rẽ với bản năng tự tồn của kiếp người.
Hiểu theo tâm đạo, con người đầu thai hiện hữu, phát triển giữa thế gian từ nghiệp lực nhân duyên theo quả phước vô thường (chỉ một sát-na, có hóa thành không). Vậy mà, trong xã hội ngày nay không ít người cố tình giành giật chiếc áo vật chất bằng mọi giá vì ma lực quyến rũ của nó. Lấy đó làm chuẩn mực, thước đo trang sức giàu có, thỏa mãn đam mê theo kiểu ông hoàng bà chúa! Đây là tác nhân chính trói buộc thân, đẩy tà tâm vào giữa vòng vây hãm lưu đày của cuộc đua ham muốn vật chất vô độ. Và tiền là thủ phạm chính của mọi sự ham muốn đó.
Có thể nói, màn vô minh đang phủ che tâm thức, biến con người từ tâm trong sáng thanh sạch hồn nhiên ban đầu chạy theo trào lưu xã hội đổi thay tâm tính, ôm mộng tham lam lừa lọc. Xuất phát từ tham vọng giàu sang cá nhân, lợi ích gia đình, lợi ích nhóm… và chạy theo xu hướng lệch lạc nhất thời “Đồng bạc đâm toạc nhân cách” hay “Áo xiêm ràng buộc lấy nhau/ Vào luồn, ra cúi công hầu mà chi?”, mà thi hào Nguyễn Du mượn hình ảnh chàng Từ Hải để ví von trích biếm những quan lại cúi luồn nịnh bợ, thượng đội hạ đạp… Những mưu toan, hành động ấy không gì khác hơn là nhằm củng cố quyền lực, mưu cầu danh vọng tiền bạc, thỏa mãn lòng tham không đáy của bản thân mình. Nó cũng nói lên sự phá sản của nhân tâm, đạo lý của con người!
Nhắc lại chuyện xưa này để ngẫm chuyện hôm nay. Thời đại của bùng nổ thông tin, mọi chuyện dù xảy ra ở khắp hang cùng ngõ hẻm hay từ rừng núi xa xôi đến chốn đô thị náo nhiệt đều được cập nhật nhanh chóng lên “thế giới mạng”. Qua đó mới thấy, từ “thứ dân” đến “thứ quan” có đủ mọi chiêu trò, mánh lới kiếm tiền không từ bất cứ thủ đoạn ác tính xấu xa nào! Từ thực phẩm bẩn biến thành “đặc sản”, hàng giả thành hàng thật, hàng kém chất lượng thành hàng hiệu… đến dự án ma, biến đất công thành đất tư hay phù phép, móc ngoặc biến của công thành của tư để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước những đồng tiền vốn từ mồ hôi nước mắt của người dân chắt chiu đóng góp mà có…; hơn nữa còn dùng các thủ đoạn trù dập, loại bỏ, chèn ép, nâng đỡ không trong sáng để hình thành nên các nhóm lợi ích… rất có hại cho đất nước, cho dân tộc.
Tất cả những hành động ấy nói lên dã tâm tham lam ích kỷ mất hết tính người. Những con người ấy chắc chắn tâm chất hóa đá, trơ cứng như bức tượng trêu ngươi giữa thế gian vậy. Vì tâm tà nên lòng tham cũng vô tận, như chiếc túi rộng mà không có đáy, biến con người trở thành “mặt người dạ thú”!…
Cố chấp, tham sân si, theo đạo Bụt cần phải triệt tiêu “dẹp loạn” đẩy ra khỏi tâm thức ý nghĩ vụng trộm, tham ái hẹp hòi của đời người. Đó chính là tâm niệm buông bỏ, quay đầu với định hướng Chánh pháp. Bụt khuyên chúng sanh: “Biết đủ là giàu có nhất! Thân mạng phù du có đó rồi không đó, vô thường trụ diệt thì sá gì của cải vật chất, tiền tài danh vọng kia nay nằm trong tay người này mai lại qua tay người khác như cuộc mộng du trong chốc lát rồi tan biến có nghĩa gì đâu!…”. Vậy ta hãy xác quyết tính cách tương duyên tự truy vấn “nợ nần” ở thế gian dặn lòng “gạn đục khơi trong” bằng cảm xúc trái tim tuệ giác không phân biệt cương giới vùng miền, trải lòng san sớt chia sẻ ngọt bùi đưa tình người ngồi lại bên nhau cùng chung một chiếu hoa thể hiện con tim cảm xúc biết nói. Để mỗi bước đi được nở hoa, an lạc thiện lành…, chính là hạnh phúc là cực lạc trọn vẹn giữa thế gian rồi đó.
Thanh Phương