An tâm như thế nào?

Trong Thiền tông có một câu chuyện đối thoại giữa Tổ Bồ Đề Đạt Ma và đệ tử thiền sư Huệ Khả. Thiền sư Huệ Khả cảm thấy trong tâm có nhiều vấn đề, nên muốn Tổ giúp đỡ mình an tâm. Vì thế, Tổ hỏi Thiền sư: “Tâm con ở đâu? Con hãy đem tâm bất an ra cho thầy xem thử!”.

Kết quả, Thiền sư không tìm được tâm mình. Lúc đó, Tổ Bồ Đề Đạt Ma bảo: “Thầy đã an tâm cho con rồi”.

Nguyên nhân nội tâm con người bất an, rốt cuộc là không phải ở bên ngoài mà do tâm ganh tỵ, tâm lo lắng, tâm sân hận, tâm tức giận, tâm tham… gây mâu thuẫn xung đột. Sự xung đột này bao gồm giữa mình với mình, hoặc mình với người khác, có thể là thật mà cũng có thể là tưởng tượng.

Như tâm ganh tỵ, có lúc chúng ta nhìn thấy người khác thành công, trong tâm rất khó chịu. Đúng ra, người khác thể hiện sự thành công, chúng ta phải vui mừng, khen ngợi, chia vui cùng họ; vả lại, sự thành công của họ làm cho chúng ta được thơm lây, thậm chí có cơ hội học theo. Thay vì ganh tỵ với người khác, chi bằng tìm hiểu nguyên nhân nào họ có thể thành công; đồng thời, hãy xem xét lại mình làm thế nào mới có thể tài giỏi giống như họ. Nhưng có lúc người khác làm được mà chúng ta cố gắng hết sức mình vẫn không làm được; lúc đó, chúng ta hãy nghĩ lại nhân duyên, phước báo của mình chưa đủ, cần phải nỗ lực thêm. Sau đó, cố gắng vun trồng nhân duyên, phước đức thì tất nhiên sẽ thành tựu.

Khi bất an, cũng có thể niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hay Bồ-tát Quán Thế Âm. Nếu chuyên tâm niệm Phật, sẽ không còn nghĩ những vấn đề phiền não, tất nhiên từ từ tâm sẽ an lạc.
Khi bất an, cũng có thể niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hay Bồ-tát Quán Thế Âm. Nếu chuyên tâm niệm Phật, sẽ không còn nghĩ những vấn đề phiền não, tất nhiên từ từ tâm sẽ an lạc.

Sở dĩ, người khác được thành công là vì họ phải trải qua nỗ lực vất vả; cho dù trong đời này họ không cực nhọc, nhưng đời quá khứ họ cũng từng tích lũy. Có người nhìn thấy người khác giàu sang, có địa vị danh vọng cảm thấy không khâm phục, cho rằng mình suốt đời làm lụng cực khổ mà vẫn thiếu trước hụt sau, cũng không có hạnh phúc. Lúc đó, chúng ta hãy nghĩ lại, người khác được giàu sang, hạnh phúc là kết quả từ đời quá khứ đã nỗ lực tu tập, chúng ta không ngưỡng mộ họ, cũng không nên ganh tỵ.

Ngoài ra, tâm tham cũng là nguyên nhân làm cho tâm con người bất an, người sống biết đủ không gọi là tham, người không biết đủ luôn tìm cầu gọi là tham. Người tham không biết chán là điều rất đau khổ, thật ra người biết đủ tất sẽ được đầy đủ. Chúng ta không cần suy nghĩ tìm mọi cách để đi tranh giành với người khác, chỉ cần nỗ lực làm việc thì tất nhiên sẽ được đơm hoa kết trái. Nếu như thành quả chưa xuất hiện là chứng tỏ nhân duyên chưa thành thục, chúng ta cũng không nên buồn vì việc này. Nếu suy nghĩ như thế sẽ tiêu trừ nhân tham sinh ra đau khổ.

Trên thực tế, tâm bất an chủ yếu là tự mình làm khổ mình, tự chuốc phiền não. Khi chúng ta cảm thấy bất an, trước phải hiểu rõ vì sao mình bất an? Sau khi tìm hiểu nguyên nhân thì thấy rất nhiều phiền não mà chúng ta cũng không cần bận tâm. Như chúng ta đi thi, sau khi thi xong, có người hàng ngày trông chờ kết quả, trong tâm lúc nào cũng hồi hộp lo lắng, không biết mình có thi đậu không? Thi đậu rồi học ở đâu? Nếu như lúc đó chúng ta suy nghĩ: “Dù sao mình cũng đã thi xong, có lo lắng như thế cũng chẳng giải quyết được gì; còn sau khi đậu học ở đâu, đến lúc đó sẽ tính, hiện tại có lo lắng cũng vô ích, cần gì tự mình chuốc lấy phiền não?”. Nếu nghĩ như thế thì tâm an liền, cảm thấy mình suy nghĩ lung tung thật vô duyên.

Cho nên, khi tâm chúng ta bất an thì hãy nghĩ lại, tự hỏi mình nguyên nhân bất an là gì? Do mình suy nghĩ quá nhiều, thực ra chẳng có việc gì đáng làm cho chúng ta phiền não và buồn rầu. Khi phản tỉnh như thế thì tâm chúng ta sẽ an ổn.

Ngoài ra, khi bất an, cũng có thể niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hay Bồ-tát Quán Thế Âm. Nếu chuyên tâm niệm Phật, sẽ không còn nghĩ những vấn đề phiền não, tất nhiên từ từ tâm sẽ an lạc.

HT. Thánh Nghiêm