Mạng xã hội và truyền thông về Phật giáo: Hiểu và tin như thế nào?

Hiểu là một động từ diễn đạt hành động của sự tiếp cận, nhận diện, nắm bắt về mặt ý nghĩa, bản chất, lý lẽ của một hiện tượng, sự vật, sự việc nào đó.

Nhưng việc hiểu ở đây phải vận dụng cả tư duy và trí tuệ. Và một khi đã hiểu thì đồng nghĩa với việc ta thu nhận thêm một lượng tri thức mới hay đơn thuần là biết được ý nghĩ, tình cảm, quan điểm của một đối tượng nào đó.

Phân biệt về sự hiểu có hai loại: hiểu đúng và hiểu sai. Hiểu đúng thì không có gì bàn cãi. Nhưng, có khi việc đã rõ ràng như mặt trời tỏa sáng trước mắt đến mức khó mà lệch đi được nhưng người ta lại cố hiểu sai về nó. Ở đây có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến một cá nhân, tập thể hiểu sai đi một vấn đề. Xin tạm xếp chúng thành hai nhóm nguyên nhân chính là khách quan do tác động bên ngoài, và chủ quan do yếu tố nội tại.

Trong đạo Phật, Đức Phật luôn đề cao, khuyến tấn và chỉ dạy đệ tử của Ngài dù tại gia hay xuất gia đều phải luôn tôn trọng sự thật và luôn có cái thấy, biết, hiểu một cách đúng đắn, chân thật nhất.

Ngay bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, Đức Phật đã tuyên thuyết về con đường chân chánh có tám chi phần (Bát Chánh đạo) thì cái nhìn đúng đắn, hiểu biết đúng đắn còn gọi là Chánh kiến được đề cập đầu tiên. Không phải ngẫu nhiên mà Chánh kiến hay hiểu biết đúng đắn được tuyên thuyết đầu tiên trong Bát Chánh đạo. Qua nhiều kinh văn cả Nam truyền lẫn Bắc truyền, Đức Phật đều đề cập đến Chánh kiến là nền tảng căn bản nhất của đạo đức người học Phật. Vì có Chánh kiến cũng có nghĩa là ta biết điều gì thiện và bất thiện, nhân quả, nghiệp báo của thiện ác, bản chất của vạn pháp. Từ đó ta thiết lập cho mình con đường tu học theo lời Đức Phật dạy: Không làm mọi điều ác/ Thành tựu các hạnh lành/ Tâm ý giữ trong sạch/ Chính lời chư Phật dạy (kinh Pháp cú, phẩm Phật đà 183).

Cũng vậy, hiểu biết đúng đắn hay Chánh kiến trong đạo Phật cũng xây dựng trên nền tảng tuệ giác, trí tuệ – có khả năng soi chiếu giúp chúng ta thấy rõ chân, thực, hư, vọng của vạn pháp. Mà Tuệ giác hay Trí tuệ lại là yếu tố nắm vai trò then chốt trong việc xây dựng nên Chánh kiến.

Đời sống tu sĩ càng nghiêm trì giới luật càng an ổn, thăng tiến trên đường xuất thế. Ảnh minh họa
Đời sống tu sĩ càng nghiêm trì giới luật càng an ổn, thăng tiến trên đường xuất thế. Ảnh minh họa

Gần đây, có rất nhiều vấn đề liên quan đến truyền thông làm ảnh hưởng đời sống tu học của Tăng Ni và Phật tử mà phần nhiều ảnh hưởng đến sự kính tin Tam bảo của hàng cư sĩ Phật tử. Hiện có không ít người vẫn còn đang loay hoay và lẩn quẩn không biết đâu là đúng, đâu là sai giữa vòng xoáy của tin rác, truyền thông bẩn và sự công kích của những đối tượng không ngoài mục đích xấu. Có thể nói đây là sự ảnh hưởng đến từ những yếu tố khách quan từ bên ngoài. Với những ai chỉ dựa trên những yếu tố khách quan này và đặc biệt là sự nhiễu loạn thông tin trong bối cảnh truyền thông bẩn như hiện nay, mà có sự nhìn nhận không đúng, hiểu biết sai lầm, thậm chí đánh mất niềm tin chân chính của mình đối với Tam bảo thì thật là nguy hại và đáng thương.

Như những gì Đức Phật dạy người Kalama ở xứ Kesaputtra khi có người truyền đạo đến xứ này giới thiệu, trình bày và giải thích giáo lý của họ, đồng thời lại khinh thường, chửi rủa và chỉ trích thậm tệ những giáo lý của người khác. Đức Phật đã dạy đừng tin vào số đông, truyền thống, những điều nghe đi nghe lại nhiều lần, dựa trên phỏng đoán, xét tính bên ngoài, thành kiến, thậm chí là thầy của mình tuyên thuyết. Hãy tin vào những gì là tốt (thiện pháp), điều gì không bị chê trách, lên án; điều được khen ngợi bởi người khôn ngoan; điều được kiểm chứng qua sự thực nghiệm và quan sát; điều dẫn đến sự hạnh phúc và lợi lạc. Không gì khác hơn đó là Trí tuệ: Trí tuệ của người khôn ngoan; Trí tuệ của sự thực nghiệm và quan sát; Trí tuệ đưa đến hạnh phúc và lợi lạc.

Tôi vẫn thường tâm đắc câu nói “thị phi thì đời nào chả có”, có khi những việc thị phi trên truyền thông kia đã từng xảy ra với Đức Phật, Tăng đoàn và Phật giáo. Đức Đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng có dạy rằng: “Đối với những việc đã xảy ra, chúng ta cố gắng biết được bằng cách học trên sách vở có ghi đầy đủ, nhưng lại làm biếng đọc. Và căn cứ vào việc đã xảy ra để ta biết đối phó thế nào với việc đang xảy ra. Những người không biết thì quyết đoán sai lầm làm Phật giáo suy đồi”.

Qua lời dạy trên, có thể thấy Đức Pháp chủ khuyên chúng ta rằng, việc học tập, nghiên cứu, quán chiếu, thực nghiệm những lời dạy mà chư Phật, chư Tổ đã truyền trao thông qua kho tàng Tam tạng Thánh điển, sách vở còn lưu truyền lại rất quan trọng. Đây chính là con đường Văn – Tư – Tu, con đường đưa đến tuệ giác là nền tảng xây dựng Chánh tri kiến – Cái hiểu đúng đắn cho chính chúng ta trong thời đại này.

Tóm lại, để tránh mất đi công đức của việc tu học bấy lâu nay, mất đi những thứ căn bản và vô cùng quý giá (Chánh kiến và Chánh tín), chúng ta hãy sống, tu tập, và tỉnh thức giữa bão truyền thông hỗn loạn. Hãy là người luôn tìm hiểu, nghiên cứu và quán chiếu một cách thấu đáo trước khi tin vào một điều gì đó. Và con đường hiệu quả nhất cho mỗi người là lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy trí tuệ làm ngọn đèn, tự soi sáng ta qua cơn mê lầm.

Theo Nội san Nguyên Hương số 5

Trí Tuấn