Vô thượng căn tu tập

Căn (giác quan) là cửa sổ tâm thức, nơi ghi nhận trải nghiệm sống. Khi giác quan (căn) tiếp xúc với các đối tượng giác quan, nhận thức và cảm xúc có mặt.

Tham ái và chấp thủ (nguyên nhân của khổ) sẽ từ nhận thức và cảm xúc đó sinh ra. Tuỳ thuộc vào cường độ tham ái và chấp thủ, khổ đau sẽ được kinh nghiệm tương ứng.

809d1ce0-2353-441c-9a1f-cd4cf3238306

Đức Phật Gotama rất lưu ý căn tu tập. Phòng hộ các căn là điều kiện căn bản cho đời sống tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Các căn không được phòng hộ, không được tu tập, trải nghiệm sống đi qua nó sẽ không được tịnh hoá, tâm sẽ không bao giờ có định, thân sẽ không bao giờ có an, đặc biệt sẽ không bao giờ có giải thoát và tri kiến giải thoát được kinh nghiệm.

Vua Trần Thái Tông cũng rất ý thức căn tu tập. Sau khi thấu hiểu khổ và nguyên nhân của khổ, Vua liền viết Sám Hối Sáu Căn[1] để tự mình tịnh hoá và giúp người tịnh hoá.

Một lần nọ, có một thanh niên tên Uttara đến thăm Đức Phật. Thanh niên ấy nói thầy của mình là Pasariya. Thầy ấy dạy căn tu tập là không nên thấy sắc với mắt; không nên nghe tiếng với tai… Đức Phật hỏi lại thanh niên Uttara: Nếu vậy người mù và người điếc sẽ là người có căn tu tập? Thanh niên Uttara im lặng.

Sau đó, theo lời thỉnh cầu của Ananda, Đức Phật dạy về vô thượng căn tu tập:

Vị Tỳ-kheo có căn tu tập là vị Tỳ-kheo mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm và ý nhận thức, có thể khởi lên cảm giác thích thú (khả ý), cảm giác không thích thú hay cảm giác vừa thích thú vừa không thích thú. Vị ấy tuệ tri có cảm giác thích thú khởi lên, có cảm giác không thích thú khởi lên hay có cảm giác vừa thích thú vừa không thích thú khởi lên. Vị ấy biết cảm giác nào, thích thú, không thích thú, hay vừa thích thú vừa không thích thú, đều vô thường (hữu vi), thô lậu. Vị ấy an trú “xả” và biết rõ “xả” là an tịnh, là thù diệu. Vị ấy không có tham ái và chấp thủ vào bất cứ cảm giác nào.[2]

Trên đạo lộ giải thoát của vị còn phải học (hữu học), vô thượng căn tu tập là những bước chân quyết định đưa đến định tu tập và tuệ tu tập. An trú với tâm xả trong mọi tri giác và kinh nghiệm khởi sinh do căn (giác quan) tiếp xúc với trần (đối tượng giác quan) là an trú định tu tập. An trú định tu tập trong chánh kiến vô thường, khổ và vô ngã là an trú tuệ tu tập. Xả tâm càng lớn thì định niệm càng lớn. Định niệm càng lớn thì tuệ kiến càng minh. Giải thoát sẽ tỷ lệ thuận với tuệ kiến. Thánh quả giác ngộ và tri kiến giải thoát của một Sa-môn sẽ được bắt đầu từ đạo lộ: Tịnh giới, biết đủ, căn tu tập, chánh niệm tỉnh giác, viễn ly trú, nhập bốn thiền và chứng tam minh.[3]

———–

[1] Thái Tông Hoàng Đế Ngự Chế Khoá Hư Tập (太宗皇帝御製課虚集).

[2] Kinh Căn Tu Tập, 152, Trung Bộ Kinh.

[3] Kinh Sa Môn Quả, 2, Trường Bộ Kinh.

Nhuận Đạt (tu sĩ)