Người ở “Tu viện bất thường” nói về ý nghĩa đời người

Thượng tọa Thích Thiện Tâm là một vị tu sĩ người Việt đang tu học tại Hoa Kỳ. Thầy phát nguyện vào các trại tù ở California để hướng dẫn thiền tập, chia sẻ Phật pháp cho tù nhân kể từ năm 2013, đến nay đã tròn 10 năm.

Vị Thượng tọa này gọi đó là những “tu viện bất thường”, các tù nhân là thiền sinh và họ cũng xem thầy là người dẫn đường để thoát khỏi những tổn thương, ám ảnh quá khứ, phần nào tìm thấy “mùa xuân” sau “đêm đông” của sai lầm, tội lỗi.

Giác Ngộ có cuộc trò chuyện với thầy về mùa xuân của đời người, giá trị của hạnh phúc, an lạc thay vì những phù du danh, sắc, tiền bạc từ chính cái thấy của một nhà sư làm công việc cảm hóa tù nhân ở xứ cờ hoa.

Thầy Thiện Tâm gặp lại thiền sinh cũ, sau khi họ tại ngoại – Ảnh: NVCC

Khi phạm nhân giác ngộ

* Kính chào thầy, có thâm niên 10 năm hướng dẫn thiền cho tù nhân, thầy nghĩ gì về giá trị của đời người trước “tấm gương” của những người lầm đường lỡ bước, nơi mà thầy gọi là “tu viện bất thường”?

– Nhìn từ quan điểm của những người lầm đường lỡ bước (hay pháp hữu), giá trị của con người là được lớn lên và sống trong sự thương yêu đùm bọc của cha mẹ và anh em. Từ đó cảm nhận được những lời nói yêu thương chân thật của cha mẹ, những cái ôm thật chặt, sự quan tâm về sự học hành hoặc áp lực trong cuộc sống. Những người bị bạo hành, ngược đãi, xâm hại tình dục, bắt nạt đều được coi như là trải nghiệm “sang chấn/chấn thương tâm lý” (traumatized) – theo bác sĩ Bessel Van Der Kolk trong quyển sách The Body Keeps The Score.

Với bác sĩ Gabor Maté trong quyển sách The Myth of Normal, sau khi trưởng thành, đa số những người này có thể bị bệnh nặng trong thân, bệnh tự miễn (autoimmune disease), hay ung thư hoặc bị rối loạn tâm thần. Hơn nữa, khi những người này lập gia đình và có con cái, họ sẽ tiếp tục dùng bạo hành đối xử với con cái của họ, từ thế hệ này đến thế hệ khác tiếp tục gây đau khổ cho nhau. Bác sĩ tâm lý gọi đây là sang chấn giữa các thế hệ (Inter-generational trauma).

* Những tù nhân ở Mỹ mà thầy có cơ hội tiếp xúc, hướng dẫn thiền, họ thường bị tù tội vì lý do gì? Những thay đổi tích cực của họ sau khi được học thiền, tập thiền như thế nào?

– Những tù nhân (nam và nữ) đến tu tập phạm phải rất nhiều tội phạm khác nhau – có một người giết cả cha và mẹ, có người giết chết người anh, có người cố sát hoặc ngộ sát, có người thì đánh lộn, hoặc ăn cướp… Có người thì bị vu oan vì họ có mặt ở hiện trường vụ án hình sự.

Sau khi được nghe giảng về Phật pháp và hành thiền, họ thấy rõ được nguyên nhân cái khổ của họ, họ ngồi thiền đối diện những cảm thọ và từ từ ứng dụng Phật pháp, biết cách xử lý những cái khổ của họ. Tuy nhiên cuộc sống trong tù rất khốn khổ, nhưng họ không than van, họ chấp nhận, chỉ tập trung vào việc học hành (học đại học), học nghề và các lớp tự lực (self-help classes) để giúp họ tìm hiểu nguyên nhân phạm tội và đạt được các bằng chứng chỉ đại học hệ hai năm hay bốn năm. Phật pháp và thiền tập có thể giúp họ nhìn thấu một cách trực tiếp, rõ ràng, và toàn diện hơn, cho nên có một số phạm nhân thường tự ngồi thiền trong phòng giam mỗi ngày. Họ đạt được phần an lạc tự tại trong tâm và điềm tĩnh hơn so với những người không hành thiền.

Thượng tọa Thích Thiện Tâm và các thiền sinh đặc biệt, những tù nhân đang chấp hành án phạt tại một nhà tù ở California, ngày 21-11-2022 – Ảnh: NVCC

Để có một mùa xuân

* Thực sự, khi còn khỏe, còn tự do, nhiều người không cảm nhận hết những điều kiện bình an, hạnh phúc mình đang có, cho đến khi đổ bệnh, sa vào lưới pháp luật, tù tội vì những lỗi lầm của mình. Theo thầy, đây có phải là “bệnh” chung của con người? Làm sao để mỗi người nhận ra được những điều kiện hạnh phúc mà họ đang có để kiến tạo mùa xuân thật an lành cho mình?

– Nói là bệnh chung của con người cũng đúng, nhưng tình trạng này ở thanh thiếu niên thì phức tạp hơn.

Thứ nhất, số người bị “bệnh” tùy thuộc vào chính sách kinh tế, giáo dục, và văn hóa của đất nước đó. Thứ hai, thanh thiếu niên dưới 25 tuổi rất bồng bột và ương ngạnh, nếu cha mẹ không có sự quan tâm và biết cách thương yêu các em bằng tâm từ và tâm bi, thì các em sẽ theo bạn bè hoặc băng đảng. Từ đó các em có thể sa vào lưới pháp luật hoặc vấp phải sự nghiện ngập các độc tố.

Gần 20 năm nay, các nhà khoa học có nhiều cuộc nghiên cứu về bộ não đã chứng minh rằng bộ não con người dưới 25 tuổi thì chưa được coi là trưởng thành. Tuy nhiên đa số các quốc gia trên thế giới đều coi các em trên 18 tuổi là tuổi trưởng thành.

Vì vậy từ năm 2015, ngành tư pháp hình sự của bang Cali đều xét lại tội của những người phạm tội dưới 25 tuổi và những người dưới 25 tuổi mà phạm tội thì sẽ xử theo điều luật mới dựa trên nghiên cứu của khoa học.

Còn những nước không quan tâm đến thanh thiếu niên và không cải thiện chính sách kinh tế cũng như giáo dục thì sẽ có những thanh thiếu phải sa vào lưới pháp luật.

Để kiến tạo mùa xuân thật an lành hạnh phúc cho bản thân, người ta nên cải thiện cách sống (thọ trì 5 giới căn bản) và các mối quan hệ trong gia đình (giữa vợ chồng, cha mẹ đối với con cái, giữa anh chị em), quan hệ giữa sư thầy (Sa-môn) đối với Phật tử, các mối quan hệ giữa thầy cô hay giáo sư với học sinh, các mối quan hệ giữa bạn bè…

Mọi người có thể tham khảo bài kinh 31, Giáo thọ Thi-ca-la-việt trong kinh Trường bộ để hiểu rõ thêm chi tiết. Được như vậy thì ai cũng có thể kiến tạo mùa xuân thật an lành cho mình.

* Có một định nghĩa chung nào cho hạnh phúc, bình an không, thưa thầy?

– Định nghĩa hạnh phúc thì có rất nhiều từ các chuyên gia xã hội học và tâm lý học. Ngài Matthieu Ricard, người mà được các học giả và giới khoa học coi là người hạnh phúc nhất trên thế giới, có định nghĩa về hạnh phúc như thế này: “Hạnh phúc là một cảm thọ thăng hoa sâu sắc xuất phát từ cái tâm thiện lành rất đặc biệt. Đây là một trạng thái tối ưu của tâm. Hạnh phúc cũng là một cách chúng ta diễn tả thế giới xung quanh ta, kể từ khi chúng ta khó có thể thay đổi thế giới, chúng ta luôn có thể thay đổi cách nhìn của chúng ta đối với nó” [Trích trong sách Happiness: A Guide to Developing Life’s Most Important Skill, trang 19]

Nhập thế là con đường tất yếu

* Chọn xuất gia, rồi sau đó là chọn dấn thân vào nhà tù để hoằng pháp, đó có phải là những lựa chọn bình an của thầy? Nếu không thì vì sao thầy chọn hoằng pháp ở nơi khó như vậy? Và thầy có mùa xuân trên hành trình đi vào nơi khó như nhà tù, tiếp xúc với tù nhân sau ngần ấy năm?

– Nếu dấn thân vào tù mà được gọi là “bình an” thì tôi nghĩ ai cũng tranh nhau vô đó rồi (cười). Thật sự việc vào tù giảng dạy là một tình cờ. Lúc đầu tôi nghĩ đi cho biết và không có dự tính gì hết. Nhưng sau vài lần thăm tù, nghe những mẩu chuyện của tù nhân bị bạo hành, ngược đãi, hiếp dâm khi còn nhỏ, tận mắt thấy được cái khổ trong tù, vậy mà những pháp hữu vẫn chấp nhận cuộc sống trong tù, họ tìm thấy được niềm hỷ lạc và chút khinh an qua thiền tập, hiểu thấu lời Phật dạy. Đó là động cơ làm cho tôi tiếp tục vào thăm họ gần 10 năm nay. Nói thật, cuộc sống, môi trường, và cách nhân viên và cai tù đối xử với tù nhân thì không khác gì địa ngục được mô tả trong kinh văn.

Thực ra, tôi nghĩ mình chỉ là người đưa tin (messenger) với những bài pháp và phương pháp thực tập cho pháp hữu chứ không dám nói mình là người giảng dạy. Khi nhìn thấy cuộc sống và hoàn cảnh trong tù thì tôi không dám than van gì cả. Trước mắt với tôi cũng không có gì có thể nói là cực khổ. Nhiều khi mình hơi mệt sau khi lái xe, chứ không bằng cái khổ thân và tâm của họ.

Mỗi lần gặp mặt, trước tiên họ cười và chia sẻ niềm vui nho nhỏ. Hoặc họ kể lại tình trạng khó khăn (khi bị từ chối không cho ra tù hoặc gia đình có người bệnh nặng hay mất mà họ không được gặp mặt lần cuối). Họ rơm rớm nước mắt chứ không than van. Sau một tiếng ngồi thiền với tôi trong sự yên tĩnh ở nhà thờ nhỏ (chapel), tâm của họ lắng xuống, họ có được phần nào khinh an và hỷ lạc. Sau đó họ phải trở lại phòng giam, đi học hay đi làm.

Đây là niềm vui nho nhỏ mà tôi cảm nhận được sau mỗi lần đi thăm tù. Tôi luôn tri ân những lời dạy của Đức Phật và hạnh nguyện của chư Bồ-tát đã giúp cho tôi hiểu rõ bản chất của cuộc sống ở Ta-bà này và tiếp tục đem những lời dạy và kinh nghiệm bản thân để chia sẻ cho tất cả pháp hữu trong tù.

* Nếu có một chia sẻ về kinh nghiệm hoằng pháp, thầy nói gì với Tăng Ni trẻ?

– Nói chung, mục đích chính của người xuất gia là giải thoát sanh tử luân hồi. Còn việc hoằng pháp thì tùy vào mỗi người. Với những vị có tâm nguyện hoằng pháp thì tốt nhất nên có trình độ đại học, nhất là ngành tâm lý học để mình hiểu rõ tâm lý con người thời nay. Song song nên biết thêm một hoặc hai ngoại ngữ, tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Tây Ban Nha. Và nếu có cơ hội đi nước nào đó thì nên tìm hiểu lịch sử, văn hóa và tôn giáo của nước đó, để mình hiểu rõ người dân bản xứ mà biết cách đem Phật pháp và phương pháp thực tập cho họ.

Thử thách lớn đối với Phật giáo bây giờ là con người trong thời đại này, nhất là trung niên và thanh niên, đa số họ có trình độ học vấn và văn minh cao, họ chạy theo vật chất và công nghệ và không chịu tìm hiểu đến tâm linh. Chùa chiền bây giờ thường chỉ có những người lớn tuổi. Trọng trách của Tăng Ni là phải làm cách nào để đưa Phật giáo đến với giới trẻ, nếu không thì đạo Phật khó mà phát triển được, có chăng cũng chỉ lai rai với những người lớn tuổi.

* Cảm ơn thầy và kính chúc thầy có một năm mới an lạc, Phật sự như nguyện!

Lưu Đình Long/Báo Giác Ngộ